Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Hướng về Haiti

From: ngoctao pham * binh le

Vài nét về lịch sử, âm nhạc, nghệ thuật, và văn học

Nguyễn Thị Hải Hà

Tap-Tap

Jan Sochor,

Hình chụp cảnh đường bên ngoài

những xe đò tap tap

(xe đò Haiti vẽ hình sặc sỡ)

Nhà văn Junot Diaz bắt đầu quyển truyện dài được giải Pulitzer, Cuộc Đời Ngắn Ngủi Tuyệt Vời của Oscar Wao, bằng một giai thoại về fukú. Fukú là một lời nguyền. Người nào bị vướng vào lời nguyền này sẽ bị khổ đến bảy đời. Tuy quyển tiểu thuyết này nói về những người ở xứ Cộng hòa Dominic nhưng Dominic và Haiti là hai nước láng giềng cùng cư ngụ trên hòn đảo Hispaniola.

Tùy thời điểm, có lúc cả hai quốc gia có cùng chung số phận, thí dụ như cùng bị Hoa Kỳ chiếm đóng, và hai nước cũng có chung một vài giai thoại lịch sử, thí dụ như giai thoại về nữ hoàng Anacaona. Cái fukú mà Junot Diaz nói đến không chỉ đè lên đầu người Dominic.

Nó vượt biên tràn qua bên xứ láng giềng Cộng hòa Haiti và nơi đây nó tác yêu tác quái lộng hành hơn gấp bội lần. Haiti là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và là quốc gia nghèo nhất trong các quốc gia thuộc vùng biển Caribbean.

Người dân xứ này mỗi ngày trung bình chi phí cho cuộc sống chưa đến hai đô la. Vì fukú, nếu người ta tin vào fukú, vận vào quốc gia, người Haiti đã chịu nhiều tai ương, bị Tây Ban Nha bóc lột rồi chuyền tay qua Pháp, Hoa Kỳ chiếm đóng, bị cai trị dưới chế độ độc tài, biến động chính trị năm 2004, bốn lần bị bão lụt năm 2008, và mới đây là trận động đất khủng khiếp bên ngoài Port-Au-Prince, thành phố lớn nhất của Haiti.

Columbus khám phá đảo Hispaniola vào năm 1492 và tuyên bố đảo này tùy thuộc về vương quốc Tây Ban Nha. Haiti chiếm một phần ba diện tích về phía Tây của đảo Hispaniola, lớn thứ nhì trong quần đảo Greater Antilles. Thổ dân sống ở trên quần đảo này là người Taino Indian, nói tiếng Arawakan.

Người Taino sống ở một đảo biệt lập, tự bản thân của họ không có kháng thể để chống những mầm bệnh đến từ những người nơi xa lạ lại thiếu thuốc men. Thực dân cũng giết rất nhiều người Taino bằng cách bắt họ làm nô lệ để khai thác tài nguyên trên đảo vì thế giống dân Taino dần dần đi đến chỗ tuyệt chủng.

Để tiếp tục khai thác tài nguyên, mỏ vàng là chính, người Tây Ban Nha đã mang nô lệ từ Phi châu vào đảo. Cuối những năm 1510 người Pháp bắt đầu đến cư ngụ ở phía Tây đảo Hispaniola. Họ trồng thuốc lá và càng lúc càng phát đạt. Vào năm 1660 người Pháp đến cư ngụ trên đảo rất đông, đủ để tạo nên những cuộc xung đột với người Tây Ban Nha.

Năm 1697 Pháp và Tây Ban Nha ký hiệp ước Ryswick chia cắt đảo Hispaniola. Pháp chiếm cứ 1/3 phía Tây của đảo đặt tên là Saint- Domingue hiện nay là Haiti.

Năm 1790 Saint-Domingue là một thuộc địa giàu có nhở sản xuất đường, cà phê và indigo. Vua Louis XIV cho thực hiện đạo luật đối xử với nô lệ rất tàn nhẫn và người nô lệ không có cơ hội được tự do.

