Victor Bout nắm giữ những bí mật gì?
TuổiTrẻ - Tại sao chính quyền Mỹ lại quyết tâm tóm cổ bằng được trùm buôn lậu vũ khí người Nga Viktor Bout? Câu trả lời, như các chuyên gia phương Tây nhận định, nằm ở những bí mật mà gã “lái buôn thần chết” này đang nắm giữ.
Viktor Bout (giữa) bị dẫn độ đến New York hôm 16-11 - Ảnh: Reuters
Ngày 19-11, Cơ quan Chống ma túy Mỹ (DEA) đã công bố chi tiết vụ bắt giữ Viktor Bout, 43 tuổi, ở Bangkok, Thái Lan hồi năm 2008. Dù vậy, tại tòa án New York hôm 17-11, Bout vẫn một mực cho rằng mình chỉ là “một thương nhân bình thường”, điều hành một doanh nghiệp vận tải hàng không hợp pháp. Nếu bị kết tội, Bout sẽ phải ngồi tù từ 25 năm đến chung thân.
Bout có thể tiết lộ điều gì?
Một cố vấn quốc phòng Nga giấu tên tiết lộ với xuất thân từ ngành tình báo Nga, Bout có thể biết rõ cấu trúc tình báo của Matxcơva. “Tuy nhiên, những thông tin đó không hẳn gây hứng thú cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) - ông nhìn nhận - Yếu tố đáng kể nhất là Bout hiểu biết rất rõ thị trường vũ khí chợ đen của Nga từ hai thập niên qua. Ông ta biết rõ các kho vũ khí và có thể tiết lộ nước nào đã mua những loại vũ khí gì, cần hối lộ ra sao để tiếp cận được nguồn cung ... Ông ta còn có trong tay danh sách những phụ tá, các đối tác, bởi trong ngành kinh doanh này bạn không thể làm ăn một mình”.
“Cuộc chơi thế là hết! “
Đóng giả làm đại diện phiến quân FARC ở Colombia, hai điệp viên DEA đã liên hệ với Andrew Smulian, phụ tá thân cận của Bout, ở đảo Curacao thuộc biển Caribê, và muốn mua một lượng vũ khí trị giá 12 triệu USD để chống lại quân đội Colombia do Mỹ hỗ trợ. Trong vai Eduador và Commandante (sĩ quan chỉ huy của FARC), điệp viên Michael Braun và Louis Milione ngỏ ý muốn gặp trực tiếp Bout để dụ Bout rời Matxcơva. “FARC sẽ không chi cả đống tiền nếu không được bắt tay, trò chuyện với Bout” - điệp viên Braun khẳng định với Smulian. Và Bout đã đồng ý.
Trong cuộc gặp tháng 3-2008 ở Bangkok, hai điệp viên Braun và Milione đã gặp trực tiếp Bout và đặt mua 5.000 khẩu AK-47, mìn, lựu đạn, tên lửa chống tăng và súng bắn tỉa để “bắn vỡ đầu phi công Mỹ”. “Được thôi! “, đó là câu trả lời của Bout. Hai điệp viên đã ghi âm toàn bộ cuộc đối thoại kéo dài suốt hai giờ, rồi bắn tín hiệu cho an ninh Thái Lan và lực lượng DEA chờ sẵn ập vào bắt Bout. Điệp viên Braun kể: khi đó Bout lẩm bẩm “Cuộc chơi thế là hết”.
Chuyên gia Anthony Davis thuộc Hãng tin IHS Jane cho rằng Mỹ rất muốn moi được từ Bout những thông tin về thị trường chợ đen liên quan đến loại tên lửa đất đối không 9K38 Igla của Nga, đặc biệt là xem liệu lực lượng Hezbollah ở Libăng đã mua được loại vũ khí này chưa.
Chuyên gia Douglas Farah, người từng viết sách về Bout, cho rằng với 20 năm cung cấp vũ khí cho Taliban ở Afghanistan, Hezbollah ở Libăng, quân Hồi giáo ở Somalia và các nhóm vũ trang ở châu Phi, Bout chắc chắn đã có được sự bảo kê của các nhân vật máu mặt tại Nga. “Bout là một phần của mạng lưới vũ khí Nga đang ngày càng mở rộng” - chuyên gia Farah khẳng định.
Theo thông tin của Nga, Bout tốt nghiệp phiên dịch tại Viện Ngôn ngữ quân sự nước ngoài ở Matxcơva cuối thập niên 1980, có khả năng nói 10 thứ tiếng. Bout từng phục vụ trong lực lượng không quân Liên Xô ở Belarus, rồi sang phục vụ tại Angola với lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Bout cũng từng phục vụ ở Mozambique dưới quyền chỉ huy của Igor Sechin, Cơ quan tình báo Liên Xô KGB, hiện là phó thủ tướng Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Bout rời quân đội và năm 1992 bắt tay vào vụ hợp đồng mua vũ khí đầu tiên: ba máy bay Antonov AN-12 với giá 120.000 USD.
