From: Sung Truong * Loc Vu * Nhatlung
Cau chuyện đau thương của một bác sĩ Việt còn trẻ nhưng rất yêu đời cho đến giờ phút lìa đời...!!! Có ai có thể cứu được chăng ?!
NGƯỜI CON GÁI VIỆT NAM DA VÀNG (TCS) GIAO CHỈ, SAN JOSE.
Anh em nhà họ Lâm. Tối chủ nhật vừa qua chúng tôi có dịp tham dự bữa ăn có văn nghệ giúp vui quả thật là đặc biệt.
Nếu được hỏi về lý do và nội dung, không biết phải trả lời làm sao. Lời mời qua Email của chị Trương gia Vy tóm tắt như thế này. “Xin mời quí vị tham dự cơm tối tổ chức gấp rút để tiễn đưa cô bác sĩ đi nhà thương. Quý vị, phần lớn trong gia đình y khoa gồm các ca sĩ tài tử sẽ hát nhạc Trịnh công Sơn. Vì cô bác sĩ đi chữa bệnh nan y lại thích nhạc của ông họ Trịnh. Câu chuyện thật đơn giản như vậy nhưng đã quy tụ được khá nhiều người tham dự. Vai chính hết sức xa lạ nhưng là nhân vật làm thành câu chuyện đau thương trong cộng đồng Việt Nam từ mấy tuần qua. Cô bác sĩ độc thân 37 tuổi mắc bệnh nan y phải vào nhà thương điều trị tên là Lâm Việt".
Chị Trương gia Vy và chị Hoàng Mộng Thu đã kể đi kể lại câu chuyện buồn của Lâm Việt trên báo chí, Radio và TV tại San Jose. Xin được nhắc lại như sau.
Anh em họ Lâm sinh trưởng ở Mũi Né, Phan Thiết. Cha mẹ chia tay. Cha có gia đình khác vào Saigon đem theo 2 con lớn là Lâm Bình và Lâm Tuyết Ni. Hai chị em cô nhỏ Lâm Mỹ Việt và Lâm Mỹ Linh ở lại với mẹ. Năm cô út Mỹ Việt 4 tuổi, mẹ qua đời. Người anh 13 tuổi từ Sài Gòn trở về Mũi Né đùm bọc các em. Khi Bình 18 tuổi dẫn 2 em Mỹ Linh 14 và Mỹ Việt 11 “canh me” vượt biên. Các em thành công và đến Hoa Kỳ. Hai em gái nhỏ được các gia đình nhận làm cha mẹ nuôi bảo trợ về Michigan. Cậu Lâm Bình đã trưởng thành tự lo lấy thân đã ghi danh vào Job Corps.
Từ đó các cô gái nhỏ của miền quê nghèo Mũi Né lầm lũi xây dựng cuộc đời. Không ai biết được rằng trải qua hơn 20 năm đèn sách, cả hai đều tốt nghiệp bác sĩ. Mỹ Linh là bác sĩ gây mê, làm việc tại San Francisco và Mỹ Việt là bác sĩ nội thương làm việc tại Kaiser, San Rafael.
Hoa Kỳ quả thực là đất đãi người hiếu học. Anh em họ Lâm đến Mỹ năm 1985, hai mươi năm sau đã mở cánh cửa vàng bước vào Cali với những ước mơ thành sự thực...
Riêng cô út Lâm Việt năm 2006 tốt nghiệp bác sĩ y khoa 33 tuổi đã nguyện suốt đời sẽ theo đuổi 1 ngành cao quý nhất của xã hội. Nhưng chỉ 2 năm sau, 2008 cô phát hiện bị bệnh ung thư máu, căn bệnh y hệt câu chuyện tình Love Story đã từng làm Hoa Kỳ và cả thế giới nhỏ lệ khóc thương.
Tại nhà thương Kaiser, cô bác sĩ trẻ trở thành bệnh nhân. Suốt 2 năm theo đuổi hóa trị, nhưng bây giờ hy vọng rất mong manh. Giai đoạn cuối là đang trông cậy vào việc tìm người hiến tủy.
Giấc mơ cũng tương tự như trúng số vì hàng triệu người mới có 1 người trùng hợp và vui lòng hiến tủy.
Hy vọng nhiều nhất trong khối người Việt và người Á châu. Với hàng trăm triệu người trên thế giới, phải có 1 người trùng hợp, nhưng người đó bây giờ ở đâu?
Trong khi chờ đợi, tối chủ nhật tháng 2 năm 2010, trời mưa tầm tã, những ca sĩ tài tử của gia đình y khoa lên hát Trịnh Công Sơn cho “Người con gái Việt Nam da vàng” thưởng thức. Ngồi cùng bàn với cô Lâm Việt là bà con xa gần của Phan Thiết mới tìm lại được qua câu chuyện buồn trên tin tức truyền thông. Ðồng thời có cả cô chị cả Lâm Tuyết Ni, hiện là bác sĩ thú y từ Việt Nam qua thăm em. Như vậy cả gia đình có 3 chị em thì cả ba đều là bác sĩ.
