Frm Gia To
HÌNH ẢNH CUỘC ĐỜI
Ngày kia, nhà tỷ phú nọ mang cậu con trai duy nhất về nơi thôn dã với ý định để cho con tìm hiểu và so sánh với cuộc sống nghèo nàn của người dân quê. Hai cha con sống hai ngày tại một làng xóm xa xôi nơi mà người ta cho là có đời sống khó khăn. Sau khi trở về nhà, người cha hỏi người con:
- Con thấy cuộc đi chơi ra sao?
- Cuộc đi thích thú lắm - người con trả lời.
- Con có thấy cuộc sống của người dân quê không?
- Dạ, có.
- Con nhận thấy gì trong cuộc sống của họ?
- Con nhận thấy chúng ta chỉ có mỗi một con chó mà họ thì có tới bốn con. Chúng ta chỉ có một hồ bơi nhỏ ở giữa vườn, còn họ thì có cả một nhánh sông chảy mút mùa. Chúng ta phải nhập cảng những chiếc đèn để treo trong vườn mà họ thì không cần đến vì họ có đầy sao chiếu sáng lúc ban đêm. Tại chỗ ngồi chơi trước nhà, chúng ta chỉ có thể nhìn tới bức tường ở cổng trước mà thôi, còn họ có thể ngồi nhìn suốt tới tận chân trời. Chúng ta chỉ có một khoảng đất để sống quanh quẩn ở đó, còn họ có cả một khoảng đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Chúng ta phải có người ở để giúp việc chúng ta, còn họ thì không cần, họ tự lo cho nhau. Chúng ta phải bỏ tiền đi mua đồ ăn, còn họ trồng lấy và tự túc về thực phẩm. Nhà chúng ta phải có tường bao quanh để bảo vệ chúng ta, còn họ thì không cần vì họ có những bạn tốt để đùm bọc lẫn nhau.
Trước những lý luận của người con trai, người cha đã không nói nên lời.
Người con nói tiếp : "Con cám ơn cha đã mang con đi du hành để tỏ bầy cho con thấy chúng ta đang có một cuộc sống nghèo nàn như thế nào!"
° ° °
Lời bàn: Ở đời, chúng ta thường quên đi những gì chúng ta đã có và đang có mà chỉ nghĩ tới những gì chúng ta không có và chưa có.
Những vật không đáng giá của người này chính là những vật mong uớc của người kia. Đời là như vậy!
Hạnh phúc sẽ đến, nếu chúng ta biết ghi nhận những an lạc tràn trề chúng ta đang có thay vì chỉ nghĩ đến mộng uớc muốn có thêm.
Hãy tận hưởng những gì chúng ta đang có, nhất là những đồng bào, bạn bè, thân quyến đang có chung quanh ta.
AN HƯỞNG CUỘC ĐỜI
Ngày xưa, có vị Hoàng Đế nọ muốn ban trọng ân cho một người cận thần. Nhà vua phán: "Ngươi có công lao rất lớn với ta. Kể từ cổng thành trở đi, ngươi phóng ngựa đi tới nơi nào ngươi dừng lại thì khoảng đất đó ta sẽ ban cho ngươi". Viên cận thần nhảy lên ngựa phóng đi, ra sức phóng ngựa để có được càng nhiều đất càng tốt. Người đó đi suốt ngày đêm, khi mệt và đói cũng không dám ngừng nghỉ vì muốn có nhiều đất. Tới một ngày kia, sức khoẻ kiệt quệ vì đói và mệt, hắn lả đi gần chết ở trong rừng. Hắn lẩm bẩm : "Tại sao ta tham lam quá độ vậy, ta tận sức để có được nhiều đất đai.
Bây giờ thì gần chết rồi ta chỉ mong có được một thước đất để được chôn cất mà thôi!"
° ° °
Lời bàn: Câu chuyện cổ kể trên cũng giống như cuộc đời của chúng ta. Hàng ngày, chúng ta gắng sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế. Chúng ta tận sức tới mức xao lãng sức khoẻ, đôi khi quên cả cuộc sống với gia đình, quên cả những cảnh đẹp thiên nhiên. Ngay cả trong những buổi họp bàn bè với danh nghĩa để giải trí, chúng ta vẫn có tư tưởng là sự giao thiệp sẽ có lợi cho việc tạo thêm tiền tài, danh vọng hay thế lực.
Rồi một ngày kia nghĩ lại, chúng ta sẽ thấy những sự cố gắng đó vô nghĩa lý. Than ôi! lúc đó thì ta không thể quay ngược kim đồng hồ được nữa, chúng ta đã bỏ mất dịp hưởng an lạc của cuộc đời một cách chân chính.
Hãy sống tỉnh thức, để an hưởng cái đẹp của thiên nhiên, để tìm ra lẽ sống của cuộc đời. Cuộc đời rất mong manh, hãy an trú trong hiện tại.
