Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Một hồi ký về Cách Mạng Văn Hoá Trung Quốc ( Phần I )

Mùa đông khủng khiếp năm 1968
Tác giả: Yukui Liu, Ph.D
Đại kỷ Nguyên     Thứ bảy, 20 Tháng 11 2010 
cach mang van hoa
Tấm bích chương này, trưng bày cuối năm 1966 tại Bắc kinh, chứng tỏ cách đối xử với “kẻ thù của nhân dân” như thế nào trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa (Jean Vincent/AFP/Getty Images)
Tiến sĩ Yukui Liu là một bác sĩ Đông Y hiện đang sống tại Hoa Kỳ. Câu chuyện sau đây là kinh nghiệm cá nhân của ông, của mẹ và cha ông, và của chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc, từ Cách mạng Văn hóa đến ngày hôm nay. Câu chuyện đã được chuẩn bị và sửa chữa thành một cuốn hồi ký được độc quyền đăng tải trên báo Đại Kỷ Nguyên. Tên tuổi đã được thay đổi để bảo vệ các thành viên gia đình vẫn còn ở trong Trung Quốc.

Tôi lớn lên tại nước Trung Hoa Cộng sản, trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa. Cuộc sống của người dân Trung Quốc thật là cay đắng khi cuộc "đấu tranh giai cấp" của nhà nước tràn lan trên đất nước của chúng tôi giống như một ngọn lửa hoang dã của bạo lực, kéo dài mười năm liền. Mặc dù nhân vật chính của câu chuyện này là cha tôi, những thứ gây ra cho Ông ảnh hưởng đến toàn thể gia đình của chúng tôi. Đối với tôi, con trai cả, những sự đau khổ và căng thẳng vẫn hiện diện trong tâm trí của tôi, không bao giờ phai mờ—như thể đã được dự tính bởi chế độ này, nó sử dụng sự tàn bạo cực kỳ đối với các nhân vật ví dụ nhằm truyền rộng sự sợ hãi và khiến cho công chúng phải khuất phục.
Khi tôi lên sáu tuổi, vào năm 1963, trong một thời gian gọi là "Phong trào Giáo dục Xã hội" ngay trước khi cuộc Cách mạng văn hóa, gia đình chúng tôi đã bị trục xuất đến một ngôi làng nhỏ ở miền đông bắc Trung Quốc, vì cha tôi đã nhận được một vài năm giáo dục của Nhật Bản trong thời Thế Chiến Thứ hai. Khu vực chúng tôi bị đẩy đến là nghèo nàn và thiếu phát triển, lại không có phương tiện giao thông chuyển vận hoặc điện, và không có công ăn việc làm. Cha tôi đang là giáo sư đại học, đột nhiên trở thành một nông dân làm lụng để nuôi cả gia đình—gồm có cha mẹ tôi, bà nội, em gái tôi và bản thân tôi. Bởi vì cha tôi chưa bao giờ làm nghề nông, chúng tôi không thể trồng trọt đủ lương thực trên cánh đồng quê, nên chúng tôi đã chịu nhiều cơn đói trong những năm đó. Cha mẹ tôi không có thu nhập nào khác, do đó, mẹ tôi nuôi vài con gà để lấy trứng mang bán, giúp bà có thể mua giấy và bút chì cho tôi đi học.
Mùa đông năm 1968 trở lạnh bất thường, khi đó tôi đã được 11 tuổi. Tuyết tiếp tục rơi mỗi ngày, bao trùm cả thôn làng. Suốt cả mùa đông, chúng tôi không bao giờ nhìn thấy mặt trời hay mặt trăng, trong khi phải chịu đựng những ngày và đêm lạnh buốt đến -30 độ C ( khoảng -22 độ F). Tôi theo học trường tiểu học của thôn làng. Có một ngày, một sự kiện tại trường học đã đánh mạnh vào tâm hồn của tôi không thể nào quên được. Như thường lệ, tôi đi bộ hai dặm đường núi đầy tuyết phủ đến trường. Nhưng khi tôi bước vào lớp học của tôi, không có ai ở đó—không có thầy giáo, không có học trò. Thay vào đó, trên tường được phủ đầy áp phích với các chữ Hán-tự viết bằng bút lông với mực đen. Là một học sinh lớp Tư tôi đã có thể đọc tất cả các chữ Hán, và tôi đã giật mình bởi nội dung của những tấm áp phích. Tất cả được viết để đả kích cha tôi, nói những điều như: "đả đảo tên phản-cách mạng Liu Shibao"
Sợ hãi và bối rối, tôi đi xung quanh trường và nhìn thấy nhiều áp phích hơn ở mọi nơi, khắp cả trường học. Tôi nhận ra rằng nhiều dân làng, kể cả một số học sinh, đã đăng những điều này.
Sự kiện này xẩy ra vào năm thứ ba trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản, một phong trào chính trị phát động bởi đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng năm, 1966, để kiểm soát và thanh trừ những phần tử ưu tú có giáo dục, gồm có những người đi dạy học, các nhà khoa học,v.v.. xuyên qua khủng bố và đàn áp. Phong trào độc ác và phá hoại này kéo dài suốt 10 năm trời và lan rộng trên toàn quốc.
Từ ngày đó, cha tôi được lệnh phải tham dự các cuộc họp phê phán kiểm thảo mỗi đêm, cũng được gọi là “đại hội phê phán” ở Trung Quốc. Hàng trăm dân làng cũng được lệnh của chính quyền đến tham dự và để "đấu tố" các "mục tiêu đấu tố" hay "kẻ thù giai cấp" bằng lời nói, hoặc đôi khi bằng đánh đập, và hành hạ người đó.

