Vietchina business 23 Tháng 11 2010
Bong bóng bất động sản không chỉ là kẻ đồng lõa với lạm phát mà còn làm "sa mạc hoá" nền kinh tế khi thu hút vốn vào thị trường này. Đây là một mầm bệnh không thể chung sống với một nền kinh tế khoẻ mạnh.
Chủ nhật này, gặp lại anh bạn là nhà đầu tư chứng khoán đã từng "lấm lưng trắng bụng" từ hồi đầu năm, nay thấy hớn hở như địa chủ được mùa.
Hỏi thăm được biết, khi bại trận trên chiến trường cổ phiếu, nghe lời vợ xúi, anh bán sạch các cổ phiếu còn lại, gom tiền mua 200 m2 đất gần khu Thiên đường Bảo Sơn - Hà Nội, giá 30 triệu đồng/m2, tổng chi hết 6 tỷ đồng, nay đã có người trả với giá gấp đôi như thế, gỡ lại được 6 tỷ. Làm gì ra ở thời điểm khủng hoảng này?
Sống trên giá trị ảo
Về mặt lý thuyết, anh bạn tôi đã có khoản thu nhập 6 tỷ đồng trong vòng 7 tháng. Đó là con số mơ ước của hàng triệu người. Nhưng xét về mặt xã hội, 200 m2 đất vẫn chỉ là 200, không hề tăng thêm một chút nào. Sự gia tăng giá trị chỉ như một quả bong bóng được bơm căng, nó sẽ trở lại trạng thái ban đầu khi lượng hơi về giá được xì bớt.
Thế nhưng ở các đô thị lớn, hàng trăm ngàn người đang sống nhờ vào hiện tượng bong bóng đó.
Cơn sốt bất động sản không chỉ lôi kéo các nhà kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh, có sàn công khai mà còn là cả các hộ gia đình, các cá nhân người Việt lẫn người nước ngoài. Thậm chí, cả hệ thống những người làm công ăn lương cũng không đứng ngoài cuộc.
Người có tiền, mua để đó cất trữ như một sự bảo toàn giá trị. Người ít tiền, mua đi bán lại kiếm chênh lệch, hoặc làm môi giới kiếm "tiền hồ" coi như nguồn thu nhập chính.
Ở Hà Nội, nơi sốt nhiều, trong năm qua có thể tăng tới vài trăm phần trăm, nơi sốt ít tăng vài ba chục phần trăm, nhưng tổng thể, không có chỗ nào không tăng. Các đô thị lớn khác trong cả nước như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh... giá nhà đất đều đua nhau tăng. Hiện tượng này đã tạo ra sự sôi động cho thị trường nhà đất.
Cùng với đó, một lượng tiền không nhỏ được chảy vào túi những người đang sở hữu đất, chủ yếu là các nhà đầu cơ và một số môi giới.
Cứ thế, lượng nhà đất được giao dịch lên tới hàng triệu héc ta với giá trị tăng thêm khoảng 30-40%. Chưa có cơ quan nào thống kê con số chính xác, nhưng chắc chắn rằng phải là con số hàng chục ngàn tỷ đồng và chiếm một tỷ trọng đáng kể trong GDP.
Thị trường nhà đất hiện đang nuôi sống hàng triệu người mà từ sự bơm căng về giá mà không hề có sự tăng trưởng về số lượng sản phẩm.
Người dân bị móc túi
Cùng với sự giàu lên của hàng triệu người từ bong bóng bất động sản là sự thất thoát giá trị của hàng triệu người chưa có cơ hội sở hữu nhà đất.
Bạn người viết, một công chức có thâm niên hai chục năm, tích cóp được gần tỷ đồng gửi ngân hàng đang có ý định mua căn hộ chung cư vào dịp cuối năm. Theo tính toán của anh, giá chung cư hàng trung bình ở vùng ven, hồi đầu năm chỉ khoảng 20 triệu đồng/m2 thì đến cuối năm, giá đã bị "thổi" lên tới 30 triệu đồng/m2. Thay vì mua được 50 m2, nay chỉ mua được 30m2. Cứ thế, cơ hội mua nhà cứ lùi dần, lùi dần đến vô định.
