Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

CAM BOT BI TAN PHA

Mua cát để mở rộng lãnh thổ, Singapore tàn phá láng giềng Cam Bốt

Cuộc sống ven Biển Hồ, Cam Bốt.
Ảnh: RFI/Đức Tâm

RFI Trọng Thành
Singapore tiến hành khai thác cát quy mô lớn tại Cam Bốt khiến nước này rơi vào thảm họa kinh tế, xã hội và sinh thái. Diện tích của Singapore là 527 km², năm 1998 là 674km², còn năm nay có kế hoạch vươn lên thành 834 km². Tổ chức Global Witness cho biết sản lượng cát tại một số địa điểm của Cam Bốt bị sụt giảm đến 50%, nhiều khu dân cư đã bị cưỡng bức di dời.
Trang kinh tế tờ Libération hôm nay báo động tình trạng Singapore tiến hành khai thác cát quy mô lớn tại Cam Bốt, khiến nước này rơi vào thảm họa kinh tế, xã hội và sinh thái. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore vốn được coi là quốc gia đứng đầu về chủ trương phát triển nền kinh tế xanh.
Trong báo cáo của tổ chức phi chính phủ Anh Global Witness, được công bố ngày hôm qua 11/5, nền công nghiệp khai thác cát tại Cam Bốt mang lại những thảm họa cho quốc gia này. Singapore là một quốc gia thành phố. Vào năm 1965, năm quốc gia này ra đời, diện tích của Singapore là 527 km², năm 1998, là 674km², còn năm nay Singapore có kế hoạch vươn lên thành 834 km². Singapore đã chiếm lĩnh bảy hòn đảo trong eo biển Macassar, gần đảo Borneo (Indonesia). Giấc mơ mở rộng không ngừng lãnh thổ của tiểu quốc, hoa tiêu của chủ nghĩa tư bản châu Á và nơi ngự trị của một nền dân chủ độc đoán này, đang gây nên một thảm họa sinh thái, xã hội và kinh tế cho Cam Bốt.
George Boden, người phụ trách chương trình nghiên cứu của tổ chức Global Witness, cho biết : « Chúng tôi đã làm việc nhiều năm, đã chụp hình những chiếc tàu, đã phát hiện ra các hợp đồng giữa các doanh nghiệp Singapore và ngành công nghiệp cát của Cam Bốt ». Theo ông, sản lượng cát tại một số địa điểm bị sụt giảm đến 50%, nhiều khu dân cư đã bị cưỡng bức di dời.
Tác hại của khai thác cát quy mô lớn đã được chú ý. Từ một năm nay, việc xuất khẩu cát đã bị cấm. Tuy nhiên, hai thượng nghị sĩ Cam Bốt, Mong Rethy và Ly Yong Phat, đã nhận lại được các giấy phép khai thác. Thượng nghị sĩ Mong Rethy giải thích với tờ Cambodge Soir, ông nhận được một hợp đồng cải tạo các kênh mương, nhưng cát lấy được từ đây không đủ chất lượng để xuất khẩu.
Riêng tỉnh Koh Kong, lượng cát khai thác được bán với giá 28,7 triệu đô la, trong khi tại Singapore, lượng tương đương được bán lại với giá 248 triệu đô la. Bài báo bình luận, tại đất nước của thủ tướng Hun Sen, luật chỉ là một chuyện, tinh thần của luật lại là một chuyện khác. Cam Bốt được xếp vào hàng các quốc gia tham nhũng nhất. Cách đây 15 ngày, quốc gia này bị SEC, một tổ chức kiểm soát chứng khoán của Mỹ, tố cáo là đã nhận tiền hối lộ của BHP Billinton, công ty số một thế giới về khai thác mỏ.
Tham nhũng tại Cam Bốt diễn ra tràn lan, trong khi 70% dân số nước này sống dưới mức 2 đô la một ngày, và cộng đồng quốc tế cung cấp đến 50% ngân sách của Cam Bốt. Tuy nhiên, trước tình hình này, những nhà tài trợ bắt đầu rút ra. Global Witness cho biết Vương quốc Anh và Canada có thể sẽ rút ra khỏi Cam Bốt năm 2011. Hiện nay, Singapore chơi trò đà điểu rúc đầu vào cát, để chối bỏ trách nhiệm. Bộ trưởng Phát triển của nước này tuyên bố, trách nhiệm của việc cấp giấy phép khai thác cát thuộc về nước khai thác.