vẫn khốn đốn sau vụ tràn dầu
Việt Hà, phóng viên RFA 2010-07-27
Đã hơn 3 tháng kể từ khi giàn khoan dầu ngoài khơi vịnh Mexico của hãng BP nổ, gây rò rỉ dầu từ giếng khoan vào vùng vịnh, đến nay BP cho biết đã hoàn toàn bịt được miệng giếng khoan.
RFA photo/Việt Hà
Do ảnh hưởng của vụ tràn dầu ngày 20/4, tàu nằm ụ, ngư dân mất việc, vựa tôm của công ty Sharkco cũng đóng cửa nghỉ việc luôn.
Thế nhưng vẫn có đến hàng triệu gallon dầu nằm lẫn trong nước biển vùng vịnh, hàng ngàn ngư dân, trong đó phần lớn là ngư dân gốc Việt vẫn không thể ra khơi đánh tôm, cá.
Vẫn chưa thể ra khơi
Trong khi đó, một ngân quỹ đền bù thiệt hại 20 tỷ đô la do BP cam kết đã được thiết lập nhưng người ta vẫn chưa rõ khoản tiền này sẽ được chia thế nào.Cuộc sống của những ngư dân gốc Việt tại đây giờ ra sao? Họ trông mong điều gì? Trong tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này, Việt Hà xin gửi tới quý thính giả những tìm hiểu về diễn biến mới trong vụ tràn dầu ảnh hưởng đến đời sống ngư phủ người Việt ở vùng vịnh Mexico.
Sau nhiều tuần thất bại, cuối cùng vào vào ngày 17 tháng 7 vừa qua, BP tuyên bố đã đóng lại được miệng giếng khoan dầu ngoài khơi vịnh Mexico. Một tín hiệu vui sau nhiều tuần chờ đợi của người dân nơi đây. Thế nhưng đi cùng với đó là những băn khoăn của không chỉ người dân, đặc biệt là các ngư phủ người Việt về cơm áo gạo tiền, mà còn cả chính phủ về việc giải quyết hậu quả của vụ tràn dầu.
Người ta không đi đánh cá được không phải bởi vì cái giếng nó chưa có đóng mà là bởi vì trong nước có dầu.Linh mục Nguyễn Viễn của nhà thờ Mary Queen của người Việt ở vùng New Orlean, người đã nhiều năm gắn bó với những ngư phủ Việt nam tại đây cho biết:
Linh mục Nguyễn Viễn
Họ đã tạm đóng giếng dầu nhưng vấn đề ở đây là trong nước đó có khoảng 200 triệu gallon dầu thô. Vấn đề hồ vẫn đang đóng. Người ta không đi đánh cá được không phải bởi vì cái giếng nó chưa có đóng mà là bởi vì trong nước có dầu.
Kể từ ngày 20 tháng 4, sau khi giàn khoan dầu ngoài khơi của BP nổ gây tràn dầu ra vùng vịnh, các ngư dân đã không thể ra khơi đánh bắt tôm cá. Sự việc xảy ra vào đúng đầu mùa tôm hàng năm vốn kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 12, là mùa làm ăn chính của ngư dân tại đây. Hàng ngàn ngư dân mất việc, các con tàu phải nằm không trên bến. Linh mục Nguyễn Viễn nói, ảnh hưởng của vụ tràn dầu cho đến giờ là không thể ước đoán được đối với những người Việt tại đây:
Con số không nói được. Có 1/3 số thuyền trong vịnh Mexico là thuyền của Việt nam. Tổng số thuyền là 14,000. Tức là có 4,000. Mỗi thuyền với khoảng 3 người trên thuyền thì cỡ khoảng 13,000 người. Nhưng cũng không thể quên được những người làm ở các vựa, những người làm trong các nhà hàng, tiệm giờ phải đóng cửa. Nhừng người làm nghề bóc vỏ tôm rồi lấy thịt ghẹ, rồi đập sò, tất cả đều dừng lại nên không thể nói được (chính xác)con số là bao nhiêu.
Linh mục Nguyễn Viễn cho biết, đến giờ hầu như toàn bộ vùng đánh bắt tôm cá tại các tiểu bang Louisiana, Alabama, Mississpi, và Florida đã bị đóng cửa.
Đền bù của BP
Ngư dân Sony Thương trong khi chờ đợi được gọi vớt dầu thì sửa sang lại lưới. RFA photo/Việt Hà
Sau khi vụ tràn dầu xảy ra, BP đã cho tiến hành vớt dầu trên biển. Họ thuê các tàu đánh tôm cá của ngư dân trong vịnh để đi vớt dầu. Mức tiền mà BP trả cho mỗi tàu từ 1,500 đến 2,000 đô la một tàu tùy kích thước. Chưa kể mỗi ngư phủ trên tàu được trả 300 đô la một ngày. Các tàu bắt đầu được gọi ra khơi vớt dầu từ đầu tháng 5.
