Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010

TRUYỆN

From: Trang Tran* Khoi Ta
Vài nét mặt người Việt ở Paris
          Nguyễn thị Cỏ May
Cách nay ít lâu, trên thị trường sách vở tiếng Việt ở Paris xuất hiện một quyển sách dịch từ tác giả người Tàu, Bá Dương, có tựa là Người Trung Quốc Xấu Xí . Sách do ông Nguyễn Hồi Thủ dịch, đã thu hút sự chú ý của khá nhiều độc giả người Việt. Cỏ May dám quả quyết như vậy vì nhiều người Việt Nam, cả các bà già trầu, tức những người không từng quan tâm đến chữ nghĩa, cũng đã tìm hoặc nhờ mua để đọc qua cho biết.


Ông Bá Dương sanh năm 1929 ở lục địa. Năm 1949, ông chạy qua Đài Loan tỵ nạn cộng sản Mao Trạch Đông. Trong 30 năm sanh sống ở Đài Loan, ông viết tiểu thuyết 10 năm, viết tạp văn 10 năm và ở tù 10 năm.
Cái tựa sách Người Trung Quốc Xấu Xí để gợi nhớ trước đó đã từng có Người Mỹ Ưu Tư, Người Mỹ Trầm Lặng, Người Nhựt Xấu Xí,… nhưng Người Việt Cao Quí.
Điều đã làm cho các bà già trầu chỉ mê phim bộ nay đọc Người Trung Quốc Xấu Xí vì các bà nghe nói Người Trung Quốc Xấu Xí sao mà giống hệt người mình quá!
Ai đã đọc qua rồi đều thừa nhận trong Người Trung Quốc Xấu Xí hiện rõ nét bóng dáng Việt Nam như ông Bá Dương viết về người Việt mình vậy.
Theo lịch sử Tàu thì họ ở phía bắc sông Dương Tử, còn Việt Nam là Nam man, thuộc một trong nhóm Bách Việt, ở vế phía nam sông Dương Tử. Như vậy Việt Nam đâu có họ hàng xa gần gì với người Tàu mà giống nhau được. Chẳng lẽ vì Việt Nam là con cháu Thần nông mà không giống lông cũng giống cánh?
Cỏ May sẽ trích dẫn một vài đoạn văn của ông Bá Dương mô tả Người Trung Quốc Xấu Xí để bạn đọc nhận diện và so sánh với người Việt Nam mình.
Giờ đây Cỏ May nói về một nét sinh hoạt xã hội ở Paris trong đó không thiếu bóng dáng người Việt ta.
Ở Pháp, đặc biệt tại những thành phố lớn như Paris, có nhiều tiệm cà-phê bán thuốc hút và vé số (lô-tô), cá ngựa. Thuốc hút do Chánh phủ độc quyền nên chỉ bán ở những địa điểm nhứt định. Người muốn hành nghề này phải là công dân Pháp và cựu quân nhân. Người khác phải mua lại môn bài. Bán vé số và cá ngựa thì điều kiện sang lại dễ dàng hơn như bán cà-phê.
Tại những Bar-Tabac-PMU, tức Cà-phê, Bar,Thuốc lá và Cá ngựa luôn luôn đông khách, phần lớn là người Rệp (Á-rặp), đen. Người Việt Bam chỉ là số ít vì trên cả nước Pháp cũng chỉ không quá 200,000 dân sanh sống. Nhưng không vắng mặt.
Trong số người đánh cá ngựa có lắm người sạt nghiệp. Nhưng họ vẫn mê sai như người ghiền mê thuốc phiện hay xì-ke. Theo họ ‘đánh cá ngựa là để sống’. Có người biết ‘cá ngựa là một thứ bịnh’ nhưng không muốn chữa trị cho dứt. Một phụ nữ Pháp, y tá Quốc gia nay hưu trí, mê cá ngựa và chơi suốt 40 năm mà không một lần được trúng. Bà than ‘đời bà không bao giờ được may mắn’!
Một phụ nữ khác sẵn sàng trả lời những người chung quanh về đặc tính của con ngựa này, con ngựa kia, những lần về nhứt,… Ở Bar-Tabac-PMU còn là nơi để người ta nói chuyện chơi với nhau, uống với nhau một ly. Có người chọn nơi này để tìm giải thoát khỏi đời sống nhàm chán hằng ngày. Một người ăn xin thường có mặt ở đây, sau khi sạch túi, mơ màng ngày mai sẽ xin được nhiều tiền hơn để đánh một mẻ lớn. May ra…
Người Việt ta ngồi chụm lại với nhau chung một bàn để bàn luận nên đánh con ngựa nào. Đối với phe ta, Bar-Tabac-PMU cũng giống như dân Tây là nơi hẹn hò nhau trong đam mê cá ngựa.
