Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

KỤ GIÀ TÂY, KỤ GIÀ TA

From: Gia To * ThuyLinh Nguyen
Cụ Già Tây, cụ Già Ta
Bài của BS. Đỗ Hồng Ngọc

Già Tây nhìn khó biết. Hỏi tuổi là một điều tối kỵ, nhất là hỏi tuổi phụ nữ.
Nói chung già Tây trang điểm thật khéo (cả đàn bà lẫn đàn ông), ăn mặc đúng mốt và dáng dấp cử chỉ, luôn có vẻ nhanh nhẹn không thua một người trẻ, không để cho đám trẻ nhận ra mình già. Chỗ mỡ thừa  nếu có thì họ đã nhanh chóng lóc bỏ (ở các thẩm mỹ viện), nên chỉ khi họ ở ngoài bãi biển mới có thể thấy những sẹo dọc sẹo ngang của họ.
Già Ta thì khác. Già Ta hay làm bộ… già hơn tuổi thiệt của mình, họ cũng thường xưng tuổi, so tuổi, hỏi tuổi của nhau (kể cả phụ nữ), để coi ai lớn tuổi hơn ai vì lớn tuổi thì thường được kính trọng. Khi tính tuổi còn cộng thêm tuổi nằm trong bụng mẹ gọi là “tuổi ta”, hơn tuổi tây một tuổi, cho mau gìa thêm một chút. Già Ta ít trang điểm, ít làm dáng, ăn mặc xuề xòa sao cũng được và nếu là đàn ông thường để bộ râu vuốt tới vuốt lui, đi đứng đường bệ, nói năng chậm rãi, tằng hắng ho hen đôi ba tiếng cho có vẻ… già làng, lão làng, cho tụi nhỏ nể nang ở chỗ đông người.
Hình ảnh già Tây dễ sợ. Già như cái gì đó gớm ghiếc, xấu xa. Phim ảnh, tiểu thuyết, kịch nghệ, ngay cả truyện cổ, truyện cười… hễ có một ông già thì thường là người biển lận, bủn xỉn, còn nếu là một bà già thì thường là mụ phù thủy độc ác. Già Ta ngược lại, hình ảnh thường là tiên phong đạo cốt. Phúc Lộc luôn đi với Thọ, luôn là hình ảnh râu tóc bạc phơ, cháu con đầy đàn, tượng trưng cho hạnh phúc. Ông Bụt hiện ra, ông Tiên trong cổ tích nhất định phải là một ông già có bộ mặt phúc hậu với chòm râu dài, bạc trắng; bà Tiên cũng vậy, là một người hiền lành, tốt bụng, xinh đẹp. Ngay cả con lân râu bạc trong đám múa lân ngày Tết, mỗi khi xuất hiện thì các con lân khác cũng phải cung kính cúi chào.
Già Tây kể như hết thời bởi vì ở đó xã hội tôn trọng tuổi trẻ, sức mạnh, nhan sắc. Già cũng ráng làm bộ trẻ. Trừ những người giàu có còn thì phải sống cách ly với con cháu, thường được gởi vào nhà nuôi người già, thỉnh thoảng con cháu ghé thăm mà thường thì bỏ quên. Trong những nhà đó, họ sống quanh quẩn với những người già khác, có người tàn phế, tật nguyền, ngày nào cũng chỉ thấy rụng rơi tàn úa.
Già Ta thường được xã hội tôn trọng, với tập quán “kính lão đắc thọ”, nên chưa già lắm cũng làm bộ già. Tục ngữ có câu “Kính già già để của cho”… của đây không hẳn là tiền của mà là những kinh nghiệm quý báu. “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” cũng vậy, tôn trọng kinh nghiệm của người già!  Già Ta thường sống chung với con cháu, đôi khi cả ba bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà (tứ đại đồng đường), hằng ngày người già được chơi đùa với trẻ con, được thấy những mầm non vươn lên. Già Ta tuy có bận bịu, vất vả nhưng vui, thấy mình còn có ích.
Già là một vấn đề văn hóa hơn là sinh học. Tuổi nào thì già, thế nào là già thì không thể xác định được. Ở một nền văn hóa tôn trọng tuổi già người ta thích già sớm, có khi phải sắm vai… già; ở một nền văn hóa tôn trọng tuổi trẻ, sức mạnh, nhan sắc, người ta ráng che giấu tuổi già, sắm vai trẻ. Tổ chức Sức khỏe Thế giới khuyến khích một tuổi già năng động, sáng tạo, sống hữu ích cùng với con cháu trong một  gia đình thì tốt hơn là cách ly họ, xa lánh họ. “Già không phải là một gánh nặng mà là một nguồn lực”.
Trong một thế giới “toàn cầu hoá” như hiện nay thì sự phân biệt già Tây gìa Ta không còn rõ nét như xưa nữa. Và tại những nước có tuổi thọ rất cao hiện nay như Nhật, Thụy Điển thì người ta có những chương trình chăm sóc cho người già khá tốt cả về mặt sức khoẻ cũng như về tâm lý xã hội. Ngoài chuyện rèn luyện thể lực để duy trì sức khoẻ, dinh dưỡng đúng cách để tránh bênh mạn tính dễ gây tàn phế, người gìa còn được học vi tính để có thể giao du với bạn bè trên khắp thế giới qua mạng… Họ vừa có thể  sống trong gia đình với con cháu, lại vừa sống với  nhóm bạn cùng lứa, tâm đầu ý hợp, có thể kết bạn tâm tình mà không phải kết hôn… lôi thôi.
Nói cho cùng, cũng có những người có điều kiện bắt chước Uy Viễn Tướng Công tủm tỉm cười trong màn: “Ngũ thập niên tiền nhị thập tam ".

Đỗ Hồng Ngọc