Người con gái Việt Nam da vàng: Trước khi gặp mặt cô Lâm Việt, được nghe kể rằng cô bác sĩ này dù bị bệnh hết sức hiểm nghèo nhưng vẫn vui vẻ lạ thường. Chúng tôi nghe thì biết vậy, nhưng lòng những phân vân. Tuổi trẻ đứng trước chuyện tử sinh, có thể bên ngoài thấy vậy nhưng không phải vậy. Lại được biết rằng, em rất thích nhạc Trịnh công Sơn. Chuyện này xem ra cũng khác thường.
Cô bé miền duyên hải, mồ côi mẹ năm lên 4 , lủi thủi một mình cho đến năm 11 vượt biên. Rồi lần lượt vào ở với 4 gia đình nhận nuôi trẻ vị thành niên. Tuổi thơ đầy những kỷ niệm buồn tủi. Sau đó nội trú đại học Mỹ. Ngày đêm lo học ngành y, thì giờ đâu mà thong thả. Từ nhà các bà mẹ nuôi của sở xã hội cho đến khuôn viên đại học, bạn Việt Nam không có, tiếng Việt quên dần. Còn chỗ nào cho Trịnh công Sơn.
Nhưng trong buổi tối chủ nhật đó, ngồi cùng bàn với Lâm Việt, tôi thấy quả thực là chuyện lạ. Cô bác sĩ bệnh nhân ung thư máu hết sức hồn nhiên và vui vẻ. Niềm vui với sức sống mãnh liệt hoàn toàn chân thực. Và cô nàng quả nhiên mê nhạc Trịnh công Sơn. Trên sân khấu các ca sĩ trình bày. Dưới bàn Lâm Việt theo dõi từng lời ca với ánh mắt long lanh.
Bầy tỏ riêng với tôi, Lâm Việt nói là rất tiếc chưa thấy mọi người thật vui và chưa hết lòng nghe từng bài hát. Ở góc chúng tôi ngồi, khán giả hơi ồn ào, không giữ yên lặng để thưởng thức.
Riêng hình ảnh Lâm Việt cho tôi thấy cô gái này hết sức kiên cường dù sống với niềm vui tính từng ngày. Và cô có quen thuộc nhạc Trịnh công Sơn. Tại sao lại yêu được nhạc Việt, và tại sao lại Trịnh công Sơn. Tôi sẽ phải đi tìm cho được câu trả lời.
“Yêu quê hương như yêu đồng lúa mới...”
Chiều thứ hai, ngay sau khi đi lấy máu thử nghiệm thêm 1 lần nữa trong số hàng trăm lần từ bao năm qua, Lâm Việt gọi điện thoại lại cho bác Giao Chỉ.
Xem ra từ khi về Cali, tiếng Việt của Lâm Việt đã khá rồi. Bác hỏi thực, tại sao tên cháu lại như tên con trai vậy. Cô tiết lộ bí mật. Con là út, ở nhà chỉ gọi là út em. Tên mẹ đặt là Thuận. Khi vượt biên, anh Bình muốn em út nhớ nguồn gốc nên làm giấy tờ cho con là Việt. Ông nội con là người Hoa, lấy bà nội người Việt. Cha mẹ con là người Việt. Và bây giờ con chắc chắn mình là người Việt. Không phải Mỹ, không phải Hoa. Con là Lâm Việt. Cảm ơn anh Bình. Em là Việt.
Tôi chẳng biết anh Lâm Bình là ai, nhưng 12 tuổi khi mẹ chết đã từ Saigon trở về Mũi Né nuôi 2 em nhỏ. Năm 18 tuổi dẫn 2 em vượt biên, đến trại làm ngay giấy tờ khai cho em út lấy tên là Việt. Ở đâu ra mà có được đứa bé ngon lành như thế. Em gái Lâm Việt tiếp tục ca ngợi anh chị trong 1 hoàn cảnh gia đình hết sức đoàn kết thương yêu nhau.
Bác lại hỏi con theo đạo gì. Lâm Việt nói rằng lúc còn nhỏ cháu biết cha mẹ theo đạo Phật, nhưng rất mơ hồ. Qua Mỹ cháu theo gia đình cha mẹ nuôi đi nhà thờ Tin Lành, nhưng bây giờ cháu muốn trở về đạo Phật, thực sự muốn về lại cội nguồn.
Lại hỏi cháu gặp nhạc Trịnh công Sơn ở đâu, và em nhớ gì về quê hương. Lâm Việt dường như cố tập trung để tìm câu trả lời trong ký ức và cũng cố dẫn giải bằng Việt Ngữ. Mẹ em chết năm em 4 tuổi. Mẹ chết cùng đứa em bé của em chưa sinh ra đời. Lúc đó em khóc theo anh chị. Từ đó cho đến năm 11 tuổi em có tuổi thơ bên quê nhà Mũi Né, rất nghèo nàn nhưng không gian tràn ngập mùi thơm nước mắm.