Ở Hòa Lan và Anh, trước đây người bản xứ gọi người Việt là ‘Việt chả giò’ vói ý thân thiện vì họ thích món chả giò của Việt Nam. Nay họ gọi bằng danh từ mới ‘Việt chả giò cần sa’. Danh từ này mới xuất hiện từ ít lâu nay, khi có người Việt gốc Đông Âu đến sanh sống hoặc đến từ Miền Bắc Việt Nam theo diện đoàn tụ gia đình. Đi làm ăn lãnh lương tháng vất vả nên họ chuyển qua trồng tỉa nhỏ. Họ trồng trong nhà chừng 10 cây cần sa trong vòng vài tháng, thu hoặch được ít nhứt 10 kg cần sa, đem bán mỗi ký từ 1000 đến 1300 euros. Nếu bị bắt, người trồng sẽ bị phạt có lợi tức không khai để đóng thuế. Trồng cần sa nhiều hơn qui định và không cho nhu cầu tự tiêu thụ hoặc tự chữa bịnh bị phạt 40 giờ lao động xã hội chủ nghĩa, tức lao động cho công ích như đi quét hoặc chăm sóc cây kiểng ở công viên. Nếu không muốn làm việc này để tránh có người thấy thì đi lao chùi bàn ghế công sở.
Về pháp lý, Bar-Tabac-PMU là những cơ sở thương mãi tư nhân khai thác do Bộ Canh nông và Bộ Ngân sách quản lý thu tiền đánh cá của dân chúng ngoài hệ thống Trường đua. Hằng năm, hệ thống cá ngựa loại này thu về cho Nhà nước 1 tỷ euros và tăng đều 9%. Người Việt ta chỉ đánh cá ngựa ở Cà-phê chớ chưa đủ điều kiện đến chơi tại trường đua.
Riêng tại thành phố Cỏ May ở chỉ là một thành phố nhỏ thuộc ngoại ô Paris, gốc nông nghiệp mà ngày nay chỉ còn một loại phô-mai Brie nổi tiếng, có vài ba tiệm Cà-phê có đánh cá ngựa.
Mỗi Cà-phê là một nơi gặp gở riêng của từng nhóm người Việt ta.
Một hôm Cỏ May đến Cà-phê mua một con tem của Bộ Tài chánh phát hành để trả thuế. Người chủ tiệm mới mua lại cửa hàng của người Pháp trước kia là Việt Nam, thấy Cỏ May cũng là Việt Nam nên hỏi :
-          ‘Việt Nam, sao không thấy tới đây bao giờ hết vậy?’
-          ‘Tới để làm gì ?’
-          ‘Để đánh cá ngựa.’
-          ‘Vậy phải đánh cá ngựa, mới là Việt Nam sao?’
Ở những nơi khác, Cỏ May không biết người Việt ta có mê cá ngựa và đánh Casino hay không. Ở Pháp, đời sống khó khăn. Phần lớn người Việt đến đây sau năm 1975 nếu không có ngành chuyên môn về khoa học kỹ thuật cao, như kỹ sư Trường Lớn của Pháp hoặc Nha Y sĩ (dược phải học lại rất nhiều nên ít người hành nghề lại dược), thường phải chấp nhận làm những nghề dưới khả năng của mình và lương thấp. Thế mà họ vẫn dành dụm để cuối tuần đi chơi Casino. Có những người làm nghề may mướn hoặc làm chả giò bán, cuối tuần thua sạch túi.
Casino ở Pháp sau năm 1981, Chánh phủ đóng cửa một số lớn. Những Casino còn lại đã có từ lâu đời. Muốn vào chơi phải ăn mặc chỉnh tề, mang giày Basket hay đi dép, áo bỏ ngoài, … không được vào. Khi vào, phải nói rõ với người gác cửa sẽ chơi môn gì để người gác cửa hướng dẫn thẳng đến phòng đó.
Cách nay ít lâu, có một bà người Việt ta mang bầu vào Casino mê ăn thua đến nổi phải đẻ trong Casino. Từ đó, Casino được lệnh không cho các bà người Việt có bầu vào Casino nữa.