CON BƯỚM
Một người nọ tìm thấy một cái kén của con bướm . Anh ta nhận thấy cái kén này bắt đầu được cắn rách, sâu bướm bắt đầu bò ra. Quan sát một hồi lâu, anh thấy con sâu bướm cố hết sức lách thân mình qua lỗ hổng mà không được. Rồi con sâu có vẻ ráng hết sức mà không lọt ra nổi và nằm im như chịu thua. Động lòng thương, người nọ muốn giúp con sâu bướm, anh ta lấy mũi kéo nhỏ cắt vết rách của cái kén để sâu bướm ta vuợt ra ngoài dễ dàng. Sau khi sâu bướm ra khỏi kén thì thân hình lớn ra nhưng đôi cánh thì lại nhỏ. Người nọ cố chờ xem con bướm có thể phát triển thêm ra không và mong rằng đôi cánh kia có thể nở rộng thêm để bướm đủ sức bay đi.
Than ôi, vô ích! con bướm đã bị trọn đời tàn tật, lê lết với chiếc cánh nhỏ bé không thể bay đi được.
Người nọ vì lòng thương mà hấp tấp làm hỏng cuộc đời con bướm. Anh không biết là luật tạo hóa bắt buộc con sâu bướm phải tự phấn đấu để vượt ra khỏi lỗ nhỏ của cái kén. Trong lúc phấn đấu đó, huyết mạch sẽ được luân lưu từ thân mình cho đến đôi cánh và sau khi vượt ra khỏi chiếc kén, bướm ta mới có đủ sức vuơn đôi cánh lớn ra mà bay bổng.
° ° °
Lời bàn: Sức phấn đấu cũng rất cần thiết cho đời sống chúng ta vậy.
Nếu cuộc đời không có những trở ngại thì chúng ta sẽ bị bại liệt như con bướm kia. Chúng ta không có đủ sức để bay bổng. Trước những thăng trầm thế sự, chúng ta phải có đủ trí phấn đấu ngõ hầu vươn lên trong cuộc sống.
Chúng ta sẽ có sức dũng mãnh vì cuộc đời có những trở ngại khiến chúng ta phải đấu tranh.
Chúng ta sẽ có trí tuệ vì cuộc đời có những vấn đề nan giải khiến chúng ta phải giải quyết.
Chúng ta sẽ có can đảm vì cuộc đời có những chông gai nguy hiểm khiến chúng ta phải vượt quạ
Chúng ta sẽ có lòng từ bi vì cuộc đời có những kẻ bất hạnh để cho chúng ta giúp đỡ.
Chúng ta sẽ có thịnh vượng vì cuộc đời tạo ra những trí óc và bắp thịt khiến chúng ta phải vận dụng.
Các bạn có thấy đúng không ?
TẠM THỜI
Một vị thầy tâm linh nổi tiếng đến trước cửa lâu đài của vị vua nọ. Vì Thầy nổi tiếng rồi nên các người lính canh không ai chặn ông lại khi ông đi vào và tiến thẳng đến trước mặt nhà vua đang ngồi trên ngai vàng.
- Ông muốn gì? - nhà vua hỏi.
- Tôi muốn có một chỗ để ngủ trong cái quán trọ này, ông ta đáp.
- Nhưng đây không phải là quán trọ, đây là tòa lâu đài của ta, Vua trả lời.
- Xin hỏi bệ hạ rằng ai là sở hữu tòa lâu đài này trước bệ hạ?
- Vua cha ta, Ngài đã chết rồi.
- Và ai là sở hữu trước cha của bệ hạ?
- Ông nội của ta, Ngài cũng đã chết.
- Và cái chỗ này, nơi mà người ta sống một thời gian ngắn rồi dọn đi. Như vậy thì nó không phải là một quán trọ mà bệ hạ đang ở đó hay sao?
Lời bàn: Vị thầy muốn cho nhà vua biết tòa lâu đài không phải của ông ấy. Nếu tòa lâu đài tiêu biểu cho sự sống của nó thì nó thuộc về ai? Sự sống có thuộc về người nào hay không?
Sớm hay muộn gì tất cả chúng ta đều phải dọn đi, kể cả đời này và nhiều đời sau nữa!
Chuyện này biểu lộ rằng người quyền thế nghĩ là quyền lực của họ thường hằng. Nhưng không có gì trong cuộc đời này là thường hằng. Người như vậy cần được đặt vào vị trí của họ.
Chúng ta sống và chết và không bao giờ thực sự sở hữu bất cứ thứ gì. Có mấy người nghĩ sâu xa về điều này.
Vật chất và của cải làm cho bạn nghĩ rằng mọi thứ tồn tại vĩnh viễn. Điều đó ngược lại sự nhận biết rằng mọi thứ trên đời này đều vô thường.
ĐỜI SỐNG HOA KỲ
Sau khi trải qua 5 năm trong trại cải tạo học tập của Cộng Sản, vị sĩ quan nọ nạp đơn để xin đi Hoa Kỳ. ông nghe người ta nói nhiều về đời sống dễ dàng
ở Hoa Kỳ, trong lòng có rất nhiều kỳ vọng.
