From : Sung Truong * Nam Nguyen
LS Lê Thị Công Nhân ra khỏi tù về nhà ngày 6 tháng 3 năm 2010 được nhiều người thương mến gửi hoa chúc mừng. (Hình: Tư liệu Ðinh Quát) NV) - Mặc dù ở chung một phòng với 60 người nữ tù nhân khác, nhưng LS Lê Thị Công Nhân bị cô lập hoàn toàn từ ngày mới vào tù cho tới khi được về, theo lời cô nói với báo Người Việt hôm 8 tháng 3. bị cô lập từ khi vào tù đến khi ra,” cô nói.
Cô miêu tả phòng giam: “60 người nữ tù trong một phòng giam nhỏ, chỗ nằm của mỗi người chỉ có 60cm x 2m vai chạm vai. Khủng khiếp.”
Tuy sống chung chật chội như vậy, nhưng nhà tù tuyệt đối cấm tất cả mọi người không được tiếp xúc với cô.
Cô kể, có người tù thiếu chăn, cô cho mượn chăn, và sau đó người đó bị kỷ luật.
“Tôi chỉ có thể trao đổi với các người khác một cách bí mật,” LS Công Nhân cho biết.
Theo lời cô kể, đa số nữ tù nhân có thân nhân tiếp tế nên ăn uống tương đối đầy đủ. Nhà tù không thiếu cơm: Mỗi tù nhân được cấp cho 17 kí gạo một tháng, ăn không hết. Nhưng ngoài ra, mỗi người mỗi bữa chỉ có 2 miếng rau cải bắp bằng 3 ngón tay. Một tuần lễ được một miếng thịt mỡ nhỏ bằng 2 ngón tay toàn mỡ.
Trong cảnh sống chật chội như vậy, chuyện lây bệnh là bình thường.
“Có lần một người bị cúm là cả hai chục người bị cúm theo, lây lẫn nhau, mà cũng không có thuốc chữa trị.” LS Công Nhân nói.
Chuyện tắm của nữ tù cũng là một sự xúc phạm. Hàng ngày, giữ vệ sinh thân thể, nữ tù nhân ở trại tù số 5 huyện Yên Ðịnh tỉnh Thanh Hóa phải múc nước giếng tắm truồng tập thể giữa trời dù là Mùa Ðông giá buốt hay Mùa Hè nóng cháy da. Trại tù gần biên giới Lào Việt, tiết lạnh mùa Đông đến trâu bò địa phương cũng chết vì rét.
“Ở thế kỷ 21 mà cả trăm nữ tù phải tắm trần truồng như một bầy thú vậy. Người nọ cãi tranh dành nhau với người kia vì tí nước, .” LS Lê Thị Công Nhân nói với báo Người Việt. “Có phòng tắm trong phòng giam nhưng họ không cho tắm vì sợ tắc cống. Không thể tưởng tượng nổi”.
Cô cho hay chị đã đề nghị với ban quản lý nhà tù Yên Ðịnh nhưng không được chấp nhận. “Cho đến ngày tôi ra tù, tình trạng này vẫn vậy,” cô nói.
Về tình trạng sức khỏe, trong ít ngày tới cô cho hay sẽ đi bác sĩ để lo chữa trị một số bệnh. Mắt có một cái mụn bị ở trong tù hồi năm ngoái. Trước đó, bị đau nhức, thấp khớp mà nhiều khi, cô nói đau quá đêm ngủ không nổi. Nhà tù không cung cấp thuốc men gì nên tùy thuộc hoàn toàn vào sự tiếp tế, săn sóc của bà mẹ mỗi tháng một lần thăm.
LS Lê Thị Công Nhân bị bắt ngày 6 tháng 3 năm 2007 ở Hà Nội khi thuyết trình đề tài nhân quyền cho một nhóm sinh viên tại văn phòng luật Thiên Ân mà Luật Sư Nguyễn Văn Ðài làm trưởng văn phòng. Cô cũng như LS Ðài bị kết tội “Tuyên truyền chống nhà nước XHCN” theo điều 88 Luật Hình Sự.
Phiên tòa sơ thẩm ngày 11 tháng 5 năm 2007 kết án cô 4 năm tù, 3 năm quản chế. Luật Sư Ðài bị 5 năm tù, 4 năm quản chế. Phiên tòa phúc thẩm ngày 27 tháng 11 năm 2007 giảm bớt một năm tù cho mỗi người trước các áp lực của dư luận quốc tế.
