Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

KỶ NIỆM TAO ĐÀN...

Fm: Thieu Vu* Khoi Ta
Phan lạc Phúc
Đầu năm 1956 tôi từ biệt nghề "chiến binh lội ruộng"về Phòng 5 bộ Tổng tham mưu làm sĩ quan thông tin báo chí. Lúc bấy giờ tôi chưa có vợ con gì, khoác cái ba lô lên lưng là có thể đi cùng trời cuối đất. Về Saì Gòn chưa biết ở đâu tôi sáp vô ở với bạn cũ Thanh Nam ở ngõ Nancy ( đường Phan Văn Trị). Tôi và Thanh Nam chơi với nhau từ khi tôi từ ngoài khu về Hà Nội ăn dầm nằm dề trên căn gác phố hàng Bông nhà Nguyễn thiệu Giang, tập tọng làm văn nghệ văn gừng dưới sự hướng dẫn của đàn anh Đinh Hùng. Trong nhóm chúng tôi ngày ấy ngoài Thanh Nam, Nguyễn Thiệu Giang còn có Nguyễn Minh Lang, Phan Nghị, Huy Quang Vũ Đức Vinh ,những người Thanh Nam nhắc đến trong bài hành tuổi 40 vài chục năm sau:
...Bạn cũ hãy nương theo rét lạnh
Về đây cùng nhập một cơn say
Chí lớn chia nhau đầy gác nhỏ
Bụi hồng chưa khiến tóc xanh phai
Dăm bảy lòng sông ôm biển cả
Coi đời dưới mắt nhẹ không ai
Cơn mê nhập cuộc sầu chưa bén
Thân thế chưa đau cát bụi này...

Sau hiệp định Genève 1954 nhóm chúng tôi tan tác kẻ đi người ở. Theo anh Đinh Hùng vào Nam có Vũ Đức Vinh, Phan Nghị và tôi; Thanh Nam đã vào Saì Gòn trước , 1953. Ở lại có Nguyễn Minh Lang, Nguyễn thiệu Giang . Bây giờ (1956) tôi ở với Thanh Nam, gặp lại anh Đinh Hùng và có thêm những người bạn mới. Ở cùng nhà ngõ Nancy lúc bấy giờ có nhà thơ Thái Thủy (tác giả Lá thư gửi mẹ)kịch sĩ, kiêm "ngâm'sĩ và vũ sư (muá Trấn thủ lưu đồn)Hoàng Thư ,nhà báo Vũ Quang Ninh, quản đốc đài phát thanh Quân Đội. Một lũ "xê li bạt" ở với nhau,không có đàn bà, không có trẻ con, ăn uống tùy tiện, tối đến sải chiếu ra, chăng màn ngủ ,mỗi anh một góc, không phiền ai. Nhà này trước đây còn có văn sĩ Tạ quang Khôi (xước danh Tạ ống khói) nhưng ít lâu nay ông "Ống khói" tạm biệt nơi này vô Đại học sư phạm rồi. Nhà này phải để sàn rộng rãi là nó có lý do của nó. Ông Hoàng Thư thỉnh thoảng tập múa Trấn thủ lưu đồn nên phải có chỗ cho "vũ sư" tập dượt. Vũ sư mặc quần đùi ,thân thể hom hem nhưng múa rất hăng vừa múa vừa hát "Trấn thủ ấy mấy lưu đồn. Ngày thì canh điếm ấy tối dồn là việc quan, chém tre mà đẵn gỗ trên ngàn..." Nhà một lũ độc thân nên anh em dễ dàng hội họp ,gặp nhau "phùng trường tác hí'. Sải chiếu ra, ăn nhậu dài dài .Hay đến đây là đàn anh Đinh Hùng có khả năng đặc biệt vừa nằm vừa viết văn chương Tao Đàn mà chữ nghĩa vanã rồng bay phượng múa. Có ông Vũ khắc Khoan gõ muỗng vào ly mà "Hồ trường, hồ trường ta biết rót về đâu". Có ông Mai Thảo với ông Phạm đình Chương rượu uống tì tì ,càng uống mặt càng tái đi. Có ông Anh Ngọc say ngất ngư mà vẫn hát "Anh đến thăm em một chiều mưa'". Có ông Tạ Tỵ ngày Tết chạy sang ,sải chiếu ra, rút bất.