Bên cạnh đó, BP cũng đã trả tiền bồi hoàn tổn thất thu nhập cho các ngư phủ và việc này dự định sẽ kéo dài 6 tháng. Ông Bốn Lộc, một ngư phủ tại vùng Venice, thuộc Louisiana nói ông đã được gọi ra khơi vớt dầu từ đầu tháng 5. Tàu ông được trả 1,500 đô la một ngày. Ông đã đi vớt dầu ngoài khơi được hơn 2 tháng. Tính ra ông đã kiếm được hơn 100,000 đô la, nhưng cho đến giờ ông vẫn chưa nhận được tiền. Ông nói:
Tàu của tôi họ trả 1,500 một ngày, còn người ngư phủ đi cùng thì mỗi người được trả 300 một ngày. Đi hôm rầy cũng được gần 2 tháng rưỡi rồi. Từ hồi đi làm đến giờ thì tôi chưa nhận được đồng nào của BP hết. Nếu mà nhận được đủ thì cũng hơn 100,000 đô la.
Ông giải thích nguyên nhân là do đi biển dài ngày nên không liên lạc kịp với BP để nhận tiền. Ông đã liên lạc với BP nhưng được hẹn chờ vài ngày nữa:
Tôi gọi lên thì họ bảo chờ vài ngày. Nhiều khi tôi đi ngoài khơi điện thoại không có sóng, không gọi về được, nên không kiểm tra được. Cho nên nhiều khi tôi gửi mẫu đơn trễ thành ra người ta không sắp xếp được hồ sơ chính đáng nên họ phải làm lại hồ sơ cho tôi.
Ông cho biết đã nhận được séc đền bù tổn thất thu nhập của BP từ tháng 5. BP cho ông biết mỗi tháng công ty sẽ trả cho ông hơn 14,000 đô la trong vòng 6 tháng. So sánh khoản tiền đề bù với thu nhập nếu được đi đánh tôm, ông nói cũng gần ngang nhau:
Cái đó cũng không nhiều, vì theo tôi so sánh một năm tôi làm cũng hơn 100 ngàn. Đáng lẽ một tháng thu nhập cũng đến 17 hay 18 ngàn đô la nhưng vì mình không trừ chi phí dầu mỡ gì thì nó cũng ngang ngửa thôi.
Tàu của tôi họ trả 1,500 một ngày, còn người ngư phủ đi cùng thì mỗi người được trả 300 một ngày. Từ hồi đi làm đến giờ thì tôi chưa nhận được đồng nào của BP hết. Nếu mà nhận được đủ thì cũng hơn 100,000 đô la.
Ông Bốn Lộc
Ông Bốn Lộc nói đó là do ông may mắn, còn rất nhiều ngư phủ khác hiện vẫn đang cho tàu nằm chờ trên cảng mà chưa được gọi ra khơi:
Nhiều anh em ở đây còn nằm bờ chưa được gọi ra, nhiều lắm, nhiều lắm. Còn một số nằm dưới vựa, nếu nói ở vùng Venice này thì còn nhiều lắm.
Một trong những người đó là ông Sa Trần, 46 tuổi. Ông Sa Trần vừa mới dọn đến vùng này vào đầu năm nay. Vốn là dân đi biển ở Việt nam, sang Mỹ, ông làm nghề thợ tiện ở New York. Nghe bà con nói vùng Louisiana này có nghề kéo tôm kiếm ăn cũng được, lại do đang thất nghiệp, ông quyết định về đây mua tàu. Thật không may cho ông là khi ông vừa đăng ký tàu thì ngày 20 tháng 4 vùng hồ đóng cửa. Ông đã chi hơn 80,000 đô là tiền mua sắm trang bị tàu bè, trong đó phần lớn là vay mượn bà con. Chưa được gọi ra khơi, ông cũng không có thu nhập đánh bắt tôm năm ngoái như các ngư phủ khác để có thể đòi tiền BP. Ông nói:
BP có đền tháng 5 là 5 ngàn, tháng 6 là 5 ngàn, tháng này có 1 ngàn thôi, làm sao sống. Bây giờ tình trạng thế thì cũng chờ kêu BP kêu đi làm thôi. Tôi đăng ký lâu rồi, số thứ tự tôi là 84, mấy người người ta số lớn đi làm hết trơn rồi mà mình chưa đi. BP kêu mình chờ. Mình gọi lên hỏi sao số thứ tự nhỏ quá, mà có người số thứ tự trên 1 ngàn đi hết rồi. Mình hỏi sao thì họ kêu mình chờ thôi, mình biết làm sao bây giờ.
Tính cho đến cuối tháng 6, BP đã gửi 31,000 tấm séc với trị giá 104 triệu đô la tiền đền bù cho các ngư phủ và những người làm việc có liên quan bị ảnh hưởng bởi vụ tràn dầu.
Ảnh hưởng lâu dài
Tàu đánh cá của người Việt nằm ụ tại bến chờ được thuê ra khơi vớt dầu. RFA photo/Việt Hà
Vào giữa tháng 6, BP đã đồng ý lập một ngân quỹ 20 tỷ đô la để chi trả cho các thiệt hại do vụ tràn dầu ở vùng vịnh gây nên. Ngay sau đó luật sư Ken Feinberg được tổng thống Barack Obama và BP chỉ định là người điều hành ngân quỹ này. Tuy nhiên cho đến giờ, người ta vẫn chưa rõ ông Feinberg sẽ chia sẻ quỹ này ra sao.
