Dư luận xung quanh Hội thảo khoa học Phật giáo tại Hà Nội
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2010-08-02 Cuối tuần rồi, hội thảo khoa học Phật giáo thời các vua nhà Lý trong chương trình đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long diễn ra tại khu du lịch Thiên Đường, Bảo Sơn tại Hà Nội.
Photo courtesy of thientam.vn
Toàn cảnh Hội thảo khoa học Phật giáo thời các vua nhà Lý diễn ra tại khu du lịch Thiên Đường, Bảo Sơn tại Hà Nội, hôm 29/07/2010.
Hội thảo này được sự tham gia của trên 10 ngàn tăng ni, Phật Tử.
Theo tài liệu lịch sử thì trong suốt triều đại trị vì đất nước của 9 vị vua nhà Lý, kéo dài 216 năm, đạo Phật được công nhận là quốc giáo, được đưa vào đời sống chính trị, xã hội, văn hóa và là gía trị tinh thần của xứ sở, dân tộc Việt Nam.
“Uống nước nhớ nguồn”
\Hội thảo mang chủ đề “Phật giáo là bệ đỡ tư tưởng các đời vua Lý” do giáo hội Phật Giáo Việt Nam, phối hợp với bộ Ngoại giao và ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức.\
Theo báo chí thì đại lễ Phật giáo 1.000 năm Thăng Long thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” nói lên lòng tri ân đối với các bậc tôn sư của Phật giáo và cũng để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ có công với đất nước.
Hội thảo nhận được gần 100 bài tham luận của các học giả trong nước và 3 bài tham luận của các nhà nghiên cứu về Phật giáo của Pháp và Nhật Bản.Nội dung chính được hàng giáo phẩm và nhà nghiên cứu trình bày trong hội thảo nhấn mạnh đến tư tưởng hòa bình, từ bi, hỷ xả, vị tha , giác ngộ, hướng dẫn người Phật tử trên con đường phụng sự đạo pháp và dân tộc , và là những nguyên tắc đưa đến tiến bộ xã hội. Dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam luôn sát cánh bên nhau trong suốt lịch sử dựng nước, giữ nước , kiến tạo hòa bình, dành quyền độc lập và thống nhất đất nước.
Qua cơ quan truyền thông của nhà nước, Phật giáo Việt Nam được ca ngợi, xem đó là tư tưởng phù hợp với tiến bộ xã hội, là một nhu cầu tín ngưỡng, tuy nhiên trên thực tế, các tôn giáo độc lập, không do nhà nước quản lý, kiểm soát thì vẫn gặp lắm khó khăn, thường bị công luận lên án mạnh mẽ.
Từ Huế, linh mục Phan Văn Lợi, một nhân vật bất đồng chính kiến, bị giam cầm và quản chế nhiều năm, vì đã mạnh dạn yêu cầu tự do tôn giáo, nói lên những suy nghĩ cá nhân về đại hội Phật giáo nhân dịp kỷ niệm 1.000 Thăng Long:
Các Đại biểu tam dự hội thảo khoa học Phật giáo thời các vua nhà Lý diễn ra tại khu du lịch Thiên Đường, Bảo Sơn tại Hà Nội, hôm 29/07/2010. Photo courtesy of thientam.vn
“Triều Lý và Trần là hai triều đại hết sức cổ vũ cho Phật giáo, trở về với hiện tại thì đạo Phật có giáo hội chính truyền đó là giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, còn giáo hội Phật giáo quốc doanh do nhà nước lập ra vào khoảng năm 1981. Mấy năm nay, có hiện tượng là nhà nước cổ vũ rất nhiều cho giáo hội Phật giáo, đã xây những ngôi chùa lớn, ở ngoài Bắc có chùa Bái Đính, rất nguy nga, trong Nam có Đại Nam quốc tự, ờ vùng Thừa Thiên có những ngôi chùa lớn ở vùng Bạch Mã, Đa Lạt có những Trúc Lâm thiền viện. Trong khi đó, giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất do ngài hòa thượng Quảng Độ lãnh đạo thì bị đặt ngoài vòng pháp luật, bị gây nhiều khó dễ. Nhà nước muốn “o bế” giáo hội Phật giáo Việt Nam để mọi người tưởng rằng tự do tôn giáo được tôn trọng tại Việt Nam, cách đây hai năm đã tổ chức đại lễ Phật đản Vesak, chỉ nhằm che mắt thế giới. Đảng cộng sản luôn chính trị hóa mọi vấn đề chi phối đất nước, tôn giáo được sử dụng để làm lợi cho sự cai trị của họ mà thôi.”
Hay “khoán trắng” cho quá khứ?