Cỏ May nhận thấy người Việt ở Paris thuộc giới ‘bình dân’ khá đông đều mê cá ngựa và Casino. Số tiền họ mua cỏ cho ngựa ăn hay giúp Casino mở mang rất lớn so với lợi tức của họ. Cỏ May không hiểu tại sao có hiện tượng này. Vì đời sống khó khăn nên nuôi hi vọng làm giàu chớp nhoáng? Hay vì ngày mai không có gì bảo đảm mà sống chụp giựt qua ngày? Bản tánh cần cù, chịu khó, như sách vở nói, ở đâu sao không thấy?
Đam mê cờ bạc là một nét nổi bật khá rõ ở người Việt Paris.
Còn những nét tiêu biểu khác, Cỏ May mời bạn đọc vài đoạn trích dẫn trong quyển Người Trung Quốc Xấu Xí của Bá Dương để mình nhận diện mình:
Về đoàn kết
‘… có thể nói, mỗi người Trung Quốc đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên thì chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở bên dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư. Người Trung Quốc ở một vị trí đơn độc như trong phòng nghiên cứu, trong trường thi - nơi không cần quan hệ với người khác - thì có thể phát triển tốt. Nhưng nếu ba người Trung Quốc hợp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi, hoặc thậm chí không bằng một con giòi nữa. Bởi vì người Trung Quốc có biệt tài đấu đá lẫn nhau. Chỗ nào có người Trung Quốc là có đấu đá, người Trung Quốc vĩnh viễn không đoàn kết được....(tr.30)’
Tánh tự ty và tự tôn
Đường đường là một nước lớn. Thế mà thay vì có một tấm lòng bao la, người Trung Quốc lại có một tâm địa thật hẹp hòi (tr. 40)... đưa đến một đằng tuyệt đối tự ty, một đằng tuyệt đối tự kiêu. Lúc tự ty thì thành ra tôi tớ, nghĩ mình không bằng đống phân chó. Lúc tự kiêu thì thành ông chủ, xem mọi người đều là cứt chó hết (...)
Viết được dăm ba bài văn là đã thành văn hào. Đóng được hai bộ phim đã là ngôi sao sáng của nền điện ảnh. Hai năm có được ít chức quyền nghiễm nhiên có thể cho mình là cứu tinh của nhân dân. Qua Mỹ học được hai năm đã trở thành một học giả chuyên gia (tr. 41)
Theo tác giả, ấy do tội lỗi của đám Hủ Nho đã bóp chết khả năng suy xét, tưởng tượng chẳng khác nào lấy cái túi nhựa bịt kín bộ não lại. Ông gọi là hũ tương văn hoá Trung Quốc (dẫu có vứt mứt đào vào rồi cũng sẽ biến thành cứt khô) (tr.48)
Nếu người dân không tự nuôi dưỡng được cho mình cái trình độ phán đoán đánh giá những lãnh đạo của mình thì chẳng có lý do gì để trách ai cả. Đi tôn thờ một kẻ không tôn thờ được thì còn trách ai một khi kẻ đó cưỡi lên đầu lên cổ mình? (...) Dân chủ là một cái gì phải tự mình giành giật được, chẳng ai ban phát cho cả (tr 49)

Người Trung Quốc là cái vại tương
Trong bài Người Trung Quốc và cái vại tương, Bá Dương chê người Trung Quốc ưa làm quan, phong kiến, khi phán xét, suy luận, không dùng lý trí mà nặng về cảm tính; xã hội dựa trên tiêu chuẩn chính trị đạo đức thời phong kiến hủ Nho, đặt lợi ích của người làm quan lên trên. Lâu ngày, những thói tục xấu xa ăn sâu vào "nhiễm thể",…
Dân vi quí, quân vi khinh (dân là quí, vua là thường). Đấy chỉ là một thứ lý tưởng mà Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện (tr. 62). Người Trung Hoa xưa nay có bao giờ biết dân chủ, tự do, pháp trị là gì. Tuy có người bảo chúng ta cũng có tự do, có thể chửi cả hoàng đế, song thật ra quyền tự do của chúng ta rất có hạn, bị kẻ thống trị khống chế trong phạm vi cho phép (....) Phạm vi của tự do rất hẹp hòi. Đương nhiên có thể có cái tự do suy nghĩ vớ vẩn chứ các khái niệm dân chủ, pháp trị thì hoàn toàn chẳng có (tr.65)

Bá Dương liệt kê năm khuyết điểm
Khuyết điểm thứ nhất là vì nhân quyền, nhân tính, phẩm giá con người bị chế độ và xã hội phong kiến chà đạp trong suốt 5000 năm, khiến dân không còn lòng tự trọng (?) cái tự trọng còn lại chẳng qua cũng chỉ là cái tinh thần tự dối mình như AQ trong truyện của Lỗ Tấn (...). Ví dụ tôi đến thăm anh, thấy anh nhà cao cửa rộng (....) lúc ra khỏi nhà anh lại bảo "Ở nhà đẹp thế! Không biết ăn cắp hay ăn cướp ở đâu ra lắm tiền! Cầu trời cho ngày mai có đám cháy thiêu rụi cái nhà nó đi cho rồi!" Tâm lý (...) bị ức chế lâu ngày chỉ biết dùng cái tinh thần đó để tự thoả mãn. (tr. 80).