Cha tôi đã bị gắn cho cái nhãn hiệu "phần tử phản-cách mạng lịch sử" và bắt buộc phải đeo tấm bảng viết chữ đó gắn trên quần áo của mình trong bất cứ lúc nào, ở nơi công cộng và cả ở nhà. Các buổi họp phê phán đã được tổ chức bởi Ủy ban Lãnh đạo Cách mạng Văn hóa, một cơ quan quản lý đặc biệt của Đảng Cộng sản. Trong các buổi họp cha tôi đã phải quỳ gối hơn ba giờ, trong lúc người ta lớn tiếng chửi mắng ông một cách dữ dội. Người ta la hét lập đi lập lại: "Đánh gục tên Liu Shibao! Đánh gục tên Liu Shibao" Một số người bịa ra các câu chuyện giả mạo về cha tôi, làm cho mọi người ghét ông thêm!. Còn một số người hăng say đến nỗi mất cả bình tĩnh mà chạy đến nhổ nước miếng vào ông và đánh đập ông nữa.
Với kiểu hành hạ lặp đi lặp lại này, từ đêm này qua đêm khác, cha tôi cuối cùng đã tới gần mức kiệt quệ. Ông trở nên bệnh hoạn và kiệt sức, luôn luôn chóng mặt, với nhức đầu, buồn nôn, và đôi khi ông hầu như bị ngất xỉu. Cảm xúc của ông thể hiện qua sự giận dữ, sợ hãi, ghét, tuyệt vọng, không thể giúp được gì và buồn nản.

Chúng tôi rất sợ hãi và lo lắng cho cha tôi. Bà nội tôi khóc suốt ngày. Mẹ tôi và tôi sợ rằng ông có thể chết. Mỗi tối trước khi các cuộc đấu tố bắt đầu, mẹ tôi và tôi núp bên ngoài chỗ họp. Với nhiệt độ khoảng -22 độ F, chúng tôi đã rét run vì lạnh, bàn chân của chúng tôi cũng đau đớn và tê cóng. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn ở đấy để lắng nghe cuộc họp, và để có thể giúp cha tôi, nếu tình hình trở nên nghiêm trọng. Mẹ tôi dự định là nếu cha tôi trở nên quá yếu, chúng tôi sẽ đi vào phòng họp và quỳ xuống trước mặt của dân làng, mà van xin họ dừng lại.
"Nếu họ còn có một chút lương tâm, họ có thể dừng lại, và chúng ta có thể cứu sống cha của con," mẹ nói.
Các buổi đấu tố đôi khi kéo dài đến nửa đêm. Sau khi nó kết thúc, chúng tôi xốc nách cha tôi mà hầu như đã kiệt sức, đi bộ về nhà. Trên đường về nhà, chúng tôi đi qua một cái giếng—cái giếng duy nhất trong làng để mọi người tới lấy nước uống. Mẹ tôi thường sợ nếu cha đi bộ về nhà một mình, ông có thể tự tử bằng cách nhảy xuống giếng. Đây là lý do tại sao mẹ tôi và tôi chờ đợi bên ngoài nơi hội họp trong những đêm rét buốt đó để mang cha tôi trở về nhà.
Những ngày và đêm đen tối như vậy vẫn tiếp tục. Mỗi buổi đấu tố cũng sản xuất thêm những câu chuyện giả dối về cha tôi, vì vậy người dân thù hận chống đối ông đã trở nên quá khích hơn bao giờ hết. Các lời buộc tội giả mạo đó đã được bịa ra dưới áp lực của các người lãnh đạo Ủy ban Lãnh đạo Cách mạng Văn hóa, là các đảng viên đảng Cộng sản. Khi không đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào, các báo cáo chế tạo này đã được sử dụng để vu khống và tiêu diệt ‘kẻ thù’. Chúng được được đọc to lên trước nhân dân và sau đó được dán trên tường trường học và ở tất cả những nơi công cộng trong làng, cho mọi người xem.