Sử dụng các mối quen biết trong ngành quân đội và tình báo, Bout thành lập Công ty vận tải hàng không Transavia Export Cargo, đặt trụ sở ở Bỉ, dùng máy bay Nga chở vũ khí bán khắp châu Phi. Năm 1995, Bout mở Công ty vận tải hàng không Air Cess đăng ký ở Liberia. Đây là công ty duy nhất mà Bout chính thức đóng vai trò tổng giám đốc.
Theo ước tính của informacia.ru, Bout và đồng bọn đã mua lại tới 30% lượng vũ khí thời Liên Xô của Ukraine và bán với giá 49 triệu USD. Năm 1997, trước sức ép của giới truyền thông Bỉ, Bout dời cơ sở sang Sharjah ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và thành lập một đế chế hàng không với hàng chục máy bay cùng 1.000 nhân viên.
Theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, trong giai đoạn này Bout đã cung cấp hàng chục triệu USD vũ khí sang các nước châu Phi. Cũng năm 1997, Bout mở thêm Công ty Air Pass ở Nam Phi. Các phi công của Bout biết rõ cách trốn thoát tầm quét của rađa cũng như vệ tinh Mỹ. Liên Hiệp Quốc ước tính ở Angola, Bout thuê máy bay với giá 1.200 USD/giờ và các phi công của hắn kiếm được tới 5.000-10.000 USD/tháng. Trong cuộc chiến Congo từ năm 2000-2002, Bout bán vũ khí cho 20 nhóm vũ trang ở tám bang nước này. Trong thập niên 1990-2000, Bout cũng liên tục chuyển vũ khí sang Afghanistan cho Taliban.
Ván bài chính trị
Trong thời gian Bout bị bắt giữ ở Thái Lan đến khi bị dẫn độ sang Mỹ, Nga luôn đứng về phía Bout. Các đài truyền hình và báo chí Nga đều khẳng định việc Bout bị dẫn độ sang Mỹ là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả vụ dẫn độ Bout là “cực kỳ bất công”. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là ngày 18-11 vừa qua, Matxcơva bất ngờ tỏ dấu hiệu lắng dịu khi cố vấn tổng thống Nga Sergei Prikhodko tuyên bố Nga luôn giữ quan điểm là phải lên án bọn tội phạm buôn ma túy, người và vũ khí. Ông Prikhodko khẳng định Lãnh sự quán Nga ở New York cam kết hỗ trợ Bout, nhưng đơn thuần đó chỉ vì Bout là công dân Nga. “Nga không có bí mật quân sự gì cần che giấu trong vụ Bout” - ông Prikhodko nhấn mạnh.
Nhiều nhà quan sát Nga cũng đồng ý với nhận định của phương Tây cho rằng việc Mỹ ráo riết bắt Bout không đơn thuần vì muốn trấn áp nạn buôn lậu vũ khí xuyên quốc gia. “Chẳng có lý do gì để họ trải qua nhiều rắc rối đến vậy để bắt Bout chỉ vì muốn tóm cổ một tên tội phạm buôn lậu vũ khí cả - biên tập viên Maxim Pyadushkin của tờ Export Vooruzheniya, một tờ báo chuyên về thị trường vũ khí, cho biết - Có vài chục người Nga làm trung gian trong ngành kinh doanh vũ khí, và chưa rõ Bout có phải là kẻ lớn nhất hay không”.
Nghị sĩ Evgeny Tarlo thuộc đảng Nước Nga thống nhất cũng cho rằng Mỹ muốn dùng Bout làm con bài để gây sức ép đối với Nga. “Vụ việc này mang tính chất chính trị sâu sắc - nghị sĩ Tarlo khẳng định - Đó không phải là thể hiện công lý quốc tế mà là quyền lực Mỹ và điều này cực kỳ nguy hiểm”.
Nhưng chưa chắc Mỹ đã moi được gì từ Bout, kẻ đã giữ im lặng suốt hai năm ngồi tù ở Bangkok. Nhà báo Bertil Lintner ở Bangkok đã đến gặp Bout trong tù sau khi hắn bị bắt và mô tả Bout là kẻ cứng đầu và căm ghét Mỹ. “Có lẽ Bout muốn làm một người hùng Nga trong nhà tù Mỹ hơn là một tên chỉ điểm về hoạt động kinh doanh vũ khí bí mật của Nga” - nhà báo Lintner viết. Chắc chắn “lái buôn thần chết” sẽ không dễ dàng đầu hàng.
HIẾU TRUNG
(Theo Foreign Policy, Time, informacia.ru, Itar-Tass