Mới đây, hôm 21 tháng 4, thượng nghị sĩ Mark Warner của tiểu bang Virginia đã có cuộc gặp mặt với các đại diện cộng đồng Việt nam tại Virginia và Maryland để tìm cách hỗ trợ cho các ngư phủ người Việt ở vùng vịnh. Bác sĩ Quân Nguyễn, thuộc Cao trào nhân bản đưa ra một số kiến nghị.
Ông đề nghị thượng nghị sĩ cho thêm một dòng vào luật thất nghiệp đang được bỏ phiếu, trong đó có tiền trợ cấp cho các ngư phủ mất việc ở vùng vịnh. Ông đề nghị việc chuyển trợ cấp, và giúp đỡ đến các ngư phủ Việt nam nên được thông qua các kênh nhà thờ và thiện nguyện để giúp giảm chi phí trung gian.
Thượng nghị sĩ Warner nói việc thay đổi luật bây giờ là quá muộn vì luật đã vào vòng bỏ phiếu.
Các đại biểu Việt nam khác có mặt tại buổi họp cũng đề cập đến vấn đề khó khăn, rào cản về ngôn ngữ, và tiếp cận thông tin mà các ngư phủ Việt nam luôn gặp phải. Các kiến nghị được đưa ra bao gồm huy động các tình nguyện viên người Mỹ gốc Việt trên nhiều bang nước Mỹ, đến trợ giúp các ngư dân vùng vịnh, tận dụng họat động của các tổ chức thiện nguyện của người Việt đang có mặt tại vùng bị ảnh hưởng.
Liên quan đến ngân quỹ 20 tỷ đô la, các đại diện cũng đề nghị lập một ban tư vấn trong đó có các đại diện gốc Việt để đảm bảo công bằng.
Cuối buổi họp, thượng nghị sĩ Mark Warner nói ông sẽ cố gắng làm việc với thượng nghị sĩ khác để tìm ra các giải pháp hợp lý. Ông cũng đưa ra ý kiến kêu gọi người Việt trên toàn nước Mỹ gây sức ép lên các nghị sĩ và các dân biểu về vấn đề này.
Tôi sẽ cố gắng làm những gì có thể. Louisiana không phải là tiểu bang của tôi nhưng tôi sẽ cố gắng nếu có thể làm việc với các nghị sĩ khác và đề nghị lên ông Feinberg để lập một ban tư vấn Việt nam. Các bạn có thể đưa ra 3 hay 4 đề nghị cụ thể, rồi chúng ta có thể yêu cầu các cộng đồng Việt nam không chỉ ở Maryland hay Virginia mà cả ở các nơi khác liên hệ với các nghị sĩ và các vị dân biểu của họ. Như vậy chúng ta tạo sức ép lên các vị nghị sĩ và dân biểu đó nữa. Và do đó chúng ta cũng có sự hỗ trợ từ các nghị sĩ và dân biểu đó.
Ở Alaska là 22 năm sau ảnh hưởng vẫn còn đó, nên mình không tính chuyện năm nay hay năm tới mà phải nhìn nó trong đường dài.
Linh mục Nguyễn Viễn
Từ New Orlean, linh mục Nguyễn Viễn cho rằng để đảm bảo việc sử dụng quỹ công bằng và đúng, ngoài ban tư vấn có đại diện người Việt, cần phải xem xét có người Việt tại các ban có tiếng nói mang tính quyết định và ban tái xét.
Nhưng điều ông lo lắng nhiều hơn cả đó tính đến ảnh hưởng lâu dài của vụ tràn dầu đến cuộc sống người dân toàn vùng vịnh:
Nếu chúng ta nói đến ảnh hưởng của việc dầu tràn thì ảnh hưởng đó kéo dài bao lâu. Ở Alaska là 22 năm sau ảnh hưởng vẫn còn đó, nên mình không tính chuyện năm nay hay năm tới mà phải nhìn nó trong đường dài. Chúng tôi đang trong tiến trình nói đến việc phải tạo công ăn việc làm cho ngừơi dân nếu họ không trở lại được trong nghề biển hay liên quan đến biển, thì làm sao phải có công việc khác thế vào công việc đó cho họ.
Ông cho biết cơ quan phát triển cộng đồng Nữ vương Maria của người Việt tại đây đang soạn thảo các đề nghị cụ thể để gửi lên các bộ liên quan về vấn đề này.
Cũng đã có những ngư phủ suy nghĩ đến khả năng kiện BP nếu tình hình dầu trên biển không được dọn sạch, ảnh hưởng đến công việc làm ăn lâu dài của họ. Tuy nhiên theo họ đó là cách chẳng đặng đừng. Họ vẫn mong một ngày không xa biển sẽ được dọn sạch dầu và họ lại được ra khơi đánh tôm để nuôi gia đình.