Thứ Hai, 3 tháng 5, 2010

CÁCH MẠNG ĐÔNG ÂU 1989 BÀI HỌC TRANH ĐẤU DÂN CHỦ

DAI KY NGUYEN 04-5-2010
LENIN: “CÒN ÁP BỨC, CÒN ĐẤU TRANH”
Việt Nguyên
Loi TS - Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston.

Lại 30/4! Mỗi 30 tháng 4, cầm viết, tôi cố tránh dùng hai chữ “mất nước” thường dùng của báo chí hải ngoại, để nghĩ đến nước Việt Nam vẫn còn đó qua bao nhiêu thay đổi của các triều đại, chế độ và vận nước. Biến cố 30-4-1975 đã khiến “nước mất” đi hơn ba triệu người dân Việt yêu nước trong đó người tài đã có cơ hội thành công trong những cộng đồng phát triển ở hải ngoại, nước đã mất đi những viên ngọc vì chủ thuyết Cộng sản lỗi thời và một chế độ với chánh sách sai lầm không biết dùng người sau khi chiến tranh kết thúc.
Hội thảo “35 năm nhìn lại chiến tranh Việt Nam” ở Hoa Thịnh Đốn ngày 9-4-2010 xác nhận lại lời khẳng định của Tổng Thống Richard Nixon trong hồi ký: “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã có đầy đủ khả năng chiến đấu anh dũng”. Miền Nam Việt Nam đã rơi vào tay Cộng Sản vì sự thay đổi của chánh sách Hoa Kỳ để phù hợp quyền lợi của họ.
Trong khoảng thời gian 20 năm, từ 1975 đến đến 1995 ngày Hoa Kỳ chánh thức bang giao với Việt Nam, là một thời gian đau thương với nhận xét của cựu Thủ tướng Tân Gia Ba Lý Quang Diệu phát biểu năm 1997 và cựu thủ tướng Cộng Sản Võ Văn Kiệt đã phải cúi đầu lắng nghe: “Miền Nam Việt Nam trước 1975 ngang ngửa với Thái Lan nay đã lùi lại hơn 20 năm”. Cuộc cách mạng Đông Âu dẫn đến sự sụp đổ của Cộng Sản Sô Viết đưa đến tình trạng kiệt quệ kinh tế ở Việt Nam, đảng viên bỏ đảng, tình trạng bi đát đã được cựu thủ tướng CSVN Phan Văn Khải thú nhận.
15 năm sau ngày bang giao, một lần nữa Hoa Kỳ với chánh sách ổn định vùng Đông Nam Á của Tiến sĩ Henry Kissinger, Cộng Sản Việt Nam tự tin xây dựng mô hình Trung Quốc với tham nhũng là tệ nạn hàng đầu cùng với đàn áp đối lập đưa Việt Nam đến bờ “mất nước” thật sự năm 2010.
Nhìn lại Cách mạng Đông Âu 1989.
200 năm sau cách mạng 1789 ở Pháp, thế giới đã chứng kiến một cuộc cách mạng đầu tiên không đổ máu làm sụp đổ khối Cộng Sản Sô Viết. Cách mạng thành công như lời của Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15: “Lấy nhân nghĩa thắng cường bạo”.
Cuộc cách mạng xẩy đến rất nhanh, xuất phát từ Ba Lan rồi lan qua các nước Đông Âu lân cận. Những học giả về Đông Âu và sử gia mấy năm gần đây phải thú nhận là không ai đoán được cách mạng đã bùng nổ một cách nhanh chóng như vậy nhưng mọi người đều có cách giải thích. Những sự giải thích về nguyên nhân cuộc cách mạng như chuyện cổ tích “người mù sờ voi”, mỗi người sờ một phần con voi lịch sử. Nói theo danh từ của các học giả như triết gia Ba Lan Lezzek Kolakonski, định luật “phong phú vô hạn” (law of infinite cornucopia) bất cứ sự kiện lịch sử nào đã xẩy ra đều có.
Đối với người Công giáo Ba Lan, ngoài công của lãnh tụ công nhân Lech Walesa, cách mạng 1989 và Giáo Hoàng John Paul II đến thăm Ba Lan trong những năm 1979, 1983 và 1987 đã khích lệ tinh thần người Công giáo Ba Lan, chiếm đại đa số dân, nổi dậy chống lại chế độ Cộng Sản vô thần. Đối với dân Đức và Hung Gia Lợi, những cuộc khởi nghĩa chống lại Sô Viết và mùa Xuân Tiệp Khắc 1968 đã là những nhóm lửa đầu tiên nhóm lên đốt cháy đảng Cộng Sản, đưa đến sự cải tổ đảng Cộng Sản Hung Gia Lợi và Đông Đức. Lãnh tụ các đảng này đã mở cửa bức màn sắt để dân Đông Đức thoát ra ngoài thế giới tự do.
