Fr: Huu Dinh Nguyen
Dùng móng tay cạy một mẩu vỏ, ngắm nghía, ngửi một lúc, rồi cho vào miệng nhai, Muteki, khách VIP Nhật ,bảo: “Đúng là chè cổ thụ, chè xịn rồi”.
Dựng lều ngủ qua đêm trên hành trình đi tìm vườn chè trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn.
Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên đường, đi xuyên qua khu rừng trúc kỳ lạ. Con đường chúng tôi đi cứ như đi vào hang rồng. Cảm giác có một con rồng, với cái bụng có đường kính tới 2m, thường xuyên bò qua khu rừng trúc này.
Đang định thắc mắc với ông Lâm thì nghe tiếng ào ào như có bão. Ông Lâm hét lên: “Nhảy vào rừng trúc”. Tức thì, chúng tôi ai nấy vạch bừa trúc ra để thoát khỏi con “hang rồng”. Đúng lúc đó, một đàn “trâu rừng” hùng hổ chạy qua. Lúc này, tôi mới hiểu, con đường như hang rồng này là do đàn trâu thả rông trong rừng của đồng bào đi nhiều mà thành.
Con đường xuyên qua rừng trúc có đoạn như đường của rồng đi.
Từ “thung lũng chết”, cuốc bộ đến gần trưa, xuyên qua những cánh rừng trúc, thì một khu rừng âm u, ẩm ướt hiện ra trước mắt. Ông Lâm thở phào thông báo: “Vườn chè cổ thụ đây rồi!”. Tôi nhìn mãi mà không thấy cây chè nào cả. Ông Lâm đập tay vào thân một cây cổ thụ bảo: “Cứ gốc cây nào có rêu xanh, lộ ra vỏ trắng, thì đó là chè”.
Tôi ngước nhìn lên một thân cây cổ thụ mà ông Lâm chỉ, nhưng phần ngọn của nó chìm nghỉm trong mây mù, không nhìn rõ lá.
Đồng chí kiểm lâm Nguyễn Viết Huấn cứ há hốc miệng ngạc nhiên. Huấn bảo: “Em làm kiểm lâm mấy năm nay, quanh năm cuốc bộ trong rừng, cứ tưởng mình đã đi hết, không ngờ lại có một khu rừng chè cổ thụ khổng lồ ở nơi hoang vu như thế này. Nếu bác Lâm không chỉ, có đi qua khu rừng này cũng không biết là rừng chè”.
Dù đã đi khắp Vườn Quốc gia Hoàng Liên, song kiểm lâm Nguyễn Viết Huấn vẫn chưa từng biết đến rừng chè.
Ông Lâm dẫn tôi đến gốc một cây chè cổ thụ, chỉ những khúc gỗ, thanh tre mục nát và bảo rằng, đây là nơi ông từng dựng lán cho một chuyên gia người Nhật ở suốt một tuần trong rừng để… thưởng trà. Như vậy, trước chúng tôi, ngoài ông Lâm, thì người thứ hai đã đặt chân đến rừng chè cổ thụ này là một kỹ sư người Nhật, có tên Muteki.
Đó là vào năm 2003, những ngày sống trên đỉnh Fasipan, muốn kiếm thêm chút tiền, ông Lâm đã tranh thủ làm công việc dẫn khách du lịch chinh phục đỉnh Fansipan. Người khách thuê ông ngày đó là anh chàng Muteki, 36 tuổi, kỹ sư người Nhật.
Muteki khi đó là giám đốc phụ trách mảng marketing của hãng Sony khu vực châu Á. Vì yêu thích Việt Nam, nên anh ta thi vào trường Đại học Quốc gia Hà Nội, học khoa tiếng Việt. Chính vì thế, Muteki nói tiếng Việt rất sõi.
Sau khi kết thúc khoa học, Muteki tự thưởng cho mình một chuyến leo Fansipan, sau đó sang Thái Lan, trước khi về nước tiếp tục công việc.
Muteki bảo rằng, vì bố anh ta có cổ phần ở công ty Sony, nên buộc phải làm việc ở đó, chứ thực tế anh ta thích nghiên cứu về trà hơn, vì anh ta rất mê trà. Trên suốt hành trình leo Fan, Muteki cứ nói chuyện không ngớt về thú thưởng trà, đặc biệt là nghệ thuật uống trà đạo ở Nhật Bản.
Bỗng nhiên, ông Lâm nhớ đến rừng chè mà ông đã đi qua ở phía Tây dãy núi Hoàng Liên Sơn, ông liền bảo với anh chàng kỹ sư người Nhật: “Tôi đã đi qua vùng Tây Tạng, qua cả bang Assam của Ấn Độ và thấy chè ở đó phải gọi chè mọc hoang trong rừng Hoàng Liên Sơn bằng cụ tổ”.
Anh chàng người Nhật lôi chiếc máy đo độ cao ra, tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi: “Ý ông nói là trên độ cao hơn 2.200m này có chè?”. Ông Lâm bảo: “Đúng vậy. Chè bát ngát, đi cả tháng không hết rừng chè”.
Anh chàng người Nhật chỉ vào thân cây to bằng bắp chân bảo: “Nó to bằng cây này không?”. Ông Lâm bảo to hơn. Anh chàng người Nhật lại chỉ vào thân cây to bằng bắp đùi, rồi thân cây một người ôm, ông Lâm vẫn lắc đầu bảo to hơn. Ông Lâm bảo: “Nhiều cây to 2-3 người ôm”.
Nơi kỹ sư người Nhật Bản Muteki dựng lều uống trà.
Nghe ông Lâm kể về những cây chè to 2-3 người ôm, anh chàng kỹ sư người Nhật cứ trố mắt ngạc nhiên. Ông Lâm đọc thấy trong ánh mắt của anh ta lộ vẻ nghi ngờ. Sau phút trầm ngâm, anh chàng người Nhật kia bảo: “Thôi, không leo Fan nữa, đi tìm vườn chè thôi”. Thấy ông Lâm tần ngần, anh ta bảo: “Ông sợ tôi không có tiền hả, ông muốn lấy bao nhiêu tiền tôi trả bấy nhiêu”. Thế là, ông Lâm và anh chàng kỹ sư người Nhật vạch rừng đi tìm vườn chè cổ thụ.
Bắt đầu rẽ từ độ cao 2.500m, vừa đi vừa phát đường suốt 2 ngày thì đến vườn chè. Muteki đứng hồi lâu dưới gốc một cây chè có thân chừng một người ôm. Sau đó, anh ta đi chậm rãi mấy chục vòng quanh gốc cây, nhìn gốc chè với dáng vẻ rất trầm ngâm, mà ông Lâm không hiểu nổi anh ta đang nghĩ gì.
Tưởng anh ta đang nghi ngờ không biết có phải đây là cây chè không, ông Lâm liền vung dao toan chém vào thân cây. Không ngờ anh chàng ngăn lại, bảo: “Đừng làm chè đau. Người Nhật quý cây chè như quý tính mạng người ấy”. Nói rồi, anh ta dùng móng tay cạy một mẩu vỏ, ngắm nghía, ngửi một lúc, rồi cho vào miệng nhai. Muteki bảo: “Đúng là chè cổ thụ, chè xịn rồi”. Với người sùng trà đạo như Muteki, chắc chắn, khu rừng chè cổ thụ này là một kho báu vô giá.