Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

KÝ ỨC HÀ NỘI XƯA

From: Toan Dang*Chung Hoang*Liem Tran*Nicole Nguyen
Nơi ở của bố con nhà giáo Đoàn Thịnh và KTS Đoàn Bắc là một phần ngôi biệt thự cổ đã ngót nghét trăm tuổi, được khéo léo phân chia thành nhiều góc nhỏ. Trong không gian hẹp ấy, họ miệt mài chắp nối những ký ức bằng hình ảnh để tái hiện toàn cảnh Hà Nội xưa.

        Nhà giáo Đoàn Thịnh và con, KTS Đoàn Bắc.
Ngày 7/10, triển lãm mang tên "Ký ức Hà Nội xưa" của hai cha con họ Đoàn sẽ khai mạc tại Thư viện Hà Nội. Đây là nơi trưng bày 1.820 bức ảnh, chụp con người và cảnh vật ở Hà Nội từ sau 1831 đến 10/10/1954.
Kiến trúc sư Đoàn Bắc đã mất hàng năm trời góp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau những mảnh ghép về Hà Nội một thời xa xưa. Với sự giúp đỡ của bố anh, ông Đoàn Thịnh - một giáo viên lịch sử đã nghỉ hưu - kho tư liệu được sắp xếp và phân chia lại, tạo thành những câu chuyện vừa gần gũi vừa xa xăm về Hà Nội của một thời gian khó nhưng hào hùng, đơn sơ nhưng lãng mạn và tinh tế.
Hai bố con nhà giáo Đoàn Thịnh và KTS Đoàn Bắc.
Đón phóng viên từ ngoài ngõ là nhà giáo Đoàn Thịnh - một ông lão ngoài 70, tóc và râu đã bạc trắng nhưng đôi mắt hiền từ thỉnh thoảng lại lấp lánh sáng sau cặp kính dày. Ngay khi khách vừa yên vị, ông đã vội vã dẫn vào thăm góc phòng nhỏ, bộn bề tranh ảnh. Nổi bật trong khung cảnh đơn sơ đó là khung ảnh một thiếu nữ Hà Nội e ấp với chiếc nón quai thao trước Chùa Một Cột. Với tay bật nút công tắc nhỏ bên khung tranh, đôi mắt ông ánh lên nét cười tinh nghịch khi tiếng nhạc bất ngờ vang lên. Ông gọi đó là loa tranh - một cách khơi dậy ký ức xưa mới lạ nhưng đầy sâu lắng. Và câu chuyện về một thủ đô xưa diễn ra trong không gian ngập tràn những ca khúc kinh điển về Hà Nội.
Nhà giáo Đoàn Thịnh sinh ra ở Hà Nội. Ngoài 3 năm tản cư trong kháng chiến chống Pháp, phần còn lại của cuộc đời ông gắn liền với con ngõ nhỏ ở phố Lò Đúc. Vừa chia sẻ với phóng viên những hình ảnh xưa mà anh Đoàn Bắc sưu tầm được, ông vừa tâm sự về nỗi nhớ của mình với thủ đô những năm đầu thế kỷ 20. Vốn là giáo viên lịch sử, biết tường tận từng ngõ ngách, từng giai đoạn lịch sử đã đi qua mảnh đất Hà Nội nhưng "khi xem các bức ảnh, tôi được gợi lại nhiều ký ức thú vị lắm", ông nói. "Hà Nội của chúng tôi thời đó là những thanh âm tàu điện leng keng, tiếng gõ túc túc tắc tắc của người bán mỳ vằn thắn, vị thơm dài của những hàng phở gánh, tiếng khua chảo gõ mõ vây bắt trộm trong những ngày chuẩn bị tiếp quản thủ đô".
Hàng Phở gánh xưa.
Hàng Phở gánh xưa.
Những câu chuyện ông kể là Hà Nội của một thời đã qua. Theo ông, những gì còn lại, cũng không còn như xưa nữa. Ví như phở Hà Nội, trong trí nhớ của ông, là những đôi gánh hai thùng gỗ, bát phở chiết yêu loe miệng, sợi phở to nhưng mỏng, nước dùng trong không hề có váng mỡ và mang vị ngọt dịu của nước xương chứ không ngọt lợ mỳ chính như bây giờ. Lề thói, nếp sinh hoạt, lối ăn mặc của người Hà Thành xưa, nay cũng khác đi nhiều. "Phụ nữ xưa thường chải tóc bồng, mặc áo dài, kín đáo. Nam nữ yêu nhau hẹn hò cũng thanh lịch, ra Bờ Hồ tản bộ, ý nhị nắm tay. Người Hà Nội nói chung là giản dị và thanh lịch. Cái gốc đó đến nay vẫn còn giữ lại được trong một bộ phận người Hà Nội gốc", ông nhận xét.
Tình yêu Hà Nội của vị giáo già nay dồn cả vào việc chọn lọc, sắp xếp kho ảnh mà anh con trai sưu tầm được. Toàn bộ 1.820 bức ảnh đen trắng sắp công bốđều được chính Đoàn Bắc phục chế lại nguyên vẹn bằng phương pháp kỹ thuật số với chất lượng cao nhất có thể. Ký ức Hà Nội xưa được chia thành 24 chủ đề trong 5 phần khác nhau: Toàn cảnh thành phố; Đất Thăng Long - Kẻ Chợ; Hà Nội thời Pháp thuộc; Con người và cuộc sống; Những giai đoạn lịch sử. Bên cạnh việc tái hiện lịch sử bằng ảnh, KTS Đoàn Bắc còn cất công vào TP HCM, nhờ bạn bè và những người tâm huyết thực hiện các bức ảnh về Hà Nội bằng các công nghệ mới như ảnh 3D, loa tranh Hà Nội lồng nhạc…
Hình ảnh Tháp Rùa khi còn có tượng Nữ thần Tự do. Phía xa, ở góc phải ảnh, có thể nhìn thấy Nhà hát Lớn.
Hình ảnh Tháp Rùa khi còn có tượng Nữ thần Tự do. Phía xa, ở góc phải ảnh, có thể nhìn thấy Nhà Thờ Lớn.
Đoàn Bắc kể, bản thân anh cũng bất ngờ trước số lượng ảnh đồ sộ và tấm lòng nhiệt thành, vô tư của những con người yêu Hà Nội. Theo anh, công việc sưu tầm ngốn nhiều thời gian và công sức nhất. Nhưng nó cũng mang đến cho anh cơ hội quen biết vợ chồng ông Pierre và Claude Sadoul - cháu nội của Louis Sadoul - một bác sĩ quân y người Pháp, từng sang Việt Nam vào các năm 1889 - 1890 và 1903. Khi biết dự định của Đoàn Bắc, ông Sadoul đã tặng lại cho anh 40 bức ảnh cổ do chính cụ Louis Sadoul chụp, đặc tả Hoàng thành Thăng Long trước khi bị tàn phá. Nhà giáo Đoàn Thịnh cho biết, qua những bức ảnh này, người xem sẽ có hình dung rõ nét về toàn cảnh di tích vừa được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Ngoài ra, vị bác sĩ người Pháp, bằng tình yêu Hà Nội, cũng ghi lại được những hình ảnh hiếm hoi khi Tượng Nữ thần Tự do còn ngự trên tháp Rùa (1890 - theo nhật ký của Louis Sadoul), trước khi được đưa ra vườn hoa Cửa Nam rồi bị phá bỏ. Cùng với hình ảnh, ông bà Sadoul còn chia sẻ với gia đình họ Đoàn nhật ký của ông nội - những trang viết từng dẫn họ đến Việt Nam để tìm lại dấu vết ngày xưa người ông đặt chân đến. Nhưng có những ký ức không phải chỉ người Pháp mà ngay cả người Hà Nội cũng không thể tìm lại được ở thủ đô.