LS Lê Thị Công Nhân là thành viên của Liên Ðoàn Luật Sư Quốc Tế, thành viên Khối 8406 và cũng là phát ngôn viên của đảng Thăng Tiến Việt Nam.
Năm 2008, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền trao tặng giải thưởng Hellman/Hammett cho Lê Thị Công Nhân vì đã can đảm đấu tranh đòi hỏi nhân quyền bất chấp đến các nguy hiểm, tù tội cho bản thân.
Trước khi có phiên tòa phúc thẩm, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng công du Ba Lan giữa tháng 9 năm 2007. Khi bị báo chí nước này chất vấn về tình trạng vi phạm nhân quyền và vụ án Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng nếu nước Ba Lan nhận, Hà Nội cho LS Công Nhân đi ngay. Bà Trần Thị Lệ từng được yêu cầu bà thuyết phục con gái, đề nghị “nhận tội và xin khoan hồng” thì sẽ được trả tự do sớm. Trong một lần tiếp xúc với báo Người Việt, bà Lê cho hay viên chức Bộ Công An đem đến cả giấy và bút sẵn sàng để bà viết đơn “kiến nghị” thay cho con gái xin “khoan hồng”.Trước khi bị bỏ tù, nữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân từng tuyên bố sẽ không bao giờ đầu hàng hay thỏa hiệp với một chế độ không tôn trọng quyền làm người của người dân
2. VOA - Luật sư Công Nhân: 'Đã hy sinh phải hy sinh đến cùng'
From: Peter Tran* T.Phung
Nữ luật sư trẻ Lê Thị Công Nhân, một nhà bất đồng chính kiến và cũng là một người tranh đấu đòi hỏi dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam, vừa mãn hạn tù sau bản án 3 năm về tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước.”
Trà Mi - VOA | Washington, DCThứ Ba, 09 tháng 3 2010
Hình: AP Photo
Hồi tháng 5 năm 2007, luật sư Lê Thị Công Nhân đã bị tòa án ở Hà Nội kết án 4 năm tù giam, 3 năm quản chế vì ‘tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa’ và vi phạm điều 88 Bộ Luật hình sựTin liên hệ
· Luật sư Lê Thị Công Nhân được trả tự do· Luật sư Lê Thị Công Nhân ‘chuẩn bị ra tù’
Một luật sư Công Nhân trước và sau 3 năm tù giam có gì thay đổi? Sau những gì trải nghiệm, ý chí, niềm tin, và sự khao khát về một nền dân chủ của cô gái 31 tuổi được nhiều người biết đến và ca ngợi như một “thiên thần trong bóng tối” giờ đây như thế nào? Đó là một số câu hỏi được đặt ra trong cuộc trao đổi hôm nay với người bạn trẻ từ Hà thành, Lê Thị Công Nhân.
Câu chuyện của chúng ta được bắt đầu từ những tháng ngày trong trại giam. Công Nhân kể lại:
Công Nhân: Buồng giam của tôi trung bình có khoảng 60 người. Gần một nửa trong số này là án chung thân. Tôi là người hiếm hoi trong đây bị tù đầu, tức là chưa có tiền án, tiền sự, mà lại án ngắn là 3 năm. Nhà tù thì quá tải. Ví dụ mỗi người đựơc quy định chỗ nằm là 2 mét vuông, mọi người được chiều dài là 2m, nhưng chiều ngang chỉ còn được 60cm, vai kề vai.
Trà Mi: Thế còn lịch sinh hoạt như thế nào ạ?
Công Nhân: Buổi sáng 5 giờ kẻng thức dậy. Buổi tối 5 giờ rưỡi điểm danh nhốt vào trong buồng giam.
Trà Mi: Trong ngày chị phải làm những công việc gì?
Công Nhân: Có nhiều công việc khác nhau. Đội thêu, đội ra đồng trồng rau, trồng lúa, nuôi lợn, làm hàng mã, móc ren..v.v… Họ phân công tôi cắt cỏ, tưới cây, lau nhà quét nhà.
Trà Mi: Làm cùng công việc trong suốt 3 năm?