Theo các chuyên gia bất động sản, chi phí đầu tư chung cư cao tầng (25-30 tầng) tại Hà Nội, tính theo mặt bằng giá hiện tại ở vị trí trung bình (gồm các chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí chuyển quyền sử dụng đất, chi phí xin phép đầu tư, chi phí xây dựng, chi phí vốn, các khoản chi phí không chính thức... ) khoảng 15 triệu đồng/m2. Giá này cộng với lợi nhuận, các nhà đầu tư có thể bán với giá 20 triệu đồng/m2 có thể coi là hợp lý.
Thế nhưng, trên thị trường, giá của loại chung cư này được giao dịch phổ biến ở mức 30 triệu đồng/m2.
Với giá đất cũng vậy. Đất ở được hình thành từ việc thu hồi đất nông nghiệp, đền bù cho dân, cộng với các khoản hỗ trợ, cộng phí chuyển quyền sử dụng đất theo biểu giá ban hàng hàng năm của thành phố, cộng chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tất tần tật các thứ giá ấy ở một vị trí đẹp thuộc quận Cầu Giấy tính ra cũng chỉ trên dưới 20 triệu đồng/m2 nhưng khi qua tay các nhà đầu tư, mức giá được đẩy lên gấp đôi, thậm chí gấp ba.
Trường hợp trên không phải là một ngoại lệ. Một lượng lớn người làm công ăn lương đứng ngoài cơn sốt đất, họ đang từng ngày bị nghèo đi. Trước đây, thay vì tiết kiệm khoảng 10 năm sẽ có cơ hội sở hữu căn hộ, nay thời gian đó tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi.
Giá nhà đất tăng cao, kéo theo sự tăng giá của hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác. Trước hết là người thuê nhà cũng phải chịu tăng giá. Cùng với đó là giá cả các loại vật tư, thiết bị, đồ dùng đều không chịu đứng yên. Một số dịch vụ như giáo dục, y tế, vận tải... đều rục rịch chuyển động.
Đặc biệt, với bà con nông dân đang có con em đang học ở các đô thị lớn phải chịu cảnh tăng giá ấy. Hiện tượng này được các chuyên gia gọi là "cơn bão giá" đang tác động tới hàng ngày, hàng giờ vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Rõ ràng, bong bóng bất động sản đang là yếu tố đồng loã với lạm phát.
Mầm bệnh với nền kinh tế
Trở lại sự kiện ngày 15/9/2008, khi Lehman Brothers, một ngân hàng lớn ở Mỹ sụp đổ sau 180 năm tồn tại, khởi đầu cho cuộc khủng khoảng tài chính tiền tệ tồi tệ nhất trong gần 100 năm qua của nước Mỹ. Điều này đã được bắt đầu bằng hiện tượng bong bóng bất động sản ở nước này.
Nhìn lại thị trường Việt Nam, diễn biến của thị trường bất động sản trong thời gian qua có nhiều nét tương tự ở Mỹ.
Khi nhiều người vẫn bất chấp lao vào mua bất động sản bằng mọi giá sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng ảo, trong khi đó giá trị thực không tăng. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, một ngày nào đó quả bóng bất động sản sẽ vỡ tung.
Trên thế giới, chỉ tiêu để đánh giá mức độ rủi ro trong đầu tư bất động sản là tỷ lệ giữa số tiền phải trả/tháng cho việc vay mua nhà so với mức thu nhập hàng tháng của gia đình đó.
Với gia đình trung bình, tỷ lệ này vào khoảng 1/3, tức là mỗi gia đình dành khoảng 33% mức thu nhập hàng tháng để trả nợ tiền vay mua nhà. Hiện tại, ở các đô thị lớn của Việt Nam, tỷ lệ cao nhất lên tới khoảng 80%.
Một nền kinh tế mà người dân phải dành phần lớn thu nhập của mình cho nhu cầu nhà ở đang phản ánh một mức độ rủi ro cao, dễ gây ra khủng hoảng nợ.
Nền kinh tế sẽ không bình thường khi bất động sản như cái thùng không đáy hút hết mọi nguồn vốn vào đó khiến các khu vực khác bị "sa mạc hoá".
Nếu như ở Mỹ, phần lớn vốn đổ vào bất động sản là vốn vay ngân hàng, còn ở Việt Nam, ngoài vốn ngân hàng còn có một lượng lớn vốn tích lũy của dân và huy động trong bạn bè, người thân. Khi quả bóng bất động sản xì hơi, hậu quả sẽ không dừng lại ở các ngân hàng thương mại mà còn là cả nền kinh tế.
Theo VEF