Luật sư Lê Quốc Quân
Gửi tới BBC từ Hà Nội
Giáo dân mang biểu ngữ ủng hộ TGM Ngô Quang Kiệt trong lễ đón Tân TGM Phó Nguyễn Văn Nhơn tại Hà Nội (hình từ trang web VietCatholic)
Vào lúc Đảng cộng sản gồng mình chạy đua cơ cấu chức vụ trong Đại hội XI đang đến, thì Gíao hội Công giáo Việt Nam cũng đang căng mình trước những diễn biến dồn dập về nhân sự.
Khác với Trung Quốc là nơi các thế hệ lãnh đạo thường được đào tạo và quy hoạch trước khá lâu giống như truyền thống lập thái tử.
Việt Nam đứng trước một cuộc khủng hoảng dai dẳng về lãnh đạo và luôn có những cuộc đua gay cấn đến tận phút chót.
Hiện đang có cùng cảnh ngộ giữa Giáo hội Công giáo và Chính quyền Việt Nam trong vấn đề nhân sự.
Thông thường giáo hội luôn có sự kế tục cẩn thận nhưng vì bị đóng cửa trường Dòng hơn 20 năm nên Giáo hội đang có độ “hẫng” nhất định.
Khác với Giáo Hội Trung Quốc là nơi chính quyền quyết định vấn đề nhân sự không liên quan đến Vatican.
Ở Việt Nam, sau một thời gian dài đàm phán, hai bên đã hình thành được một "cơ chế đặc biệt" là Giáo Hội lựa chọn và bổ nhiệm nhưng phải có sự đồng ý của chính quyền.
Cơ cấu vùng miền ?
Về mặt chính quyền, miền Bắc thường nắm chức Tổng bí thư và Chủ tịch Quốc hội, miền Trung Chủ tịch nước và miền Nam làm Thủ tướng.
Tuy nhiên trong nhiệm kỳ hiện tại, có cuộc "mặc cả vĩ đại" giữa phái miền Nam và phái Thanh Nghệ để cho người xứ Nghệ hai vị trí quan trọng trong Bộ Chính trị trong khi miền Nam giữ cả Chủ tịch nước và Thủ tướng.
Một trong những người Nghệ nắm giữ vị trí quan trọng nhất nhưng lại ít xuất hiện nhất là Trưởng ban Tổ chức Trung ương - Hồ Đức Việt, người thay ông Phạm Quang Nghị làm Bí thư Trung ương từ tháng 8 năm 2006.
Không chỉ thắng lớn ở mặt Nhà nước, ngày 22 tháng 4 vừa qua, Tòa Thánh đã bổ nhiệm Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn 72 tuổi là người gốc miền Nam làm Tổng Giám mục Phó Hà Nội với quyền kế vị, được cho rằng sẽ thay thế Bấm Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt ở độ tuổi 58 xin từ chức vì "lý do sức khỏe".
Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị từng lên tiếng phê phán TGM Ngô Quang Kiệt
Có tin cho rằng chính quyền liên tục vận động với Tòa Thánh để những vị giám mục người Miền Nam, vốn "hiền lành" và có mặc cảm của kẻ chiến bại, tiếp tục có những vị trí cao hơn trong Giáo Hội.
Ngày 7/5 vừa qua tại Hà Nội đã có một Bấm buổi lễ đón chào Tân Tổng Giám mục Phó với nhiều hoạt cảnh vui buồn lẫn lộn.
Có tin nói rằng Dòng Tu Châu Sơn ở Ninh Bình đã dành một tòa nhà để Đức Cha Kiệt dưỡng bệnh ngay cạnh tòa nhà đã đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ông mời Đức Cha Lê Hữu Từ lên làm cố vấn Chính phủ vào năm 1945.
Quan hệ giữa Việt Nam và Vatican hết sức phức tạp trong hàng trăm năm qua và hai bên đã không có quan hệ ngoại giao hơn nửa thế kỷ.
Năm nay, kỷ niệm 15 năm Bình thường Hóa Quan hệ với Washington, Hà Nội cũng muốn in dấu chân mình tại thành Rome, mở đường cho Đức Giáo Hoàng thăm Việt Nm vào năm 2011 sau khi cả Thủ tướng và Chủ tịch nước Việt Nam đã yết kiến Ngài tại Rome vào năm 2007 và 2009.
