Rợn người giới trẻ “nhậu khói” bồ đà
Tuổi Trẻ - “Cỏ”, “tài mà”, “con điếm” - tiếng lóng chỉ những cấp hạng hoặc loại của loài cây gây nghiện tên cần sa - đang được một bộ phận giới trẻ ngấm ngầm sử dụng. Loại ma túy gây nghiện này từng ngày từng giờ hủy hoại nhiều người, phần lớn là giới trẻ.
Một nhóm thanh thiếu niên hút bồ đà ở khu phố 5, phường 22, quận Bình Thạnh - Ảnh: Sơn Bình
Theo N.N.H.L. (20 tuổi, ngụ đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP.HCM) - một con nghiện bồ đà hơn ba năm nay, chúng tôi thâm nhập thế giới khói trắng này. L. cho biết: “Bọn này chơi và còn chia hàng cho học sinh, sinh viên. Nhiều người thay thuốc lá hút rất nhiều”.
Khói độc len lỏi
Doanh nhân cũng... phê
Tại một quán nhậu trên đường Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, chúng tôi gặp anh bạn trẻ là nhà kinh doanh. Bàn nhậu ồn ào giữa khói thuốc khét lẹt mùi bồ đà dù trên tay anh là điếu thuốc hiệu Marlboro. Anh bảo chuộng loại bồ đà xiêm và cho biết giới trẻ thích dùng loại này, thường ngụy trang trong những bao thuốc. Đến giờ mỗi khi ra đường, anh này luôn có một đệ tử mang theo bồ đà và chế thành những điếu thuốc đặt trong chiếc hộp mạ vàng óng.
Dẫn chúng tôi quan sát nhiều nơi chơi bồ đà từ cổng trường, làng đại học đến những khu nhà trọ, hẻm nhỏ... L. và nhóm bạn nghiện bồ đà còn chỉ điểm những mối buôn bán ở các quận 2, 4, 5, Bình Thạnh và Gò Vấp. Điểm đầu tiên L. đưa chúng tôi đi thực địa là bến xe miền Đông. Ở góc khuất nơi bãi xe chất lượng cao, nhiều người đờ đẫn phì phà điếu thuốc. L. bảo “hút bồ đà đó”.
Đi đâu mất hút khoảng 10 phút, L. mang ra 10 bịch màu xanh nhạt có kèm giấy quyến, mỗi bịch có thể cuộn 6-7 điếu. L. dẫn cả nhóm ghé vào một quán cà phê gần đó, xe mấy sợi lá trên tay thành điếu, châm lửa và rít! Lim dim, L. giải thích bồ đà được chia thành ba loại chính: lá, gù và xiêm. Hàng lá 40.000-60.000 đồng/bịch, hàng gù (nhiều hoa) 80.000-100.000 đồng/bịch và hàng xiêm được pha trộn với các chất khác, nặng đô hơn và giá cũng cao hơn.
Đêm đó L. đi chia “hàng” trên đường Trần Não, quận 2. Cuối cùng, L. ghé vào một khu nhà trọ để “phê” cùng nhóm bạn. Đó là một nhóm sinh viên cùng các công nhân xa quê tuổi đời rất trẻ. Họ bu lại, xé nhỏ lá thuốc rồi dùng bình nhựa cắm bút để sẵn trong nhà hút như người thường hút điếu cày. T. - sinh viên Trường đại học Công nghiệp - giải thích: “Hút dạng vấn thành điếu rất phí và ít phê, bắn bằng chai nhựa phê tê tới óc”. Ngày thường T. mua bao thuốc lá, trút hết ruột bên trong rồi nghiền nhỏ bồ đà cho vào ngụy trang, mang lên giảng đường cho bạn bè cùng hút. Một số công nhân mang cả điếu cày và bồ đà lên công trình.
Ở xóm của L., phần đông thanh thiếu niên ai cũng biết hút bồ đà. Đêm đến, cả nhóm kéo ra những bãi đất trống chơi đê mê. L. bảo: “Đứa nào không biết hút là đồ nhà quê, bọn con gái lớp 8, lớp 9 cũng chơi nữa mà”.
Mờ ảo những cơn say
Chúng tôi cùng một thạc sĩ xã hội học tìm đến chốn “nhậu khói” - một kiểu uống bia rượu và chơi bồ đà tập thể - tại một phòng trọ thuộc khu phố 5, phường 22, quận Bình Thạnh để “thực tế” cảm giác của con người khi phê bồ đà.
Hàng được sử dụng là loại bồ đà gù. Trước những tay nghiện vừa mời mọc vừa thách đố, ông bạn này “bắn” xoay vòng nhiều phát cùng những ly rượu mạnh. Hơn một giờ sau anh chàng mắt nhắm mắt mở, ngây ngây dại dại, người thi thoảng lại nhún giật rồi quay sang chỉ vào mặt tôi, hét lớn: “Tùng, sao cái đầu mày trọc lóc vậy?”. Tôi thắc mắc mình không phải tên Tùng, càng không phải đầu trọc thì anh ta trợn mắt hung tợn, tát và đấm vào đầu tôi liên hồi, miệng cứ lẩm bẩm mỗi lúc yếu dần: “Sao mày cạo đầu? Tại sao mày lại ở đây?...” rồi thiếp đi, gục tại chỗ.