Kế đó, giáo sư Võ Văn Ái, phát ngôn nhân giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trong và ngoài nước, từ Paris góp ý về hội thảo khoa học Phật giáo thời Lý, vừa được tổ chức quy mô tại Hà Nội:“Chúng tôi có đọc những bài diễn văn của giới lãnh đạo cộng sản hoan nghênh Phật giáo Việt Nam, trong các triều vua Lý, Trần. Đây là điều đúng và tốt, tuy nhiên theo chúng tôi thì nhà nước không nên khoán trắng Phật giáo cho quá khứ. Nhiều người kêu gọi tinh thần Nguyễn Trãi, Lê Lợi để chống Bắc Phương, nhưng người ta lại khoán trắng việc đó cho tiền nhân, mà không chịu giải quyết việc ngay trước mắt, là sự xâm lăng của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bây giờ đây, nếu tổ chức hội thảo để hoan nghênh “bệ đỡ” của Phật giáo đối với đất nước, thì hôm nay đây, vào thế kỷ thứ 21, Phật giáo vẫn là bệ đỡ cho công cuộc chống xâm lăng, bảo vệ chủ quyền dân tộc, văn hiến của đất nước Việt Nam. Nếu nhà nước tổ chức hội thảo như vậy thì phải mời những nhà lãnh đạo giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, như hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa đạo, xử lý thường vụ Viện Tăng thống. Nếu ghép được quá khứ và hiện tại thì mới giải quyết được vấn đề Việt Nam, và có thể dựa vào Phật giáo, tức là với 80% dân chúng của đất nước Việt Nam, để lực lượng đó góp phần bảo vệ và phát huy đất nước.”Một nhà đấu tranh cho dân chủ bị cầm tù gần 20 năm, từ Sài Gòn bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhấn mạnh về mối tương quan giữa Phật giáo và tư tưởng khoa học:
“Phật giáo là vấn đề lớn có tính cách toàn cầu, tín đồ lên đến hàng tỷ người. Tôi muốn đề cập đến những phát minh khoa học trong vòng một thế kỷ qua, có nhiều quan hệ đến tư tưởng triết học của Phật giáo. Đầu thế kỷ 20, nhà bác học Albert Einstein đưa ra thuyết tương đối, trước là tương đối hẹp, rồi sau đó tương đối rộng trong vũ trụ, nghĩa là thời gian và không gian có tương quan đối với nhau. Việc mở ra kỷ nguyên khoa học mới, đưa đến thuyết hiểu biết về nguyên tử. Theo vật lý cổ điển thì đã là hạt thì không thể là sóng, mà đã là sóng thì không thể là hạt, phát kiến này rất gần với triết lý nhà Phật, đó là chuyện “không không, sắc sắc” lúc có, lúc không. Khi vừa mới phát hiện thuyết tương đối, bác học Einstein tuyên bố, trong các tôn giáo, triết lý nhà Phật rất gần với khoa học.”
Một số Đại biểu tam dự hội thảo khoa học Phật giáo thời các vua nhà Lý diễn ra tại khu du lịch Thiên Đường, Bảo Sơn tại Hà Nội, hôm 29/07/2010. Photo courtesy of thientam.vn
Ông nói, việc Hà Nội tôn vinh Phật giáo, đó chỉ là hình thức bề ngoài có dụng ý:
“Trung tâm nghiên cứu về Phật giáo nay mở ra tại rất nhiều nước trên thế giới, đâu đâu cũng có, chắc phải có lý do thâm sâu của nó. Về tình hình thực tế của Việt Nam thì phải nói là, về tư tưởng, thì không có chủ nghĩa nào có thể thay thế được chủ nghĩa xã hội, mà cứ phải cũng cố độc quyền chủ nghĩa duy vật, nhưng nhà nước lại muốn mặc cái áo bên ngoài là tư tưởng Phật giáo, với hy vọng là tư tưởng Phật giáo phủ bên ngoài, dấu kín được chủ nghĩa duy vật, thì có thể giúp bình ổn xã hội phần nào, nhất là đối với giới trẻ. Ý thức được tầm quan trọng của Phật giáo, Hà Nội muốn đưa Phật giáo vào đời sống xã hội, nhưng lại qua Phật giáo do Bộ Chính trị nặng ra, để là một cái áo khoác cho chủ thuyết muốn để thống trị thì chỉ chuốc lấy thất bại.”
Dư luận cho rằng, qua hội thảo khoa học Phật giáo thời nhà Lý, nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, dành mọi ưu đãi cho sinh hoạt tôn giáo do đảng và chánh phủ kiểm soát, còn những tôn giáo chân chính , độc lập thì vẫn bị gây khó dễ, bị đàn áp như từng xảy ra ở Cồn Dầu, Bát Nhã, Thái Hà, Tam Tòa, hay vùng Tây Nguyên, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hòa Hảo và Cao Đài.