Công Nhân: Hơn hai năm tại trại cải tạo, còn ở trại tạm giam Hoả Lò thì không làm những việc đó.
Trà Mi: Ngoài giờ lao động, chị có được đọc sách, học tập, xem thông tin qua báo đài thế nào chăng?
Công Nhân: Vào những giờ nghỉ, họ cho mình xem TV. Họ cũng cho mình đọc sách báo. Cũng nhiều loại sách báo, nhưng trại cấm đọc những sách báo về tôn giáo, đặc biệt là đạo Thiên Chúa. Họ tịch thu hết tất cả kinh thánh. Tôi là tù nhân duy nhất được có quyển kinh thánh để đọc.
Trà Mi: Cuốn kinh thánh đó là của gia đình chị chuyển vào hay là...
Công Nhân: Đây là cuốn kinh thánh mà Ủy ban Tôn giáo Hoa Kỳ họ vào gặp tôi khi tôi ở Hoả Lò, được dẫn đầu bởi ông Nguyễn Văn Hưởng, thứ trưởng Bộ Công an. Vì ông Hưởng dẫn họ vào nên tôi mới được giữ quyển kinh thánh. Và việc giữ lại quyển kinh thánh đó cũng là một cuộc tranh đấu. Họ cho phép tôi nhận trước mặt những người kia như là một trò hề. Khi tôi đem vào buồng giam thì họ lại không cho. Và đây cũng là một cuộc tranh luận rất căng thẳng. Từ Hoả Lò họ cho phép tôi dùng, nhưng khi tôi chuyển về trại giam ở Thanh Hoá thì họ thu luôn của tôi, dẫn đến việc tôi tiếp tục nhịn ăn vì họ thu kinh thánh của tôi. Trước khi chuyển trại 1 tuần, tôi đã nhịn ăn ở Hoả Lò, phản đối việc trại cho chúng tôi ăn quá bẩn thỉu. Nói về bẩn thỉu thì ô uế, hôi thối không thể tả được, vì nhà vệ sinh ở ngay chỗ nằm luôn. Khi vào đấy, tôi cảm thấy là địa ngục cũng không đến mức như vậy. Đây là vấn đề nhân quyền và tôi sẽ kể lại một cách chi tiết trong một dịp khác.
Trà Mi: Trong lúc chị bị giam, chị có biết những dư luận bên ngoài liên quan đến bản án của mình như thế nào không?
Công Nhân: Thông tin cơ bản nhất thì có, nhưng những tình tiết thì quả thật là không. Mẹ tôi lên thăm chỉ nói được sơ sơ ví dụ như anh Định bị bắt rồi, chẳng hạn vậy, chứ không thể nói được hơn. Nếu không, họ sẽ không cho gặp. Chúng tôi lại có những nguồn thông tin rất đặc biệt. Những người tù có quan hệ tốt với cán bộ do đút lót bằng tiền thường có những tờ báo bị cấm mang vào tù như báo An ninh hay báo Công an. Qua đó thì tôi cũng có biết, nhưng tất nhiên tôi phải có kỹ năng đọc báo của riêng tôi. Khi họ chửi một vấn đề gì đấy ghê gớm thì mình phải hiểu thêm một hướng ngược lại. Tôi luôn phải đọc báo theo kiểu hai bán cầu não phải hoạt động theo 2 hướng khác nhau.
Trà Mi: Những tờ báo đó là báo chính thống của nhà nước. Vì sao họ lại cấm không cho mang vào tù?
Công Nhân: Họ bảo sợ mình biết được những thông tin rồi lật cung, thông cung.
Trà Mi: Hồi nãy chị có chia sẻ là trong lúc chị bị giam có phái đoàn của Ủy ban Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ vào thăm. Ngoài ra, có những cuộc thăm viếng nào khác của các phái đoàn quốc tế không chị?
Công Nhân: Khi tôi chuyển ra trại Thanh Hoá, đại sứ Hoa Kỳ có đến gặp tôi.
Trà Mi: Cuộc gặp đó diễn ra trong bao lâu? Nội dung chính như thế nào?
Công Nhân: Trong 30 phút, hoàn toàn là những lời hỏi thăm hết sức thân tình. Tôi cảm thấy rất xúc động.