Văn nghệ sĩ đến đây nhiều như thế nên người ta bảo ngõ này là ngõ "văn nghệ";ø khu này cũng có khá đông anh em ta cư ngụ. Từ chợ Nancy quẹo vô ngõ Phan Văn Trị là nhà của nhà văn, nhà thơ kiêm "sáo sĩ" Tô kiều Ngân. Đi thêm dăm chục bước chân là nhà Thanh Nam. Trước cửa nhà Thanh Nam là nhà Tạ Tỵ họa sĩ, văn ,thi sĩ. Ngay cạnh nhà Thanh Nam là nhà ban Hợp ca Hạc Thành của anh em nhạc sĩ Nhật Bằng,Nhật Phượng, Thể Tần, Hồng Hảo. Xế bên kia một chút là nhà của ký gỉa lão thành Thượng Sĩ, nhà phê bình, điểm sách trên tờ Tin Mới của Hà Nội năm xưa, ( nhà văn nữ Sài Gòn cô nương xuất hiện trên làng báo hải ngoại mấy năm gần đây là con gái anh Thượng Sĩ).
Năm ấy (1956) là thời kỳ cực thịnh của ban Tao Đàn phù hợp với giai đoạn khởi đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa khi miền Nam VN vừa có một thể chế mới, một tương lai mới. Pháp đã rút hết về nước . Trên phương diện truyền thanh các đài của Pháp như Pháp Á, Con nhạn (Hirondelle) nhất loạt đóng cửa ; đài quốc gia (lúc bấy giờ chưa có TV) cũng như các chương trình phat thanh có bổn phận phải "lớn lên" cho kịp với tình hình. Ban Tao Đàn ngoài trách nhiệm đã được minh thị "tiếng nói của thơ, văn miền Tự Do"còn tiềm ẩn một nghĩa vụ "đem theo văn hóa của 1 triệu người miền Bắc vừa định cư ở miền Nam." Thơ, văn Tao Đàn phần đông là văn hóa Bắc Hà, là những làn điệu của văn minh sông Hồng, sông Mã giao duyên cùng văn minh Hương Giang và Cửu Long Giang. Bao nhiêu năm đã trôi qua, bây giờ từ vĩ tuyến 17 trở vào trong, chúng ta có một lối ngâm thơ đã trở thành phổ biến : ngâm thơ Tao Đàn .Nó xuất hiện thường xuyên trong cải lương miền Nam hay bài chòi miền Trung. Nó là cái còn lại, là dấu ấn của văn nghệ sĩ đã đưa Tao Đàn vào đời sống văn hóa.