Nhóm Tây Đức thiên tả cho rằng không khí hòa dịu giữa Đông và Tây Đức cuối thập niên 1980 với nền chính trị hòa hoãn (ostpolitik) đã dẫn đến cuộc cách mạng Đông Âu.
Sử gia về Sô Viết, ông Stephen Kotkin thì khẳng định “xã hội độc tài đảng trị thiếu văn minh vô văn hóa tự nó phải xụp đổ”. Nền kinh tế Đông Đức kiệt quệ đầy nợ cũng như nền kinh tế Sô Viết trong tình trạng nguy kịch sau cuộc chạy đua võ khí với Hoa Kỳ đóng góp vào sự sụp đổ của Sô Viết nhưng nó chỉ là nguyên nhân gần.
Dĩ nhiên một ngôi nhà đổ nát phải có một bàn tay xô đẩy mới xập. Thế giới không thể nào quên câu nói thách thức của cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan với Tổng bí thư đảng Cộng Sản Sô Viết Mikhail Gorbachev: “Hãy đập vỡ bức tường này” trong bài diễn văn đọc ở bức tường ô nhục Bá Linh năm 1987. Sự thật là như một phản ứng hóa học, các tác nhân nói trên đã có ảnh hưởng dây chuyền. Điều hay là cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử ở những quốc gia bị đàn áp trong nhiều năm dưới gọng kềm Sô Viết mà máu đã không đổ và cuộc cách mạng đã chứng minh “ý dân là ý trời”.
Nhờ các tài liệu từ những thư khố của Sô Viết, Hoa Kỳ và Đức mà người ta biết thêm được nhiều sự kiện lịch sử lý thú như ngày bức tường Bá Linh bị đập vỡ, 9/11/1989, Bộ Chính trị Trung ương Sô Viết hoàn toàn không bàn về Đức trái lại họ lại nghe báo cáo của Thủ tướng Nikolai Ryzhkov về các nước vùng Baltic và bang giao giữa Ukraine và Nga có cơ hội đổ vỡ!
Cuộc cách mạng không đổ máu ấy có lúc suýt ở trong tình trạng đổ máu ngày 9/10/1989 ở Leipzig khi chánh quyền Đông Đức huy động 8.000 lính, cảnh sát và mật vụ Stasi chuẩn bị đàn áp và các bệnh viện ở trong tình trạng chuẩn bị cho cuộc tắm máu. Người ta cũng chưa biết người anh hùng nào, nam hay nữ, ở quảng trường Wenceslas, Tiệp Khắc, đã rút chùm chìa khóa lắc lên khiến 300.000 người biểu tình bắt chước, gây ra tiếng động vang dội cùng với tiếng hô vang: “đưa Havel vào lâu đài!” (khác với hình ảnh bất diệt của người anh hùng Thiên An Môn đứng cản đoàn xe tăng, ngày 5/6/1989 ở Bắc Kinh, người hùng được cả thế giới biết mặt biết tên).
Cách mạng 1989 đã thành công một phần vì tin tức sai lạc của giới truyền thông quốc tế. Nếu người Việt nhớ đến bản tin sai lạc của đài BBC loan báo trước ngày 30-3-75 Kontum, Ban Mê Thuột đã mất vào tay Cộng Sản trước khi quân Cộng Sản thật sự chiếm đóng thì ngày 9/11/1989, 10:30 sáng đài Truyền hình Tây Đức đã loan báo cửa bức tường Bá Linh đã mở trong khi cánh cửa vẫn còn đóng khiến hàng ngàn người Đông Đức ồ ạt đổ về. Ngày 17-11-1989, đài phát thanh Âu Châu tự do trong cuộc biểu tình ở Praque, loan tin sinh viên Martin Smid đã bị giết khiến sinh viên nổi giận biểu tình khắp thủ đô. Qua chiều hôm sau cậu Smid đã bực tức khi bố cậu ngạc nhiên nhìn con về nhà!
Cách mạng 1989 là cuộc cách mạng của nhân dân Đông Âu, chính họ đã làm cách mạng và họ đã thay đổi ý kiến các nhà lãnh đạo thế giới chứ không phải các nhà lãnh đạo thế giới xúi dục họ.
Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush bố đã rất dè dặt trước sự cải tổ của Cộng Sản Nga cũng như dè dặt với giới đối lập Ba Lan và Hung Gia Lợi. Tài liệu cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Dick Cheney đã xem những thay đổi chánh sách của Gorbachev là tạm bợ. Tổng Thống Bush xem thường các lãnh tụ đối kháng như Borkyly râu ria giống như những sinh viên đại học Berkeley chống chiến tranh Việt Nam thập niên 1960, gặp Janoskis ở Budapest ngày 19-7-1989, Tổng Thống Bush không nghĩ ông có thể trở thành lãnh tụ chẳng những vậy ông còn khuyên tướng Wojcieh Jaruzelski ra tranh cử Tổng thống để giữ ổn định cho Ba Lan!
Chín tháng sau khi hội nghị bàn tròn ở Ba Lan ngày 2/11/1989 cho đến khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Hoa Kỳ chỉ đứng nhìn trong khi Tổng bí thư Gorbachev chấp nhận những thay đổi ở Đông Âu vì ông nghĩ những sự thay đổi này sẽ ngừng lại ở biên giới Nga, ông không ngờ diễn biến chánh trị ở Đông Âu có ảnh hưởng hai chiều!
Bài học cho cuộc đấu tranh dân chủ
Cách mạng 1989 ngừng lại ở Bắc Kinh. Cuộc biểu tình ở Thiên An Môn bắt đầu ngày 14-4-1989 khi sinh viên và giới trí thức Trung Hoa nhìn thấy các chế độ Cộng Sản Đông Âu đang sụp đổ và sau cái chết của ông Hồ Diệu Bang. Cuộc biểu tình chấm dứt bằng sự đàn áp đẫm máu.
Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc học bài học Đông Âu, ngăn chặn tin tức đài phát thanh, truyền hình và mạng lưới thông tin. Giết và bỏ tù vẫn là hình thức đàn áp có hiệu quả chống lại thông tin mạng lưới. Họ biết cách mạng xẩy ra một phần vì hỗn loạn. Ví dụ Bức tường Bá Linh sụp đổ không do hậu quả của sự thách thức từ Tổng Thống Reagan mà vì đảng viên Gunter Schabowski, kẻ phá hoại, trong buổi họp báo truyền hình ngày 9/11/1989, được hỏi về luật du lịch qua Tây Đức chừng nào có hiệu quả, Gunter không kiểm chứng, tuyên bố ngay là luật có hiệu quả ngay lập tức khiến dân Đông Đức ùn ùn đổ đến bức tường Bá Linh. Mật vụ Stasi đã không thể ngăn chặn làn sóng người.
Trung Cộng có thể đàn áp nhưng ngọn lửa dân chủ vẫn nhóm vì dân không còn sợ chế độ, biết nhiều sự thật. Dân Việt Nam dần dần nhận thấy mô hình Trung Quốc chỉ có lợi cho Trung Quốc, bóc lột các nước láng giềng, khai thác tài nguyên, phá hoại môi sinh vì lợi ích của họ nhưng mô hình Trung Quốc được đảng Cộng Sản Việt Nam thực hiện đã đưa đến tình trạng tham nhũng, bóc lột chính dân Việt, kết quả là dân Việt thành nô lệ cho Trung Cộng. Mô hình ấy lợi dụng tinh thần Marx và tôn thờ lãnh tụ.
Sau ông Võ Văn Kiệt đến ông Nguyễn Tấn Dũng gần đây nhất định biện hộ cho đảng: “Mỗi quốc gia có một thể chế riêng” nhưng thể chế của đảng Cộng Sản Việt Nam đang theo đuổi không thể gọi là đặc biệt cho Việt Nam.
Những nhà đối kháng trong thời kỳ Sô Viết là những tấm gương cho các nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam. Trong lãnh vực giáo dục những nhà toán học Nga nổi tiếng của thế kỷ đã cố gắng nêu cao giá trị cổ truyền của đất nước, cố gắng lái sinh viên ra khỏi chủ nghĩa Marx và tinh thần Lenin cũng như Richard Wright với cuốn “Thượng đế đã thất bại” (God that failed) đánh đổ tinh thần tôn thờ lãnh tụ, tôn thờ xác chết, đánh thức Arthur Koestler giúp ông bỏ đảng và thuyết phục Jean Paul Sartre: kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa thất bại, Stalin là quỷ, quần đảo Gulag nhục tù có thật. Ở mức độ này các du sinh Việt Nam hiện nay đều nhận thức được tinh thần Hồ Chí Minh rỗng tuếch, những giờ học Marx Lenin cấp 12 chỉ cản trở con đường hội nhập thế giới.