Trà Mi: Tin cho biết phía Hoa Kỳ có ngỏ ý can thiệp, đòi hỏi sự phóng thích cho chị bằng cách muốn đưa chị sang Mỹ tị nạn chính trị, nhưng chị đã từ chối. Điều này có đúng không ạ?
Công Nhân:Tôi biết điều đó qua công an vào tháng 6/2008. Ngài đại sứ Hoa Kỳ gặp tôi vào tháng 10. Từ tháng 6, công an vào thẩm vấn tôi trong trại 2 ngày liên tục. Họ có nói với tôi rằng: “Bây giờ Công Nhân có muốn đi nước ngoài không. Muốn đi thì nói một tiếng thôi, nhà nước sẽ tạo điều kiện hết sức, đưa thẳng luôn ra Nội Bài đi luôn. Bởi vì bên Mỹ họ nhận bảo lãnh cho em đấy.” Đến giờ phút này tôi chưa nghĩ đến việc đi tị nạn chính trị.
Trà Mi: Chị có thể cho biết lý do?
Công Nhân: Chúa an bài cho tôi một cuộc sống ở một nơi khác thì tôi sẽ vui mừng trong sự an bài đó, nhưng bây giờ tôi không cảm thấy điều đấy. Còn về mặt lý trí, tôi sẽ đi tị nạn chính trị khi nào mà cuộc sống của tôi bị chà đạp đến mức độ tôi không thể chịu đựng được nữa. Nhưng bây giờ thì tôi vẫn còn chịu đựng được. Cho nên tôi không hề nghĩ về chuyện đi tị nạn chính trị vào lúc này. Cái tự do quan trọng nhất là tự do trong tư tưởng, trong tâm hồn, thì tôi đã có. Ở Việt Nam bây giờ tôi không được tự do về mặt thân thể, về mặt đi lại. Những cái đó, tới thời điểm này tôi vẫn còn đang chịu đựng được.
Trà Mi: Đối với việc nhà nước Việt Nam đồng ý cho phép chị tự do sớm hơn thời hạn với điều kiện chị phải xuất ngoại, chị suy nghĩ gì về điều này?
Công Nhân: Tôi cảm thấy rằng cứ như họ tống được con nhỏ này đi thì thật là nhẹ nợ. Không có chuyện đó đâu, chưa đến, chưa đến lúc.
Trà Mi: Có nhiều ý kiến cho rằng “nước có quốc pháp, gia có gia uy”, nghĩa là công dân một nước phải tuân theo với điều kiện luật pháp của nước đó, nhất là đối với người luật sư am hiểu luật lệ thì chắc chắn phải hiểu điều đó hơn ai hết. Vì chị đi ngược lại với những điều pháp luật quy định nên mới gặp phải những điều không hay phải gánh chịu như vậy. Phản hồi của chị trước những ý kiến đó như thế nào?
Công Nhân: Tôi nghĩ rằng họ đang nói theo hướng nguỵ biện. Pháp luật là sự chính thức hoá những thoả thuận trên cơ sở những thoả ước bắt nguồn từ những điều đơn sơ nhất, những hình thức đơn giản nhất để tạo thuận lợi cho mọi người trong xã hội được sống, làm việc, và tiến bộ. Họ bảo pháp luật của Việt Nam là như thế. Đúng. Họ quy định như vậy thật, nhưng cái đúng này không phải là cái “đúng chân lý” mà là cái “đúng sự kiện”, rằng có cái việc họ quy định như vậy. Chúng ta đừng nhầm lẫn các từ “đúng” ở đây. Họ đề ra quy định sai, khi tôi vi phạm cái quy định sai của họ thì họ khẳng định rằng: “Đúng rồi, cô Công Nhân này đã vi phạm quy định”. Nhưng họ không xét đến cái quy định ấy là gì. Nếu không có sự cởi mở, nếu luôn bảo thủ là mình đúng, mình đã hoàn hảo, thì lấy đâu ra sự tiến bộ và phát triển? Tại sao nó sai mà được duy trì? Bởi vì không có người kịp phát hiện ra. Vậy khi có một người kịp phát hiện ra điều đó sai, người đó phải chuẩn bị tinh thần đối diện với một nhóm rất đông những người cho rằng anh ta đã sai, còn họ mới là đúng.