Môi trường đám đông như điên cuồng và không có lý trí của các buổi họp đấu tranh giai cấp này tạo ra năng lượng hận thù đến độ thậm chí xô đẩy người dân vào một tình trạng chém giết. Nhiều giáo viên vô tội, các giáo sư, kỹ sư, nhà khoa học, và các nhà lãnh đạo tôn giáo, do đó, bị đánh đập đến chết. Cha tôi cũng đã phải đối diện với tình trạng này. Cả gia đình của chúng tôi lo sợ cha tôi sẽ bị đánh tới chết bất cứ ngày nào.
Một đêm, sau khi buổi đấu tố kết thúc khoảng 1 giờ sáng, tất cả đèn đóm trong làng đã tắt, khắp nơi đều tối và yên tĩnh, chúng tôi có người đến viếng thăm. Gia đình chúng tôi vừa mới chìm vào giấc ngủ, thì mẹ tôi nghe thấy giọng nói của một người đàn ông bên ngoài nhà của chúng tôi, lập đi lập lại : "Anh ơi, mở cửa! Anh ơi, mở cửa!"
Mẹ tôi bỏ tiếng nói qua một bên như thể bà nghĩ rằng nó là ảo ảnh trong đầu vì lo lắng cho cha tôi quá nhiều. Sau đó, tôi cũng tỉnh dậy, nhưng sợ hãi và giữ im lặng. Tuy nhiên, tiếng nói của người đàn ông vẫn như cầu xin, "Anh ơi, mở cửa!"
Chúng tôi cuối cùng đã nhận ra đó là chú của tôi, chồng của cô tôi, người đã ở bên ngoài nhà của chúng tôi trong đêm tối lạnh.lẽo. Ông nói rằng ông có chuyện quan trọng muốn nói cho chúng tôi. 
Chú tôi là một trong những thành viên của Ủy ban Lãnh đạo Cách mạng Văn hóa trong làng của chúng tôi, và là đảng viên Đảng Cộng sản, vả lại ông cũng là một người tham gia chính trong các cuộc họp phê phán cha tôi. Vợ ông, em gái của cha tôi, rất lo lắng về hoàn cảnh của cha tôi, nhưng cô tôi cũng như chú, không thể giữ bất cứ liên hệ nào với chúng tôi, vì bất cứ ai có quan hệ gần gũi với một "kẻ thù" của Cách mạng Văn hóa cũng sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, trong công chúng, chú của tôi đã tích cực tham gia các hoạt động trong các buổi đấu tố cha tôi, nhưng khi chú trở về nhà, ông cảm thấy khổ sở vì mặc cảm tội lỗi, đặc biệt khi ông nhìn thấy vợ mình khóc âm thầm. Đôi khi cô tôi hỏi chú có cách nào để có thể giúp đỡ cha tôi hay không, nhưng câu trả lời của ông luôn luôn là, "tôi không làm được gì cả, tôi cũng thất vọng lắm"
Chú tôi, và vô số hàng triệu người dân Trung Quốc khác, bị mắc kẹt như thế này. Đấu tranh giai cấp, được đưa ra bởi chế độ cộng sản để buộc người dân làm chuyện bẩn thỉu của chế độ cho nó. Bởi vậy nhiều người, đã bị lôi kéo vào vòng phạm tội ác đối với những người khác và làm trái với lương tâm của mình, chỉ vì sợ hãi. Kế hoạch của chế độ là để thay thế lương tri của con người với " Đảng tính." Đảng tính là đặt sự tồn tại của chế độ Cộng sản trước hết, và đối xử với "kẻ thù" không một chút thương xót hay một chút tình nhân loại mặc dù họ có thể là người nhà trong gia đình hoặc là bạn thân.

