Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

SỮA BỘT MADE IN CHINA

1. TQ điều tra sữa bột làm 'dậy thì sớm'Ông Vương Cương và con gái

Ông Vương Cương cho rằng con gái mình đã bị ảnh hưởng của sữa bột
BBC- Chính phủ Trung Quốc đang tổ chức điều tra thông tin nói một loại sữa bột có thể khiến các bé gái sơ sinh "dậy thì".
Đang có nghi vấn rằng một loại sữa bột có chứa hormone do hãng Synutra International sản xuất đã gây dậy thì sớm cho một số bé gái tại tỉnh Hồ Bắc.

Hãng này đã cực lực bác bỏ thông tin trên nhưng cổ phiếu vẫn rớt giá tới 35%.
Trong những năm gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc đã nhiều lần tỏ quan ngại về các vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là các loại sữa bột và thức ăn trẻ em.
Hai năm trước, chất melamine đã bị phát hiện trong sữa bột của 22 công ty Trung Quốc. Hàng trăm nghìn trẻ em bị nhiễm độc và sáu em tử vong.

Ban điều tra

Một ban điều tra gồm chín thành viên đã được thành lập để xem xét các cáo buộc sữa gây 'dậy thì'.
Bộ Y tế Trung Quốc nói trong một thông cáo rằng bộ này "đang điều tra trực tiếp các trường hợp dậy thì sớm ở tỉnh Hồ Bắc" và sẽ sớm công bố kết quả.
Các chuyên gia đã xem xét các mẫu sữa bột tung ra trên thị trường, cũng như đang sử dụng tại gia đình các bé gái.
Báo China Daily đã loan tin về các vụ ở Hồ Bắc dựa trên thông tin của tờ Thời báo Y tế xuất bản tại Bắc Kinh.
Tờ này nói ít nhất ba trẻ sơ sinh ở Hồ Bắc có mức hormone estradiol và prolactin cao hơn bình thường. Các loại hormone này kích thích việc sản xuất sữa trong tuyến vú.
Cha mẹ các bé gái nói trên nghi rằng điều bất thường của con họ xảy ra là vì uống sữa bột do Synutra sản xuất.
Tuần này, cha của một bé gái 13 tháng tuổi ở Bắc Kinh cũng cho China Daily hay rằng con ái ông bị chẩn đoán dậy thì sớm.
Ông Vương Cương nói trên tờ báo này rằng ông vô cùng giận dữ với công ty Synutra.

Bảo đảm chất lượng

Trong khi đó, chủ tịch Synutra Lương Trương nói "không có bằng chứng khoa học" nào cho thấy sản phẩm của hãng này gây ra các triệu chứng trên.
Ông Lương ra thông cáo nói hãng của ông thông cảm với các bậc cha mẹ, nhưng tin chắc rằng "sản phẩm của chúng tôi không có liên quan".
"Chúng tôi đoan chắc rằng kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy chất lượng của sản phẩm cũng như cam kết của chúng tôi về an toàn cho người tiêu dùng."
Chuyên gia an toàn thực phẩm Peter Ben Embarek thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì nói kết quả sẽ được công bố trong vài ngày tới và WHO sẽ xem xét chúng.
Ông Embarek nói ông ngạc nhiên trước các thông tin mà ông nghe thấy lần đầu tiên này.

2. Sữa melamine lại có ở Trung Quốc

Phụ huynh một em bé chết vì sữa melamine
Sáu em bé bị chết vì sữa trộn melamine hồi năm 2008
Giới chức an toàn thực phẩm Trung Quốc thu giữ 64 tấn nguyên liệu sữa nhiễm hóa chất công nghiệp mang độc tính melamine.
Tân Hoa Xã nói rằng cơ quan kiểm tra chất lượng tỉnh Thanh Hải phát hiện số nguyên liệu này từ một nhà máy sữa trong tỉnh.
Các mẫu thử cho thấy sữa này chứa lượng hóa chất nhiều gấp 500 lần cho phép.
Hồi năm 2008 vì dùng sữa kiểu này mà 6 trẻ em thiệt mạng cùng khoảng 300.000 em mắc bệnh.
Lô hàng sữa nhiễm độc mới nhất đầu tiên được tìm thấy ở tỉnh Cam Túc, và người ta lần ngược dấu vết về nhà máy sữa Đông Diên ở Dân Hòa, trong tỉnh Thanh Hải lân cận.
Thêm 12 tấn sữa khác đã thành phẩm được phát hiện thấy nhiễm độc, và bị tịch thu.
Chủ nhà máy sữa và một quản đốc nhà máy bị bắt giữ.
Cảnh sát nói khoảng 38 tấn nguyên liệu được mua từ tỉnh Hà Bắc, nơi bắt nguồn vụ scandal sữa độc hồi năm 2008.
Tức là những người mua hàng có thể đã mua lại số sữa nhiễm độc lẽ ra phải bị tiêu hủy hồi 2008, chế biến lại và đem ra bản, theo giải thích được trích lời của lãnh đạo phòng quản lý chất lượng tỉnh Cam Túc.
Theo BBC Tiếng Trung tại London, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, gồm cả sữa, luôn là một vấn đề tại Trung Quốc, và có khả năng đợt tịch thu hồi 2008 không bắt hết sữa nhiễm melamine vẫn còn tàng trữ.
Chính quyền trung ương thường phản ứng bằng cách đưa ra các chỉ thị về kiểm soát chất lượng thực phẩm nhưng việc áp dụng quy định ở các tỉnh của Trung Quốc luôn là một vấn đề nghiêm trọng.
Melamine là hợp chất được dùng để làm nhựa, phân bón và bê tông.
Khi cho vào thực phẩm nó sẽ làm tăng lượng đạm trên máy đo nhưng gây ra sỏi thận và suy thận.
Hồi năm 2008, melamine bị phát hiện trong sản phẩm của 22 công ty sữa Trung Quốc, tức là một phần năm số nguồn cung cấp sữa ở nước này.
Vụ việc gây chấn động dư luận và kéo theo phản ứng quốc tế về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Hơn 20 người bị kết án vì vai trò của họ trong vụ sữa độc và hai người trong số họ bị tử hình.
Mặc dù có các cuộc diệt trừ sản phẩm sữa có chứa melamine, một số lô hàng nhiễm độc vẫn xuất hiện trong quá trình mua bán kể từ 2008