Haiti 2007Rara-painting

Dựa vào bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Pháp ra đời ngày 26 tháng Tám năm 1789, dân nô lệ Phi châu trên đảo tranh đấu đòi tự do hơn một thập niên, từ 1791 cho đến 1803. Những người nô lệ trên đảo Haiti, đã thành công trong việc dùng vũ khí lật đổ chế độ thực dân Pháp và thành lập một chính quyền tự trị.

Quần đảo này lúc bấy giờ bị chia ra nhiều giai cấp gồm có người da trắng vốn là những người chủ đồn điền, người tự do da màu đa số đến từ Mỹ, và những người nô lệ da đen đến từ Phi châu. Giai cấp nô lệ da đen có cuộc sống khốn khổ, đói khát, bệnh tật nên có con số tử vong rất cao và vì thế lực lượng lao động làm việc trên những đồn điền mía thường được bổ sung bằng người nô lệ mới đến từ Phi châu.

Năm 1793 chiến tranh giữa Anh và Pháp xảy ra. Năm 1794, lực lượng quân sự của Pháp ở trên đảo rất yếu, trong khi số nô lệ đông gấp tám lần dân số giai cấp cai trị. Để bảo vệ lực lượng quân sự cùng với sinh mạng, của cải, và quyền lợi của các chủ đồn điền da trắng, Pháp tuyên bố trả tự do cho những người nô lệ trên đảo.

Cuộc cách mạng dành tự do này thật là đẫm máu với con số tử vong rất cao, 100,000 người da đen và 24,000 người da trắng. Tuy nhiên chế độ thực dân vẫn tồn tại trong xã hội Haiti bằng một hình thức khác.

Một nhóm thiểu số, gọi là mulattoes, có màu da trắng hơn do sự kết hợp hôn nhân của người dân với các chủ đồn điền da trắng, nắm quyền lãnh đạo cả hai mặt chính trị và kinh tế. Người lãnh đạo nổi bật nhất của Haiti trong cuộc cách mạng lật đổ chế độ Pháp là Toussaint L’Ouverture.

Năm 1804 Đại tướng Dessalines, lãnh tụ cách mạng của Haiti, tuyên bố độc lập ra lệnh thành lập hiến pháp xác định quyền tự do tôn giáo, không cho phép người ngoại quốc được sở hữu đất đai trên đảo và nếu người Pháp âm mưu tái thiết lập chế độ sở hữu nô lệ cả nước sẽ đứng dậy chống trả.

Dessalines được phong vương nhưng bị ám sát năm 1806. Quốc gia này bị chia làm hai phần Christophe chiếm phía Bắc và Pétion biến miền Nam thành Cộng hòa Haiti. Pétion tự đổi chức vụ của mình thành Tổng thống và khi ông chết chức vụ của ông thuộc về Jean Pierre Boyer.

Khi Christophe qua đời, Boyer thống nhất Haiti và giữ chức vị Tổng thống cho đến khi ông bị lật đổ năm 1843. Để được chính quyền Pháp chấp nhận chính phủ của mình Boyer đã phải trả một món tiền rất lớn để bồi thường tài sản của người Pháp trên đảo.

Để trả món nợ này ông phải vay tiền của Pháp và từ đó quốc gia Haiti phải mang nợ. Trong 200 năm lịch sử Haiti bị đảo chánh thay đổi chế độ 32 lần. Quyền cai trị trong nước rơi vào tay những nhà tài phiệt ngoại quốc như Đức, Hoa Kỳ, Anh và Pháp.

Năm 1912 người Syrians sống ở Haiti dàn xếp một cuộc đảo chánh tiêu hủy cả dinh Tổng thống. Nhiều lần các lực lượng ngoại quốc trong đó có Hoa Kỳ và các nước khác đã cướp tiền trong ngân hàng quốc gia của Haiti.

Các nhà chính khách lưu vong Haiti đã tài trợ tiền bạc và vũ khí để chống lại những lực lượng ngoại quốc này. Tháng Giêng năm 1914, Anh, Đức, và Hoa Kỳ đổ Thủy quân lục chiến lên đảo Haiti bảo rằng để bảo vệ tài sản và người dân của họ.

