Trọng Nghĩa RFI 30-4-2010
Binh chủng không quân diễu hành tại Hà Nội nhân kỷ niệm 35 năm chiến tranh chấm dứt. Ảnh: Reuters
35 năm sau biến cố 30/4, báo chí Mỹ đã kêu gọi chính quyền rút kinh nghiệm cuộc chiến tranh Việt Nam. Theo một tờ báo bảo thủ, thì đó là do lãnh đạo Mỹ thời đó đã hạn chế việc tấn công miền Bắc, và chọn lựa chiến trường miền Nam. Rồi sau đó do nội tình chính trị Hoa Kỳ, Quốc hội cúp viện trợ cho Sài Gòn...đã dẫn đến thất bại. Còn theo một tờ báo khác, khi lao vào một cuộc chiến lâu dài và tốn kém, phải tranh thủ được dư luận.
« Ba mươi lăm năm sau… chúng ta đã học được điều gì ? » tựa đề trên tờ báo trên mạng Tucsonsentinel.com, « Các bài học từ Việt Nam vẫn ám ảnh lâu dài », tựa đề một bài khác trên báo Delawareonline, « Xem xét lại sự kiện Sài Gòn thất thủ », tựa bài bình luận trên báo Washington Times… Trong những ngày gần đây, những lời kêu gọi chính quyền Obama rút tỉa kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh Việt Nam để áp dụng vào cuộc chiến như tại Afghanistan chắng hạn đã được báo chí Hoa Kỳ liên tiếp đưa ra. Tuy nhiên, tùy theo quan điểm mỗi tờ báo, ‘’bài học’’ cần ghi nhớ lại mỗi khác.
Đối với nhật báo nổi tiếng bảo thủ là tờ Washington Times, thì sở dĩ Hoa Kỳ thất bại ở Việt Nam, đó là vì các lãnh đạo Mỹ thời đó thiếu quyết tâm triệt hạ đến cùng hậu cứ của quân Giải Phóng là miền Bắc Việt Nam. Bình luận gia tờ Washington Times nhắc lại chiến lược chiến tranh hạn chế của cố Tổng Thống Mỹ Johnson, ‘’muốn bảo vệ chế độ tự do tại miền Nam Việt Nam nhưng lại không muốn phá hủy mối đe dọa chính là chế độ Hà Nội’’.
Đối với báo Washington Times, giá mà Hoa Kỳ đã chiến đấu chống miền Bắc Việt Nam như họ đã từng làm với những kẻ thù khác trong quá khứ, thì cục diện có lẽ đã thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên vì sợ Trung Quốc nhập cuộc, ông Johnson đã hạn chế đáng kể việc tấn công vào miền Bắc, và chọn lựa chiến trường miền Nam, nơi họ phải chiến đấu trong điều kiện bất lợi.
Sau thời Johnson, cố Tổng Thống Nixon có chiến lược ‘’Việt Nam hóa chiến tranh’’ được cho là tốt hơn. Chiến lược này là rút lính Mỹ ra khỏi chiến trường, đồng thời tăng cường trợ giúp đồng minh bằng phương tiện vũ khí, tình báo và hỏa lực không quân Mỹ. Theo Washington Times, chiến lược này đã gặt hái nhiều thành công, chẳng hạn như chặn đứng được cuộc tấn công vào mùa hè năm 1972.
Tuy nhiên, sau đó, vì nội tình chính trị Hoa Kỳ, từ vụ Watergate, cuộc khủng hoảng dầu hỏa, cho đến cuộc khủng hoảng lòng tin toàn diện tại Mỹ, sự kiện Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ cúp viện trợ cho chính quyền Sài Gòn, tất cả các diễn biến này đã dẫn tới thất bại của Mỹ đươc ngày 30 tháng tư năm 1975 đánh dấu.
Báo Washington Times kết luận là bài học Việt Nam với việc Hoa Kỳ phản bội chế độ Sài Gòn đã trở thành ‘’nguồn cảm hứng’’ cho nhiều phong trào nổi dậy ở ngoại quốc, cũng như giới phản chiến hay chính khách tại Mỹ mỗi khi quân đội Hoa Kỳ được triển khai ở nước ngoài. Đối với Washington Times, giới lãnh đạo quân sự Mỹ cùng với các chính trị gia hậu thuẫn cho họ cần phải vững vàng. Kinh nghiệm Việt Nam cho thấy là nước Mỹ sẽ chiến thắng tại Irak và Afghanistan nếu giới lãnh đạo có tinh thần kiên định. Có như vậy thì một thảm bại như vào tháng tư năm 1975 sẽ không bao giờ tái diễn.
Nếu bài học mà bình luận gia tờ Washington Times rút ra từ cuộc chiến kết thúc cách đây 35 năm là chính quyền Mỹ cần phải cứng rắn, thì tờ Delaware Online lại cho rằng kinh nghiệm cần rút tỉa từ Việt Nam là khi lao vào một cuộc chiến lâu dài và tốn kém, Chính quyền Mỹ phải tranh thủ được được hậu thuẫn của dư luận
Một bài học khác, theo tác giả bài báo, một giáo sư luật, là nhu cầu tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế để có một hành động chung, và được các nước khác ủng hộ khi can thiệp quân sự. Trương hợp Hoa Kỳ đơn phương can thiệp vào Irak trong thời gian qua đã để lại nhưng hậu quả dai dẳng đến ngày nay, cả trên phương diện lợi ích của nước Mỹ lẫn trên mặt tính chất đúng đắn hay không của các biên pháp đánh phủ đầu.
Bài học thứ ba rất quan trọng cần rút ra từ cuộc tham chiến của Mỹ tại Việt Nam, theo bài báo, là chính quyền cần phải quan tâm đến các binh sĩ sau khi chiến sự kết thúc. Nhiều cựu binh Mỹ tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam đã bị thương tật suốt đời do các loại vũ khí. Thế nhưng, chính quyền Hoa Kỳ đã chần chờ rất lâu trước khi thừa nhận vấn đề và có giải pháp thích ứng nhằm chữa trị cho nhứng người lính trở về.