Trà Mi: Nhưng lập luận của nhà nước Việt Nam thì cho rằng mỗi nước có luật lệ riêng, đặc điểm riêng về văn hoá, bản sắc, cũng như luật lệ. Giả sử như ở Thái Lan có điều cấm không được xúc phạm nhà vua, thì ở Việt Nam có điều cấm không được tuyên truyền chống phá nhà nước. Phản hồi của chị ra sao?
Công Nhân: Nhà nước của họ không hoàn hảo, chúng tôi chống lại những điều không hoàn hảo đó, thì chúng tôi đúng. Như thế nào gọi là “tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam”?
Trà Mi: Giữa lúc chưa có sự rõ ràng đó, những người nào vi phạm, tức vượt qua lằn ranh cho phép ấy, sẽ trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ…
Công Nhân: Trường hợp của tôi cũng không hẳn là bất đắc dĩ. Tôi cố ý làm những việc này, tôi xác định trước tôi sẽ là nạn nhân. Tôi hoàn toàn biết. Tất nhiên là không thể biết cụ thể ngày giờ nào tôi sẽ bị bắt.
Trà Mi: Biết trước những điều không hay có thể xảy ra cho mình mà chị vẫn dấn thân vào. Điều gì đã khiến chị có một niềm tin mãnh liệt như vậy?
Công Nhân: Muốn phát triển tốt lên, cần phải thay đổi những cái gì xấu đang hiện diện. Mình đã xác định tranh đấu, mình phải xác định hy sinh. Đó là hệ quả tất yếu, nếu không đừng tranh đấu nữa. Đã xác định hy sinh thì phải hy sinh đến cùng. Chứ nếu hy sinh dang dở thì hy sinh để làm gì? Khi tư tưởng và tinh thần thông suốt thì hành vi của mình cũng sẽ chủ động hơn. Tôi bị tống vào tù nhưng tôi đã biết trước điều đó, và tôi chuẩn bị tinh thần và mọi thứ có thể để đối mặt với điều đó. Không còn cách nào khác.
Trà Mi: Những gì chị đã trải qua trong 3 năm qua cũng là một bài học trả giá cho những điều chị đã dấn thân. Sau 3 năm đó, chị đã nghiệm ra điều gì cho bản thân mình?
Công Nhân: 3 năm trong tù, tôi đã đọc kinh thánh trọn bộ. Trong tù, Chúa là người bạn của tôi, người thầy của tôi, và là người đồng đội của tôi. Khi tôi trở về, tôi nhận đựơc rất nhiều những lời ngợi khen, lời yêu thương, lời quý trọng, tôi cảm thấy choáng váng về điều đấy. Tôi thật sự cảm thấy là tôi chưa xứng đáng được như vậy đâu. Tôi nghĩ rằng tôi cần phải sống một cách dũng cảm hơn. Chính nhờ việc ở tù đấy đã củng cố hơn niềm tin của tôi vào sự đúng đắn của con đường mà tôi đã lựa chọn. Trứơc đây nó là một mũi tên, và bây giờ nó là một thành trì.
Trà Mi: Nếu có một người hỏi thăm chị Nhân rằng một luật sư Công Nhân trước và sau 3 năm tù giam có gì thay đổi. Chị sẽ trả lời như thế nào?
Công Nhân: Tôi có ước mơ trở thành một luật sư từ năm 8 tuổi sau khi xem một bộ phim. Đến năm 2003, tôi trở thành một luật sư thì cái cảm giác cực kỳ tuyệt vời. Bởi vì ước mơ của tôi bền bỉ, xuyên suốt, không hề thay đổi một lần nào. Nhưng bây giờ khi tôi ra tù, bị tước bằng luật sư, tôi cũng không cảm thấy nó nặng nề lắm. Tôi nhớ về nó như một kỷ niệm đẹp vậy.
Trà Mi: Một ước mơ chị đã vun đắp trong lòng mình từ thuở bé. Nay, sau 3 năm bước ra khỏi trại giam, nó cũng đã tuột mất khỏi tầm tay của chị. Chị hình dung con đường trước mắt của mình ra sao, về tương lai, về sự nghiệp, về lý tưởng của mình?