Mỹ là một đất nước chính trị thực dụng sẵn sàng bỏ qua các dị biệt để thăng hoa quan hệ ngay lập tức nếu thấy cần thiết.
Thế nhưng Vatican là một quốc gia tinh thần nên điều mà họ hướng tới là bang giao có thực sự đem lại sự thăng tiến chung cho các giáo hữu hay không.
Do vậy, hơn 20 năm đàm phán để hướng tới việc bình thường hóa còn ngổn ngang nhiều vấn đề mà các bên đều tính toán kỹ, bao gồm cả “hy sinh” và “cất nhắc” một vài người.
Lần ra quyết định này có vẻ vội vàng, khác hẳn với truyền thống “chậm như Rome – lent de Rome” càng để lại trong lòng người nhiều thắc mắc, suy tư.
Ai ghi điểm?
Trong cơ chế của Nhà nước, thông thường một vị ủy viên Bộ Chính trị có thể bảo lãnh và “đôn” được một bộ trưởng, còn một ủy viên trung ương đảng được quyền giới thiệu một thứ trưởng.
Từ đó trong cơ cấu quyền lực của Nhà nước hình thành vô số đường dây và “rễ, chuỗi”.
Trong Giáo hội, các Đức Ông làm việc tại Bộ Ngoại Giao thường là người cố vấn cho Đức Giáo Hoàng trong việc sắp xếp nhân sự với sự tham vấn của giáo quyền địa phương.
Lần này một quan chức quan trọng của Vatican là Đức Ông Francis Cao Minh Dung, được cho là có vai trò quyết định.
Đức ông Cao Minh Dung (bên trái) trong một chuyến đi cùng phái đoàn Tòa Thánh sang Việt Nam (hình từ trang VietCatholic)
Nếu Đức Tổng Kiệt ra đi, việc bình thường hóa với Vatican có thể xảy ra và Đức Ông Dung có thể sẽ trở thành vị trí Sứ Thần đầu tiên tại Việt Nam.
Việc Giám mục Kiệt ra đi còn ghi điểm cho ông Phạm Quang Nghị vì nó khẳng định rằng việc làm của chính quyền Hà Nội là đúng.
Một cuộc chơi mới
Bề ngoài có vẻ như Chính quyền đang thắng thế và can thiệp càng sâu hơn vào Giáo hội nhưng giáo dân Công giáo Việt Nam cũng đã tiến thêm một bước.
Các buổi cầu nguyện cho công lý, đượm màu thánh thiêng, xuất phát từ dưới lên, không còn đơn thuần là vấn đề tôn giáo mà đang được xem như là một phản kháng dân sự.
Truyền thông Công giáo và dân báo đã khẳng định vị trí của mình.
Nhiều mục tử đã dấn thân mạnh mẽ hơn vào các vấn đề xã hội ngày càng sâu rộng.
Các con chiên có vẻ đã biết kết hợp tạo thành các tổ chức xã hội dân sự như giới doanh nhân, tri thức, công chức, sinh viên Công giáo vào thời điểm có tin rằng đảng Cộng sản sẽ phải thu mình lại, nhường chỗ cho sự lớn lên của xã hội dân sự, biến từ con hổ thành chú mèo vào thời điểm Canh Dần bước sang Tân Mão.
Buổi lễ đón Đức Cha Nhơn đầy huyên náo hôm nào là chỉ dấu cho thấy giáo dân mạnh dạn hơn trong việc cất lên tiếng nói đối với các vị chủ chăn của mình.
Và khi cả Vatican mà giáo dân còn không sợ thì không một chính quyền nào có thể “bịt miệng” họ lại.
Mặc dù chỉ chiếm hơn 10% dân số nhưng người Công giáo là một khối.
Đó là vũ khí tốt trong nền chính trị hiện đại và ai đang sở hữu kho vũ khí chiến lược kiểu này sẽ có cơ hội thắng thế trong Chính Quyền và Giáo quyền tương lai tại Việt nam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả Lê Quốc Quân, một nhà đấu tranh dân chủ theo Thiên Chúa giáo hiện sống tại Hà Nội.