Hoa Kỳ chiếm đóng Haiti từ năm 1915 đến năm 1934. Charlemagne Péralte lãnh đạo nông dân, những người này được mệnh danh là cacos, chống lại cuộc chiếm đóng này. Thiếu tướng Hoa Kỳ George Barnett cho chính thức điều tra lời vu cáo là nông dân trên đảo đã giết hại lính Thủy quân lục chiến Mỹ đã chiếm đóng đảo.

Ông ta khám phá là 3250 dân bản xứ và 98 người lính bị giết trong cuộc nổi dậy này. Năm 1922, Hoa Kỳ giúp xây dựng 1600 kí lô mét đường giao thông, hệ thống điện thoại, và phát triển hải cảng. Nhiều hàng hóa được xuất cảng như đường, gai sợi, và bông vải.

Tuy nhiên sự xuất cảng này không lâu dài vì Haiti bị thiếu lực lượng lao động. Khoảng 40,000 công nhân của Haiti đã ký hợp đồng lao động với Cuba từ 1913 đến 1931. Năm 1932 Tổng thống Roosevelt ra lệnh rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Haiti.

Chính quyền xứ Haiti giải tán hệ thống luật pháp cũ, xây dựng cầu đường và thành lập quân đội bảo vệ quốc gia sau khi Mỹ rút quân khỏi Haiti. Một số học giả nhận xét là sau cuộc chiếm đóng đời sống Haiti có vẻ sáng sủa hơn tuy nhiên cũng có nhiều người buộc tội là Hoa Kỳ đã thành lập một chính sách kinh tế không hữu hiệu đưa Haiti đến chỗ suy sụp về mặt tài chính.

Hoa Kỳ cũng thiết lập đường biên giới của Haiti và Dominic, mà hai nước đang tranh giành, bằng cách lấy đất của Dominic cho Haiti. Sau khi Hoa Kỳ rút quân, năm 1937 Trujillo, nhà lãnh đạo độc tài của Dominic xua quân tràn qua qua biên giới Haiti.

Trong ba ngày quân đội Dominic đã giết từ 10,000 đến 20,000 người Haiti trong cuộc tàn sát chủng tộc Parsley. Trong tác phẩm Cuộc Đời Ngắn Ngủi Tuyệt Vời của Oscar Wao, tác giả Junot Diaz cũng buộc tội Hoa Kỳ đã dùng chính sách cắt đặt những nhà lãnh đạo độc tài tàn ác để lãnh đạo các quốc gia nhược tiểu trong đó có Cộng hòa Dominic và Cộng hòa Haiti.

Haiti nguyên thủy là chữ Ayiti có nghĩa là đất của núi cao do người Taino đặt cho vùng núi ở phía Tây của đảo Hispaniola. Nền văn hóa của Haiti là sự kết hợp phong phú của các nền văn hóa như Pháp, Phi châu, Taino, và Tây Ban Nha. Tranh ảnh và tác phẩm điêu khắc của Haiti nổi tiếng trên thế giới với màu sắc linh động, và ảnh hưởng bởi những biểu tượng Vodou.

Nổi tiếng với truyền thống lâu đời về văn chương truyền khẩu bắt nguồn từ Phi châu và theo chân những người nô lệ đến Hispaniola từ thế kỷ 15, Haiti là nơi tập hợp rất nhiều nhân tài về văn chương và nghệ thuật. Về hội họa Jean-Michel Basquiat, Saincilus Ismael, và Délouis Jean-Luis là những tên tuổi được chú ý nhiều.

John James Audubon, nhà điểu học cũng là họa sĩ nổi tiếng, sinh năm 1875 ở Les Cayes, Saint-Domingue, đã có công sưu tập, phân loại, miêu tả và sắp xếp có hệ thống các loại chim ở khu vực Bắc Mỹ.

Nền âm nhạc của Haiti phần lớn chịu ảnh hưởng âm nhạc châu Âu thời thuộc địa và châu Phi qua những cuộc di dân của nô lệ.