Công Nhân: Chắc chắn tôi sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh vì lý tưởng của tôi. Tôi cảm thấy vui, thú vị, bay bổng, mạnh mẽ, và có ích khi tôi sống theo con đường đó. Tôi nghĩ không bất kỳ một lý do gì có thể làm tôi từ bỏ. Còn cụ thể như thế nào, quả thật, tôi cũng chưa thể nào trả lời được. Vào trong tù, có một điều nữa tôi giác ngộ thấm thía rằng cộng sản chẳng sợ gì cả, ngoài nói thật. Bạn hãy nghĩ mà xem, nói thật không hề khó, nếu bạn có can đảm. Nó chỉ là một ranh giới thôi, bạn hãy bước qua.
Trà Mi: Gần đây ở Việt Nam, một số nhà bất đồng chính kiến gặp rắc rối có liên quan nhiều đến nghề luật. Mình nên hiểu việc này như thế nào, thưa chị?
Công Nhân: Tôi nghĩ đây là điều tất yếu, một dấu hiệu rất đáng mừng cho giới luật ở Việt Nam. Chúng tôi làm về pháp luật, chẳng có ngành nghề nào có thể gần gũi hơn, hiểu biết hơn về chính trị như những người làm luật.
Trà Mi: Đối với những người trẻ biết đến một chị Công Nhân qua báo chí nhà nước và những người biết đến Công Nhân qua các chiến dịch ủng hộ, vận động, bảo vệ dân chủ-nhân quyền, chị sẽ nói gì?
Công Nhân: Tôi không ngờ rằng tôi lại được nhiều đến như vậy. Sau những sự việc này, có những người bạn ở khắp 5 châu-4 biển thương yêu tôi một cách chân thành, quý trọng tôi một cách sâu sắc. Tôi cần phải cố gắng thật nhiều hơn nữa để xứng đáng với điều đó. Tôi rất thích thanh niên bởi vì tôi là một thanh niên. Đó là một lý do. Lý do thứ hai, tôi luôn hiểu rằng Đông-Tây, kim-cổ ai cũng nói rằng quãng đời thanh niên là quãng đời tươi đẹp nhất. Đấy là ở sự nhiệt tình và thể hiện bản thân mình. Nếu các bạn để quãng đời đó của mình trôi qua một cách nhạt nhẽo thì bạn sẽ ân hận suốt cuộc đời. Sự không nhạt nhẽo nhất mà các bạn có thể có được liên quan đến tất cả những người khác. Chính trị là cái liên kết tất cả mọi người với nhau để ai cũng có thể hoạt động một cách tốt nhất trong lĩnh vực của mình. Nếu như bạn tham gia vào chính trị thì bạn sẽ thấy thú vị vô cùng và vô cùng.
Trà Mi: Một lần nữa xin chân thành cảm ơn chị Công Nhân đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Xin chúc chị mọi điều tốt đẹp nhất trong thời gian sắp tới.
Tạp chí Thanh Niên của đài VOA sẽ trở lại cùng các bạn trong một câu chuyện mới vào tối thứ ba tuần sau. Trà Mi kính chào tạm biệt quý vị.
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/Human-rights-lawyer-speaks-up-after-her-release-03-09-10-87121327.html
3. Để vinh danh cô Lê thị công Nhân
và đánh dấu ngày cô bước ra khỏi ngục tù Cộng Sản 6-3-2010
LÊ-THỊ-CÔNG-NHÂN
Việt cọng bạo tàn lắm nhiễu nhương,
Dân ta đau khổ vướng tai ương.
CÔNG NHÂN tuổi trẻ đầy tâm huyết,
Tù tội chẳng nao chí quật cường.
Dẫu có một mình cô cũng quyết,
Không thèm thỏa hiệp,cứu quê hương.
Gái trai,già trẻ cùng vùng dậy.
Bẻ gảy xiềng gông dứt đoạn trường.
Thanh Khang
Toronto 6-3-2010
*****
LÊ-THỊ-CÔNG NHÂN
Tên cô đẹp,lại có NHÂN,
Luật sư tài giỏi xa gần biết danh.
Kiên cường ý chí đấu tranh,
Chống loài cọng sản vuốt nanh chuyên quyền.
Dưới cờ Dân chủ lửa thiêng,
Nêu cao bất khuất thuyền quyên rạng ngời.
Hoan hô vang dội góc trời,
Quyết tâm tranh đấu một đời sắt son. Thanh Khang
Toronto 6-3-2010