Em nhớ biển, nhớ bãi cát, con cua, vựa cá và nhất là nước mắm rồi đến những bài ca Trịnh công Sơn của anh Bình. Qua đến Hoa Kỳ, may còn 2 chị em cùng sống trong gia đình bảo trợ, Người anh thần tượng và chỗ dựa duy nhất đã tách lìa. Chị em đi học. Tiểu học rồi trung học. Một thế giới xa lạ rồi quen dần, Nhưng vẫn còn nhớ nước mắm Phan Thiết quay quắt. Chị em mua xì dầu vì nhà Mỹ không chịu được mùi Phan Thiết. Và cũng đôi khi tìm nghe nhạc Trịnh công Sơn. Ở Michigan không dễ gì kiếm được.
Nhưng khi vào nội trú đại học thì mua cả chai nước mắm về chan với cơm. Tưởng hồn ai bay về Mũi Né. Nhạc Trịnh công Sơn réo rắt đêm ngày. Nhạc tình, nhạc chiến tranh, nhạc quê hương đủ cả. Vì vậy cháu nói với chị Vy là nguyện ước được nghe mọi người hát nhạc Trịnh công Sơn.
Ðêm chủ nhật vừa qua là món quà đẹp đẽ nhất mà cháu nhận được từ mọi người.
Từng bàn và từng bàn, mọi người đến với em. Những bài ca của Trịnh công Sơn réo rắt trên sân khấu về khuya. Nhà hàng Thành Ðược dọn thực đơn Việt Nam. Hương vị nước mắm quê nhà, nào ai biết là Phan Thiết, Phước Tĩnh hay Phú Quốc.
“Cháu ơi! đừng tuyệt vọng”
- Bây giờ bác mới hỏi cháu về chuyện bệnh tật. Cháu có dịp xem phim Love Story chưa?
- Thưa bác, cách đây khoảng 8 tháng, tình cờ cháu thấy anh Bình có phim đó. Hoàn toàn vô tình, cháu đem ra xem. Ai ngờ thấy cô đó bị bệnh giống mình. Xem xong cháu muốn quên ngay. Cháu không muốn gặp kết cục như vậy. Từ năm 2008, khi bắt đầu thử nghiệm, thấy kết quả ung thư, cháu cho rằng lầm lẫn, không thể như thế được. Mình khỏe mạnh đâu có gì là bệnh đâu. Nhưng rồi thử đi thử lại, đành phải chấp nhận. Nhưng cháu quyết chiến đấu đến cùng. Cháu không biết sẽ còn được bao lâu và sẽ ra sao, nhưng cháu quyết không chịu thua. Không đầu hàng. Bây giờ vẫn còn tiếp tục chữa bệnh ở Kaiser. Khi hiến tủy thì sẽ lên Stanford. Bác hỏi cháu nếu qua khỏi được sẽ làm gì. Hiện nay cháu theo ngành y là đã quyết 1 lòng cho nghề y. Nhưng nếu qua khỏi bệnh này chắc cháu sẽ trở thành 1 người khác. Khác làm sao, chưa biết được. Nhưng sẽ cố tốt hơn, hiểu biết bệnh nhân nhiều hơn. Và cháu sẽ trở về cội nguồn. Cội nguồn Việt Nam ngay tại Hoa Kỳ.
-Cháu đã có bạn trai chưa?
- Thưa bác cháu đã từng có bạn trai những năm trước, nhưng nay đã chia tay rồi...
Sau khi bác cháu nói chuyện xong. Lâm Việt điện thoại trở lại và khẩn khoản nói rằng:
- Xin bác nhắn gửi mọi người hãy hướng về ý nghĩa chung để cùng yểm trợ chương trình nhân đạo trong y khoa, nhưng không phải cho riêng cháu.
Tôi ghi nhận thiện ý của em, nhưng tiếp tục trở về câu chuyện.
-Cháu có nghĩ rằng bệnh của cháu có thể ngày càng xấu đi không?
-Chắc chắn có ra sao thì cháu cũng phải chấp nhận, nhưng cháu không nghĩ đến chuyện đó. Cháu phải nỗ lực từng ngày, sẽ phải sống vui từng ngày, để đáp lại sự bảo trợ thương yêu của anh chị em, của mọi người.
Tôi nói rằng: - Cháu làm như vậy là đúng đấy.Nếu đã thích nhạc Trịnh công Sơn thì phải nhớ những lời này. Ðây là lời bài Tôi ơi!đừng tuyệt vọng mà chị Vy đã chuẩn bị hát cho Lâm Việt, nhưng nghẹn ngào chẳng nên lời.
Ðừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng.
Em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh.
Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ.
Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm...
***
Ðừng tuyệt vọng, Cháu ơi! đừng tuyệt vọng...
GIAO CHỈ, SAN JOSE