Bên cạnh nền âm nhạc Pháp, nhạc của Haiti cũng chịu ảnh hưởng của nhạc Tây Ban Nha đi qua ngõ Cuba và Cộng hòa Dominic. Âm nhạc đặc thù của Haiti gồm có âm nhạc từ tín ngưỡng vodou và Compas là một hình thức nhạc merengue rất thịnh hành.

Loại nhạc này được gọi là meringue ở Cộng hòa Dominic. Dòng nhạc này rất phổ biến ở những cộng đồng có sắc thái Tây Ban Nha trên đất Mỹ. Một trong những nghệ sĩ âm nhạc hip hop nổi tiếng hiện nay là Wyclef Jean.

Haiti sử dụng hai ngôn ngữ. Pháp ngữ và Creyol. Do tình hình kinh tế chính trị bất an người Haiti sống lưu lạc ở khắp nơi trên thế giới, đa số ở Hoa Kỳ, Canada, Cuba, Dominic, Turks và Caicos, Venezuela, France, French Antilles, French Guiana. Michaelle Jean, Governor General of Canada là người tị nạn Haiti đến Canada khi 11 tuổi.

Về văn học, thế kỷ 19 Alexandre Dumas, nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm như Ba Chàng Ngự LâmBá tước Monte Cristo, có mẹ là người Haiti và đó là lý do ông thường bị xem là người da đen cho dù ông có nửa dòng máu Pháp.

Gần đây, trận động đất ngày thứ Ba 12 tháng Giêng năm 2010 đã làm thiệt hại một văn tài của Haiti đó là nhà văn Georges Anglade. Theo triết gia và tiểu luận gia John Ralston Saul, Georges Anglade là một đồng minh đáng quí trên mặt trận tranh đấu cho tự do ngôn luận và bảo vệ nền văn hóa của các nhóm thiểu số.

Ông cũng là đối thủ ghê gớm khi cần phải bảo vệ quan điểm của mình. Là một trong những nhà văn tiên phong đã xây dựng mối liên hệ mật thiết của Haiti và Canada, Anglade cũng là một trong những người đã sáng lập Đại học Quebec ở Montreal.

Một trong những khuôn mặt quan trọng trong việc phát triển quốc gia Haiti cận đại, Georges Anglade làm phong phú cả hai nền văn học Haiti và Canada, nổi tiếng với những bài lodyan, một hình thức tiểu luận, tùy bút, hay thuyết trình, ngắn, khôi hài, thẳng thắn, và dữ dội.

Một trong những lodyan được nhắc nhở nhiều là một bài diễn tả cuộc thương lượng của Đức Giáo Hoàng và Castro, đặt vấn đề ai phải là người trả giá, trả giá bằng cái gì, và trả cho ai, để cuộc viếng thăm Cuba của Đức Giáo Hoàng được thực hiện.

Cuộc viếng thăm này được xem tương đương với cuộc thăm viếng Cuba của Thủ tướng Canada. Anglade là một trong những khuôn mặt chính đã góp phần trong công cuộc xây dựng một đời sống ổn định cho quốc gia Haiti.

Bị tù năm 1974, bị lưu đày xa xứ hai lần, sống hai nơi Canada và Haiti, tham gia nội các Haiti với hy vọng cải thiện đời sống dân tộc, nỗ lực cuối cùng của ông là xây đựng PEN- Haiti và PEN-Quebec kết hợp các nhà văn sống ở hải ngoại và các nhà văn sống ở Haiti.. Mất ông trong cuộc động đất là một thiệt hại lớn lao cho Haiti và Canada.

Lịch sử Haiti là một lịch sử đẫm máu, tranh đấu trường kỳ để được tự do và no cơm ấm áo. Bị chiếm đóng, bị bóc lột, mỗi một lần cường quốc rút lui là mỗi một lần Haiti trơ xương và chảy máu, và đó cũng là một lần nữa Haiti gượng dậy, tuy thoi thóp nhưng cố gắng phục hồi.