Khuyết điểm thứ hai là 4000 năm chiến tranh liên miên chỉ vì bần cùng, giết chóc, đố kỵ một cách lâu dài thành ra lòng dạ chúng ta thành hẹp hòi (tr.82).
Khuyết điểm thứ ba là chế độ khoa cử, quan trường, tạo ra một tầng lớp Quan liêu chẳng trung thành với quốc gia lãnh tụ gì cả, chỉ tận tâm tận lực với kẻ cất nhắc nó lên làm quan (tr 85)….
Cái xã hội ăn chơi, phù hoa là nơi các quan ra oai, tự nhiên hình thành một hệ thống tương hỗ bao che giữa các quan với nhau - một quan hệ vô cùng phức tạp. (tr 86) (.....) phức tạp đến độ một người lành mạnh không thể nào chịu nổi (tr.89)
Tinh thần Nho giáo bảo thủ, là khuyết điểm thứ tư, khiến xã hội mất hết sức sáng tạo, mất tập quán tự tìm hiểu, tự phê phán (tr 93)
Và nạn nhân mãn là khuyết điểm (cuối cùng), Trung Quốc quá đông, nghèo khổ quá lớn, quan trường quá mạnh, cạnh tranh quá khắc nghiệt, những lý do này sinh ra nơi người Trung Quốc cái hiện tượng bẩn, loạn, ồn, xâu xé lẫn nhau (...) Tôi cho là Trung Quốc là một nước tuyệt đối không trọng lễ nghĩa. Người Trung Quốc thật thô lỗ... (tr 96) Người Trung Quốc thông minh (....) đến độ khi bị đem đến lò sát sinh, còn cố cò kè về giá cả của mình, nếu kiếm thêm được vài đồng thì chết rất hả hê. Cái kiểu thông minh quá cỡ này nhất định sẽ thành kiểu ích kỷ quá cỡ. (...) người nào mà không suy nghĩ một cách ích kỷ, cư xử một cách ích kỷ đều bị chế diễu là ngu ngốc (tr.99) 
Quan hệ giữa dân với Chánh quyền
(...)  Phe nắm quyền, đối với thứ dân (...) bố thí, ban phát cho để tỏ ra mình đại lượng, khẳng khái. Sự thực là giữa người và người đầy những "cung kính" và "sợ sệt". Có nhiều người vì kính mà thành sợ, chẳng khác nào con đối với cha. Có nhiều người vì sợ thành ra kính, giống gái đĩ đối với khách làng chơi, như đại thần đối với hoàng đế, tiện dân đối với quan lại, tù nhân đối với cai ngục.(tr.115)
Tính ích kỷ quá mức được thể hiện ở chỗ không tuân thủ kỹ luật chung và lúc nào cũng mưu lợi riêng.
Ôi! Một kế hoạch, một phương pháp, một hội nghị, một quyết sách, thậm chí một vụ kiện cũng chỉ đều là cái cớ để (.....) nghĩ ngay rằng trong việc này mình có lợi gì không? hoặc ta sẽ kiếm chác (...) được hưởng quyền hành gì (....) được trách nhiệm lớn hay nhỏ? (....) đều lòng vòng trên những thứ đó. Bề trên cũng vậy, cấp dưới cũng thế. Cả anh cả tôi cũng rứa, mọi người đều ôm lấy chúng đến chết cũng không buông (tr. 119). Cái kiểu nhà Nho, mồm không nói đến lợi, đến tiền nhưng lòng dạ lại đầy ứ những quan niệm què quặt về lợi tiền (tr.121).
Các bạn với Cỏ May, ta hãy tìm đọc Người Việt Cao Quí.


Nguyễn thị Cỏ May