Trong thời Sô Viết, những nhà văn bị nhốt trong sự kềm kẹp của chế độ đã phát triển tinh thần đối kháng đưa đến chiến thắng vào cuối thế kỷ 20. Đây là giai đoạn cuối của lịch sử Sô viết. Họ không khác gì với các nhà văn Blog và mạng lưới bị Trung Cộng và Việt Cộng khống chế, từ nhà thơ nổi tiếng Joseph Brodsky, nhà văn giải Nobel Alexander Solzhenitsyn cho đến Vassily Grossman, Alexander Galich cuối cùng là Boris Patenak nhà văn nhà thơ đã đọat giải Nobel với cuốn Doctor Zhivago đã chứng minh nhà độc tài Stalin đúng một điều: “nếu nới lỏng kiểm duyệt, chánh quyền không thể biết văn chương đối kháng đi về đâu”. Nhà văn Vladimir Dumintsev nổi tiếng với câu “con người không chỉ sống bằng bánh mì” cho thấy chân lý ấy luôn đúng trong những xã hội độc đảng dùng phát triển kinh tế làm bình phong che đậy những đàn áp của đảng.
Thời Krushchev mở cửa không khác gì với thời kỳ “đổi mới”, trí thức Nga hướng về Tây phương. Chế độ Sô Viết không cảm thấy thoải mái với giới trí thức. Các tiến bộ về kỹ thuật hiện nay ở Trung Cộng như truyền thông, mạng lưới, Broadband giúp chánh quyền Trung Cộng và Việt Nam có khả năng phá hoại mạng lưới truyền thông thế giới. Họ kiêu ngạo về tiến bộ kỹ thật chẳng khác nào thời Sô Viết khi phi thuyền Sputnik được phóng vào quỹ đạo không gian, Tổng bí thư Krushchev đã tuyên bố: “Sô Viết hoàn tất thời kỳ cuối của Xã Hội Chủ Nghĩa”. Họ quên một điều quan trọng là những tiến bộ về khoa học kỹ thuật có tác dụng khác là đánh thức “tinh thần suy nghĩ ‘tự do’” của giới trẻ thập niên 1960. Khi Leonid Bredzhnev bắt hai nhà văn không nổi tiếng họ đã đánh thức phong trào đối kháng. Các nhà văn đối kháng đồng loạt kêu gọi tôn trọng luật pháp, hiến pháp và quyền làm người như trường hợp bà Trần Khải Thanh Thủy ở Việt Nam.
Khi Tổng bí thư Gorbachev “đổi mới” giới trí thức yêu tự do đã vùng lên chống chủ thuyết Stalin và những điều nói láo trắng trợn của đảng Cộng Sản. Ho tìm về giá trị Đa Nguyên, những giá trị như Giáo sư đại học Oxford Isaiah Berlin nhận thức: có hai loại tự do, một loại tự do bình đẳng, một loại tự do giả tạo của Cộng sản không tôn trọng giá trị nhân bản và những nhu cầu căn bản của con người như theo đuổi hạnh phúc, tự do phát biểu và tự do thờ phượng.
Một điều đáng suy ngẫm về cách mạng 1989, theo như sử gia Tony Judt trong cuốn lịch sử Âu Châu, sở dĩ Công giáo Ba Lan thành công trong việc lật đổ chế độ CS là vì sau chiến tranh thế giới thứ hai vì một nguyên nhân không rõ Cộng Sản Ba Lan đã để yên không xâm nhập vào giáo hội nhờ vậy Giáo Hoàng John Paul II đã có một lực lượng nguyên vẹn đánh chống lại đế quốc Sô Viết.
30-4-2010. 35 năm sau ngày xe tăng Cộng Sản tiến về dinh Độc Lập chánh quyền Hà Nội được Hoa Kỳ nuôi dưỡng trở thành một chánh quyền quân phiệt tham nhũng như những chánh quyền Nam Mỹ thập niên 1980.
Nhờ những nhà đấu tranh chúng ta biết được tướng Nguyễn Chí Vịnh cầm đầu Mafia Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cực kỳ tham nhũng. Chúng ta nên cám ơn và giúp đỡ họ. Họ chỉ thực hành lời dậy của ông thầy Cộng Sản Lenin: “còn áp bức, còn đấu tranh”.
Việt Nguyên
(25-4-2010)