Madison Smartt Bell, giáo sư dạy môn văn chương ở Đại học Goucher (tiểu bang Maryland) và tác giả bộ sách về cuộc cách mạng chống Pháp của dân Haiti dưới sự lãnh đạo của Toussaint L’Ouverture, nói về khả năng phục hồi của Haiti sau trận động đất như sau:

Ngày hôm nay là một ngày thích hợp để nhớ rằng ở Haiti không có người nào chết thật sự cả. Hằng ngàn người thân thể bị đè bẹp hơi thở của họ bị tước đoạt và hằng ngàn người sau đó không thể sống sót vì hậu quả ở trong trận động đất vừa qua, sẽ trải qua một giai đoạn chuyển dịch theo quan niệm Vodou của người Haiti, một hình thức tín ngưỡng được nhiều người tham dự.

Linh hồn của những người Haiti đã chết – sa nou pa we yo, những người mà chúng ta không nhìn thấy – sẽ không ra đi như trong các tôn giáo khác, trái lại họ sẽ sống kề cận với những người còn đang sống, vô hình nhưng vẫn ràng buộc, chiếm hữu một thế giới song song ở bên kia của bất cứ tấm gương nào, phía dưới mặt nước, hay chỉ ở phía sau bất cứ tấm mạng nào đã che chắn cách biệt chúng ta và những giấc mơ

(trích từ Haiti in Ink and Tears- A Literary Sampler (Haiti Trong Mực và Nuớc Mắt – Một Mẫu Văn Chương) đăng trên tờ New York Times).

edwidge danticat portrait

Nhà văn Edwidge Danticat

Một trong những nhà văn Haiti được giới văn học Hoa Kỳ nhắc nhở rất nhiều trong văn học đương đại là nhà văn Edwidge Danticat. Sinh ngày 19 tháng Giêng năm 1969 bà đến Brooklyn năm 12 tuổi, đoàn tụ với bố mẹ đã di dân từ mười năm trước.

Edwidge Danticat bắt đầu viết rất sớm. Tác phẩm đầu tay của bà xuất hiện trên tạp chí văn chương Hoa Kỳ dành cho thiếu niên và bà xuất bản sách đều đặn kể từ khi ấy. Các tác phẩm của bà thường nói về đời sống của người Haiti ở hải ngoại cũng như trong nước.

Tác phẩm của gà gồm có Breath, Eyes, Memory (Hơi Thở, Mắt và Ký Ức) được chương trình Oprah’s Book Club giới thiệu. Quyển Krik? Krak! vào chung kết và quyển The Farming Bones (Xương Cầy) được giải thưởng the National Book Award. Bà cũng được tài trợ của McArthur Foundation.

Quyển hồi ký Brother, I’m Dying được giải thưởng National Book Critics Circle Award năm 2008. Trong quyển hồi ký này (xin tạm dịch Em ơi, anh đang chết dần mòn) nhà văn đã kể lại câu chuyện người bác đã được 81 tuổi.

Người bác, Joseph, này đã nuôi bà, lúc ấy mới 2 tuổi, và em trai của bà trong khi bố mẹ bà tìm cách sinh sống ở Mỹ. Đối với Danticat, ông bác này như là người bố thứ hai của bà. Vốn là một mục sư, năm 2004 ông tị nạn sang Mỹ vì bị đe dọa tính mệnh.

Tuy có giấy thông hành nhập cảnh hẳn hoi, ông bị giam giữ và không được dùng thuốc men vì người ta nghi ngờ ông giả bộ bệnh hoạn. Ông qua đời trong lúc bị giam. Nhà văn Yvonne Zipp, trong một bài điểm sách, đã nhận xét về quyển sách này như sau:

“Nếu có một cái gì đó tuy là một thảm kịch nhưng lại làm ấm lòng người thì quyển sách Brother, I’m Dying là một thí dụ làm người ta sững sờ kinh ngạc. Cũng như quyển truyện dài rất tuyệt The Dew Breaker (Người Đánh Vỡ Giọt Sương) bà đã viết năm 2004, Danticat dùng kinh nghiệm bản thân để nói về tác động của di sản quốc gia.