Sau khi “bắn” vài hơi người hút sẽ cảm thấy mờ ảo. Khi thấm thuốc, cảm giác các cơ bắp săn lại, cả người khô khốc, đầu óc ong ong, mắt nhìn đâu cũng thấy toàn người thân xa lắc ở quê đang trò chuyện quanh mình. Không nén được cảm giác, có người nhoẻn miệng cười và rồi không nín lại được. Cả nhóm chơi cứ nhìn nhau mà cười như điên như dại... Khi dần tỉnh lại, cơ thể đứ đừ, nghe quanh mình tràn ngập mùi tanh tưởi, ngột ngạt. Bước vào phòng vệ sinh, cảnh tượng thật ghê rợn: một thằng trong nhóm ngồi khóc mếu, tay cầm con dao cắt từng đường trên cánh tay, máu cháy ròng ròng trước con mắt lãnh đạm của nhóm bạn.
L. cho biết những người chơi lần đầu đều có cảm giác như thế và chơi chung với rượu thì ép phê hơn. Có người nôn ói, có người khóc người cười, có người thích rạch tay, có người thích đánh nhau, có người bị ảo giác, có người mê nghe nhạc... Cũng theo kinh nghiệm của L., sau khi thử có người không dám chơi tiếp, nhưng nếu chỉ thêm vài lần nữa thì khó bỏ được cảm giác thèm muốn chơi tiếp, nhất là những khi quá vui hoặc quá buồn chán. Khi nghiện sẽ đâm ra lười biếng, chán học chán làm, chỉ thích ăn ngủ, không biết sợ ai. Cậu nhỏ rạch tay trong nhà vệ sinh, theo L., là đứa chuyên sai khiến nhóm bạn đi đánh nhau.
Một con nghiện cắt tay giải sầu sau khi “nhậu khói” - Ảnh: Sơn Bình
Hủy hoại cuộc đời
Loại ma túy này, theo L., được lấy từ Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên với giá 500.000 đồng/lạng rồi trung chuyển khắp nơi, chiết thành từng bịch nhỏ lẻ, len lỏi bán trong mọi ngõ ngách đô thị.
Tìm gặp hơn 20 trường hợp nghiện hút “ma túy xanh” này, chúng tôi thấy họ đều có điểm chung: lừ đừ, lười biếng, bỏ học dở chừng và dính đến nhiều tệ nạn xã hội. Như N.C.K., ngụ quận Gò Vấp, sau khi thi đậu vào một trường đại học đã tập tành theo nhóm bạn chơi bồ đà và đến giờ đã 25 tuổi vẫn chưa tốt nghiệp. K. cuốn theo nhóm bạn ăn chơi và nghiện thêm xì ke, suýt chết ba lần vì sốc thuốc và đã bị nhiễm HIV.
K. ân hận: “Lúc đầu chỉ chơi cho biết vì nghĩ sẽ không nghiện nhưng rồi không quên được. Đã nghiện bồ đà thì dễ dính thêm những thứ khác do bản thân sống buông thả. Một người bạn tôi cũng đi tù vì lên cơn nghiện phải đi ăn cướp”.
Bản thân L. cũng là học sinh ngoan của một trường THPT ở Q.Bình Thạnh và từng là thanh niên điển hình của khu phố, nhưng sau một năm chơi bồ đà đã không thể học hết lớp 9. Theo mẹ L., từ ngày nghỉ học đến giờ, suốt ngày thấy L. cứ lừ đừ, ăn với ngủ, tối thì tụ tập đi chơi, nghe người ta nói L. nghiện hút bồ đà nên cũng chửi mắng nhưng rồi cũng đi hút. “Nó bảo chơi cái này như hút thuốc lá, nếu cấm nó cắt cổ liền, nên bây giờ hút luôn trong nhà”, bà đau khổ. L. cũng thừa nhận: “Ngày nào không có vài ngụm khói là người cứ run lên, bứt rứt khó chịu lắm”. Để có tiền “nhậu khói”, nhóm bạn của L. hay dùng mã tấu chặn xe tống tiền người đi đường và rủ rê thêm nhiều người chơi.
Những ngày đi tìm hiểu về thế giới bồ đà, chúng tôi còn nghe trường hợp của L.T.T. - 23 tuổi, ngụ Nông Cống, Thanh Hóa - vì hút bồ đà trong lúc xây nhà ở quận 8 đã bị té gãy chân và chấn thương cột sống. Trường hợp chơi lâu năm như ông N.V.G., 50 tuổi, còn nặng nề hơn. Sau thời gian vùi đầu vào khói độc ông bị tâm thần, lang thang phá phách khắp nơi buộc người thân phải xích lại.
Chai nhựa được chế thành điếu cày và những bịch bồ đà - Ảnh: S.Bình
Độc dược
PGS.TS Trần Hùng - trưởng bộ môn dược liệu, Đại học Y dược TP.HCM - cho biết cây cần sa thường gọi là cây gai dầu, tên khoa học là Cannabis Satival L.
Ngay từ năm 1971, công ước thống nhất về các chất gây mê ở New York do các ủy viên có thẩm quyền của 74 nước đã họp và xem đây là một vị thuốc độc, nên đã đặt việc trồng cây gai dầu và buôn bán dưới sự kiểm soát chung, cấm dùng ngoài mục đích làm thuốc.
Sau này, các nghiên cứu khoa học còn xác định chất tetrahydrocannabinol gây ra các xáo trộn tác động vào sự di truyền về hệ thống miễn dịch, vào hệ thống điều hòa kích thích tố và vào trung khu thần kinh.
Ngày nay cần sa được coi là một loại ma túy nhẹ, khó nghiện nhưng thực tế gây hại không kém cocaine, heroin và càng có nhiều cơ sở khoa học cho thấy nó gây ra các chứng loạn thần và nhiễu tâm. Tại Anh, ước tính ít nhất 10% trong số 250.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt do hút cần sa.
SƠN BÌNH
__________