Người khai sinh và điều khiển chương trình Tao Đàn ,như cả nước đều biết là thi sĩ Đinh Hùng. Nam 1956 tôi ở nhà Thanh Nam ,nơi anh Đinh Hùng thường tới viết bài ,các cộng sự thân thiết nhất của anh đều ở quanh đây nên có thể nói nơi đây là "đại bản doanh" của chương trình Tao Đàn. Chương trình Tao Đàn có thể chia ra làm 3 bộ phận. Bộ phận quan trọng nhất là ban biên tập và diễn đọc gồm Đinh Hùng, Thanh Nam, Thái Thủy; vài năm sau có Huy Quang Vũ đức Vinh từ Nha Trang vào cộng tác. Bộ phận thứ 2 là ban ca ngâm gồm những tài tử nam, nữ trình diễn thường xuyên hay tùy hứng. Người "đa năng' nhất trong ban Tao Đàn là Tô kiều Ngân. Anh vừa là taì tử diễn ngâm, vừa biên tập, vừa trong ban nhạc. Tiếng sáo Tô kiều Ngân réo rắt thường được coi là "indicatif" của Tao Đàn, hợp cùng tiếng đàn thập lục trầm bổng của Bửu Lộc, tiếng piano trầm ấm trước của Ngọc Bích, sau của Phạm đình Chương. Về giọng ngâm nam ngoài họ Tô, còn có Hoàng Thư; một thời giọng ngâm Thanh Hùng cũng có góp tiếng trên đài.Tô kiều Ngân tuy giọng không khoẻ nhưng anh là người ngâm "khéo" nhất, ngâm giọng Bắc, giọng Trung đều nhuyễn. Hoàng Thư có chất giọng say sưa, mạnh mẽ được đời nhớ mãi trong Bài ca ngư phủ của Vũ Hoàng Chương. Thanh Hùng với giọng thổ pha kim ,xuất sắc trong những tác phẩm bi hùng. Có những giọng ngâm không có mặt lâu năm trên đài nhưng vẫn được đời ghi nhớ như Quách Đàm trong những bài lục bát hay Thiếu Lang trong Hồ Trường của Nguyễn bá Trác.
Về giọng ngâm nữ lúc khởi đầu phải nhắc tới cái ngọt ngào của Giáng Hương nhưng các tay sành điệu đều không thể nào quên giọng ngâm đổ hột đặc sắc của bà Đàm Mộng Hoàn , một danh tiếng vang lừng tại Khâm Thiên tiền chiến trong Tỳ bà Hành . Giọng ngâm nữ nhiều năm làm thổn thức trái tim thính giả là Hồ Điệp trong những bài thơ nức nở TTKH. Về sau, có một giọng nữ như sương như khói làm khởi sắc những vần ca dao dân tộc và những bài ca huyền sử . Đó là giọng ngâm Hoàng Oanh.
Sang đến thập niên 60 (thế kỷ trươc) sức truyền lan của Tao Đàn cóø sút giảm đi. Thi ca miền Nam Tự Do với một thẩm mỹ mới, một thẩm mỹ chênh vênh (esthétique de choc) đã ngự trị thi đàn. Thơ có vần đang chuyển sang không vần của thơ Tự Do. Người ta ưa đọc thơ hơn là ngâm thơ. Nhưng đó lại là một vấn đề khác. Mỗi thời điểm có vấn đề riêng của nó.
Ngày xưa đàn anh Đinh Hùng có nói :"Mỗi một người bạn là một phần đời sống của mình". Thoạt đầu, tôi nghĩ là đàn anh "bốc" đàn anh phán vậy thôi. Nhưng càng già càng thấy đàn anh nói đúng. Bây giờ nói về thời gian sống ở ngõ Nancy còn lại những ai?. Đinh Hùng, Thanh Nam, Thượng Sĩ, Hoàng Thư, Phạm đình Chương, Vũ khắc Khoan, Mai Thảo, Nhật Bằng, Tạ Tỵ ,Phan Nghị... đều bỏ chúng ta mà đi rồi. Người gần nhất "lên đường" là Huy Quang Vũ đức Vinh. Khi nghe tin Vũ đức Vinh ngắc ngoải hai ông còn lại ngày xưa nhà Thanh Nam là Vũ Quang Ninh va Thái Thủy vội bay sang Seattle thăm bạn, Tới nơi thấy bạn mình đã hôn mê nhưng khi nghe :"Vu Quang Ninh, Thaí Thuỷ sang thăm ông đây"người hấp hối bỗng chảy hai hàng nước mắt. Vu đức Vinh người bạn thường gọi tôi "bạn cũ trên 50 năm" đã từ biệt chúng ta như thế.
Bây giờ còn có người mà kể lại; mai đây không biết còn kể lại với ai?
PHAN LẠC PHÚC