Tuy thế, bà tránh được cách bộc lộ giận dữ cay đắng – một điều không phải dễ dàng nếu không nói là bất khả thi – ngay cả khi đọc về cách người bác bị đối xử khi bị bắt giữ khó mà không cảm thấy giận sôi gan. Điểm đặc biệt của quyển hồi ký này là sự rộng lượng, đức tính và phẩm hạnh của cha và bác của bà, đồng thời nó cũng nói lên tình thương của bà dành cho cả hai người.”

Trong một cuộc phỏng vấn của CNN bà cho biết vẫn chưa biết tin tức về một số thân nhân của bà và của gia đình chồng sau vụ động đất. Bà nói “rất có thể tôi đã mất một người thân nhưng đồng thời tôi cũng mất quốc gia tôi” vì châm ngôn của người Haiti là “đoàn kết gây sức mạnh.”

Edwidge Danticat nói về đặc tính kiên trì của người Haiti như sau:

Người Haiti có một tục ngữ có thể làm phật ý (một số người) về vẻ đẹp của phụ nữ. Nou led, Nou la. Chúng tôi xấu xí, nhưng chúng tôi có mặt. Như một sự khiêm nhường rất thường thấy trong phong tục của Haiti, câu tục ngữ này cho thấy sự sâu sắc của phụ nữ Haiti quan trọng hơn là việc giữ gìn nhan sắc.

Đối với đa số chúng tôi, điều đáng ca ngợi là sự hiện diện của chúng tôi, cho dù trải qua bao nhiêu nghịch cảnh chúng tôi vẫn tồn tại. Đối với những người phụ nữ khi họ chào nhau ở những con đường quê bằng câu tục ngữ này, tinh túy của cuộc đời nằm trong sự sinh tồn. Đối với phụ nữ chúng tôi điều quan trọng là chúng tôi đã sống thêm một ngày nữa để ứng phó với cuộc sống thường khi khó khăn và đầy đau đớn.

Như đã nói ở phần trên, cả hai xứ Haiti và Dominic đều ngưỡng mộ Anacaona, bà được mệnh danh Đóa Hoa Vàng[1]. Là một trong những phụ nữ lập quốc của Tân Thế Giới cũng là người Indian đẹp nhất thế giới, Anacaona là vợ của Caonabo, một trong năm caciques (trưởng vùng ) đã cai trị đảo Hispaniola vào thời đảo này mới được “khám phá.”

Theo Bartolomé de lá Casas, bà là “một người phụ nữ rất thận trọng và có rất nhiều quyền hành, rất quý phái; cử chỉ, thái độ, và cách nói chuyện rất duyên dáng.” Người bình dân nói khác, ngắn gọn hơn. Bà ta rất hấp dẫn, và can đảm như một chiến sĩ.

Khi những người Âu Châu bắt đầu giết người Tainos, họ giết chồng của Anacaona trước. Và cũng như các nữ chiến sĩ dũng cảm, bà kêu gọi dân chống lại. Người Âu Châu tàn sát hết tập thể này đến tập thể khác để ngăn chận cuộc nổi dậy của dân bản xứ. Lúc bị bắt, Anacaona cố gắng thử thuyết phục người châu Âu: “Giết chóc không phải là một việc làm đáng ca ngợi, bạo động cũng chẳng khôi phục danh dự của chúng ta.

Xin hãy cùng nhau xây dựng một chiếc cầu nối liền yêu thương mà kẻ thù của chúng ta có thể vượt qua, để lại dấu chân của họ cho chúng ta cùng nhận thấy.” Nhưng người Tây Ban Nha chẳng muốn xây cầu yêu thương. Sau một cuộc xử án giả tạo, họ treo cổ Anacaona ở Santo Domingo dưới bóng một trong những giáo đường xây đầu tiên

(trích dẫn trong quyển Cuộc Đời Ngắn Ngủi Tuyệt Vời của Oscar Wao của Junot Diaz).

Khó khăn nhiều, tai ương cũng lắm, đôi khi dân tộc Haiti bị dồn vào tình thế tuyệt vọng đến độ họ chẳng thể làm gì khác hơn là cười vào mặt cái chết.

Nguồn:
Tổng hợp từ Wikipedia, Democracynow. org, theglobeandmail. com, The New York Times, cnn.com, và csmonitor.com.