Vợ chồng ông Pierre và Claude Sadoul trong bức ảnh gửi về cho gia đình họ Đoàn. Ông Đoàn Thịnh giải thích, sở dĩ có bức ảnh "sắp đặt" này là do ông Sadoul thực hiện theo đúng yêu cầu của ông Đoàn Thịnh: hai vợ chồng ngồi hai bên, ngay dưới bức ảnh của ông nội Louis Sadoul.
Bộ sưu tập được cha con họ Đoàn âm thầm thực hiện với nguồn kinh phí hạn hẹp, rất ít tài trợ. Nhưng sau khi cuộc triển lãm kết thúc, họ quyết định tặng lại bộ sưu tập cho Thư viện Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội, như nhà giáo Đoàn Thịnh nói, "để người Hà Thành ngày nay thỉnh thoảng có dịp ngắm lại thành phố của một thời đã xa".
Vài ngày sau cuộc gặp gỡ phóng viên, KTS Đoàn Bắc vui mừng chia sẻ, Hội hữu nghị Việt - Pháp thành phố Hà Nội đã đồng ý tài trợ kinh phí để vợ chồng Pierre và Claude Sadoul tới Hà Nội để tham dự cuộc triển lãm. Hơn thế nữa, con trai của ông Pierre Sadoul - Phó thị trưởng một thành phố ở Pháp - dự định mời bố con nhà giáo Đoàn Thịnh mang bộ sưu tập sang Pháp triển lãm. Thông tin này, theo anh Đoàn Bắc, đã hé mở hy vọng về một cuộc trưng bày hình ảnh Hà Nội trong lòng nước Pháp vào đúng năm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Phố phường Hà Nội xưa

Khung cảnh quanh Hồ Gươm.

Phía Đông Nam quận Ba Đình.

Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ô Quan Chưởng.

Cột cờ Hà Nội.

Tháp Rùa khi còn có tượng Nữ thần Tự Do.

Phố Đinh Tiên Hoàng.

Phố Huế.

Cảng trên sông Hồng.

Cửa Bắc.

Đường lên cầu Long Biên.

Hàng Nón.
Cảnh sinh hoạt trên phố

Trẻ em ở phố bên quầy hàng đồ chơi Trung thu.

Những gánh hàng hoa quanh hồ Hoàn Kiếm.

Cà phê rong.

Hoa quả và bánh kẹo rong.

Một góc phố với mấy gánh hàng rong.

Những người cắt tóc.


Phu dịch đi đắp đê, đắp đất.

Người dân nghỉ ngơi cạnh một gốc cây bên sông Tô Lịch.

Giới trẻ Hà Thành uống nước giải khát cạnh Bờ Hồ.
Con người Hà Nội




Chân dung thiếu nữ, người đẹp Hà Thành.

Chân dung văn nghệ sĩ. Trong ảnh là nhạc sĩ Phạm Duy thời trẻ.

Con cái của một gia đình tư sản.

Một gia đình viên chức.

Hình ảnh một đại gia đình tư sản.

Trẻ em ở trường dòng.
(Ảnh trong bộ sưu tập Ký ức Hà Nội xưa)