Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

HK và Hàn Quốc nhân nhượng TQ tại Hoàng Hải

Trọng Nghĩa RFI
clip_image001
Trung Quốc không muốn thấy hàng không mẫu hạm George Washington của Mỹ tiến vào Hoàng Hải.



Ngày 16/07/2010, bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận : cuộc tập trận hải quân có quy mô lớn dự trù với Mỹ sẽ không diễn ra tại Hoàng Hải mà tại vùng biển Hoa Đông. Quy định này được coi là một hanà động nhân nhượng đối với Trung Quốc. Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã cực lực phản đối dự định diễn tập hải quân Mỹ - Hàn Quốc.
Bộ quốc phòng Hàn Quốc hôm 16/07/2010 chính thức loan báo sẽ cùng với Hoa Kỳ tổ chức một loạt những cuộc tập trận hải quân nhằm răn đe Bắc Triều Tiên. Ngoài cuộc thao diễn rầm rộ dự trù trong tháng này, Seoul còn loan báo khả năng có thể có tới một chục cuộc tập trận chung khác với Mỹ chung quanh bán đảo Triều Tiên trong năm nay.
Về hình thức thì rõ ràng là quyết định đẩy mạnh các cuộc thao diễn hải quân Mỹ-Hàn thể hiện thái độ cứng rắn của hai đồng minh tại vùng Đông Bắc Á đối với mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, trong việc tiến hành các cuộc tập trận này, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã tỏ thái độ nhân nhượng, nếu không muốn nói là lùi bước trước phản ứng dè dặt của Trung Quốc.
Dấu hiệu rõ nhất là quyết định thay đổi địa điểm cuộc tập trận trong tháng này mà cả hai bên đều từng tuyên bố là sẽ rất quan trọng, vì huy động đến cả hàng không mẫu hạm nguyên tử của Hoa Kỳ. Cuộc diễn tập trước đây dự trù diễn ra tại Hoàng Hải, vùng biển nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng theo bộ quốc phòng Hàn Quốc hôm nay, địa điểm thao diễn đã được dời qua vùng biển Hoa Đông, còn gọi là biển Nhật Bản, có ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc bao quanh.
Quyết định thay đổi địa điểm đã được đưa ra sau môt loạt tuyên bố phản đối từ phía Trung Quốc, cho rằng cuộc diễn tập hải quân Mỹ Hàn phương hại đến lợi ích cơ bản của họ. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương mới đây đã xác định rằng quyền lợi của Trung Quốc bao gồm các lãnh vực từ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cho đến kinh tế và phát triển.
Bên cạnh tuyên bố cứng rắn nhưng ngoại giao trên đây, Bắc Kinh còn bật đèn xanh cho giới quân đội lên tiếng. Một số tướng lĩnh Trung Quốc, trong đó có cả Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội là tướng Mã Hiểu Thiên đã tuyên bố Trung Quốc kiên quyết phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn và đe dọa là Bắc Kinh kiên quyết trả đũa.
Dĩ nhiên Bắc Kinh không thể buộc được Seoul hay Washington đình chỉ kế hoạch của mình. Thế nhưng rõ ràng là phản ứng dữ dội của Trung Quốc đã khiến cho cả Mỹ lẫn Hàn Quốc phải suy nghĩ, nhất là khi một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề Bắc Triều Tiên nhất thiết cần đến sự tiếp tay của Bắc Kinh.
Theo giới phân tích, thái độ kiên quyết của Trung Quốc chống đối cuộc tâp trận Mỹ Hàn trên Hoàng Hải, xuất phát chủ yếu từ việc Hoa Kỳ dự định đưa hàng không mẫu hạm đến tham gia, mà cụ thể là chiếc USS Washington rất hiện đại. Bắc Kinh sợ rằng một khi tàu sân bay của Mỹ vào đến Hoàng Hải, phi cơ trên tàu này, với tầm hoạt động khoảng từ 700 đến 1000 km, sẽ có thể dọ thám các bí mật quân sự của Trung Quốc tại vùng cửa ngõ chiến lược quan trọng đó.
Mặt khác, thái độ của Trung Quốc còn phản ánh tham vọng mới của nước này trong viếc tìm cách khống chế, thậm chí độc chiếm các vùng biển quanh mình, mà nổi cộm nhất trong thời gian qua là vấn đề Biển Đông.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, vào tháng ba vừa qua, nhân chuyến ghé thăm của Thứ Trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg và Giám đốc phụ trách châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Jeffrey Bader, Bắc Kinh đã xác định với Washington rằng vùng biển Đông đã trở thành trọng tâm lợi ích của Trung Quốc, tương tự như Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương.
Trong thực tế, Bắc Kinh đã bắt đầu có những hành động cụ thể nhằm áp dụng chiến lược mới này như gây sự với hải quân Mỹ tại Biển Đông trong thời gian gần đây, sẵn sàng xách nhiễu hải quân Nhật Bản tại vùng biển Hoa Đông, tiến hành tập trận rầm rộ bắn đạn thật ở khu vực này cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua để phô trương thanh thế. Thái độ cứng rắn tại Hoàng Hải là biểu hiện mới nhất của tham vọng đó.