Chú tôi, rốt cuộc, đã không thể chịu đựng và im lặng nữa vì buổi phê phán kiểm thảo được dự trù tăng lên một cấp khác là tra tấn thể xác cha tôi. Chú nói với chúng tôi rằng đã có một cuộc họp về vấn đề này trong vòng ban lãnh đạo ngày hôm đó, và sau đó họ bắt đầu chuẩn bị tra tấn với nhiều dụng cụ như gạch, dây điện kim loại, roi và gậy. Nó được quyết định là trong cuộc phê phán tới, họ sẽ bắt buộc cha tôi phải quỳ gối trên những viên gạch, và họ dự tính bó một mớ gạch với nhau rồi tròng vào cổ cha tôi. Sau đó họ sẽ có người sử dụng roi sắt và gậy để đánh gục ông ta.
Họ quyết định rằng nếu cha tôi vẫn không thừa nhận là một gián điệp Nhật Bản, họ sẽ đánh ông đến chết. Chú tôi đã từng là bạn thân của cha tôi trước cuộc Cách mạng Văn hóa. Ông biết rằng cha tôi sẽ không thừa nhận những gì không thật. Ông cũng biết lần đấu tố này sẽ là lần cuối cùng, và cha tôi sẽ bị giết chết như đã được dự trù.
Sự mâu thuẫn trong tâm trí của chú tôi càng ngày càng nhiều. Nếu ông giữ im lặng, cha tôi sẽ bị giết chết, và nếu ông cố gắng ngăn chặn những người đó, thì sau đó ông sẽ rơi vào tình cảnh giống như của cha tôi. Nếu ông báo cho cha tôi biết trước, nó sẽ được xem là ông đã tiết lộ bí mật cho kẻ thù, và ông sẽ trở thành một phần tử phản-cách mạng và phải chịu một sự tra tấn như vậy hoặc tệ hơn nữa.
Sau cuộc tranh luận khổ sở trong đầu, chú tôi đã quyết định bí mật đến nhà chúng tôi để thuyết phục cha tôi bỏ chạy. Chú đã đi bộ qua nhiều lớp tuyết dầy đặc trong bóng tối của đêm khuya. Ông phải rất thận trọng và yên lặng không làm cho bất cứ con chó nào sủa lên. Nếu bất cứ ai nhìn thấy chú đi đến nhà của chúng tôi, thì ông sẽ bị bắt giữ ngay lập tức.
Tất cả chúng tôi ngồi trên sàn nhà trong căn phòng tối, nghe chú nói với cha mẹ tôi bằng một giọng thì thầm: "Anh và chị, phải nghe kỹ lời em. Bọn họ đã chuẩn bị mọi thứ để tra tấn anh tại buổi đấu tố ngày mai. Cách duy nhất để cứu mình là chạy trốn trước khi trời hừng sáng, nếu không chúng sẽ giết anh. Em, rốt cuộc, đã quyết định chạy đến báo cho anh biết, bất chấp nguy hiểm cho mạng sống của mình. Bây giờ chỉ còn vài giờ thôi, vậy hãy nhanh lên, chuẩn bị chạy trốn thật xa tới một nơi nào đó!"


Sau đó chú tôi lặng lẽ ra đi, chúng tôi vội vã hành động. Mẹ tôi đã dùng 2 cân Anh bột bánh mì duy nhất mà chúng tôi đã dành dụm cho cả năm để nướng ít bánh khô cho cha tôi mang theo. Tôi ngồi trên sàn nhà, giúp mẹ bằng cách giữ cho ngọn lửa gỗ được tiếp tục cháy.
Chúng tôi đã giúp cha sẵn sàng trong khoảng 30 phút. Tất cả những người trong gia đình của chúng tôi, gồm em gái nhỏ của tôi và bà nội, đã khóc khi chúng tôi nói lời tạm biệt, rồi nhìn dáng cha tôi dần dần tan biến trong bóng tối của đêm bão tuyết
Hành trang chỉ có một ít bánh khô và 50 đồng nhân dân tệ chú tôi đã biếu ông, cha tôi rời gia đình trong một đêm mùa đông lạnh giá năm 1968 để tránh khỏi bị đánh đập đến chết tại buổi đấu tố tối hôm sau.