Thế rồi, ông và gia đình được di dân sang Hoa Kỳ. Ngày đầu tiên đặt chân tới đất Mỹ, tại phi trường ông vào một quán cafeteria chọn một cái bàn trống rồi chờ người hầu bàn tới đưa thực đơn.
Chờ mãi không thấy ai tới, rồi ông thấy một bà Mỹ bưng khay đầy đồ ăn ngồi xuống bàn trước mặt và giảng cho ông là ở đây ông phải xếp hàng, tự lấy đồ ăn rồi trả tiền.
Vài năm sau, sau khi gia đình và con cái đã ổn định và thành đạt. Trong một bữa ăn thân mật gia đình và bạn bè, ông nhắc nhở tới kinh nghiệm ngày đầu tiên tới đất Mỹ, ông nói: “Bây giờ tôi mới biết đời sống ở Hoa kỳ ra làm sao! Cuộc đời cũng giống như một quán cafeteria! Chúng ta có thể có đủ mọi thứ
với điều kiện chúng ta phải trả một giá. Chúng ta có nhiều cơ hội đưa tới thành công nhưng thành công đó không phải do ai mang sẵn tới cho chúng ta cả! Chúng ta phải đứng dậy tự lo liệu, tự tạo lấy và gặt hái lấy.”
Lời bàn: Lời ví dụ chí lý kể trên chẳng phải riêng cho đời sống ở Hoa Kỳ mà ở đâu cũng vậy. Muốn thành công thì phải phấn đấu, muốn giàu có thì phải làm việc.
NGƯỜI THỢ XÂY CẤT
Người thợ mộc già nọ làm việc rất chuyên cần và hữu hiệu lâu năm cho hãng thầu xây cất nọ. Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc về hưu để vui thú với gia đình. Tuy không còn có đồng lương nhưng ông ta muốn nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già.
Hãng xây cất cũng vô cùng luyến tiếc là sẽ thiếu đi một người thợ giỏi đã tận tụy nhiều năm. Hãng đề nghị với ông cố gắng ở lại giúp hãng xây cất một căn nhà chót truớc khi thôi việc. Ông ta nhận lời vì biết mình sẽ giải nghệ, cùng với sự miễn cưỡng, ông ta làm việc một cách tắc trách qua quít, xây cất căn nhà với những vật liệu tầm thường kém chọn lọc miễn có một bề ngoài đẹp đẽ mà thôi.
Mấy tháng sau, khi căn nhà làm xong, ông đuợc ông chủ hãng mời tới, đưa cho ông chiếc chìa khóa của ngôi nhà và nói: "Ông đã phục vụ rất tận tụy với hãng nhiều năm, để tưởng thưởng về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của hãng, hãng xin tặng ông ngôi nhà vừa xây xong!"
Thật là bàng hoàng. Nếu người thợ mộc biết là xây cất căn nhà cho chính mình thì ông ta đã làm việc cẩn thận và chọn lựa những vật liệu có phẩm chất hơn. Sự làm việc tắc trách chỉ có mình ông tự biết và nay thì ông phải sống với căn nhà mà chỉ có riêng ông biết là kém phẩm chất.
Lời bàn: Câu chuyện này cũng giống như chuyện đời của chúng ta. Chúng ta giống như người thợ già kia thường tạo dựng một đời sống hào nhoáng, tạm bợ, đua đòi không chú trọng tới phẩm chất của nó. Nhiều khi ngồi kiểm điểm những sự bê bối của mình trong quá khứ thì chúng ta thấy mình đang phải cam chịu những hậu quả của nó. Đời là một công trình kiến trúc do chính mình tạo nên. Đời sống hiện tại là kết quả của sự tạo dựng trong quá khứ, đời sống ngày mai sẽ là kết quả của sự tạo dựng hôm nay. Hãy xây dựng đời mình một cách đúng đắn.
ĐÀN VỊT TRỜI
Vào những mùa đông, chúng ta thường thấy hàng đàn vịt trời bay thành hình chữ V, bay hàng trăm dặm từ Bắc xuống Nam để tìm nơi ấm cúng.
Các nhà khoa học đã khám phá rằng những đàn vịt trời đó có những quy luật di chuyển rất đáng cho chúng ta suy gẫm về tinh thần đoàn thể.
1. Mỗi khi con vịt vẫy cánh bay, chúng sẽ tạo ra một luồng gió quyện và tạo ra một hấp lực nâng con vịt bay bên cạnh. Như vậy, khi chúng bay theo đội hình chữ V thì con nọ nương vào hấp lực của con kia, chúng có thể bay nhẹ nhàng hơn và tăng khả năng bay xa hơn gần gấp đôi.
Con người ta cũng vậy, nếu những người có cùng một chí hướng mà biết cách hợp quần thành những đoàn thể hay cộng đồng để nương tựa nhau thì dễ đạt được những mục đích cao cả hơn.
2. Khi một con vịt bị xa rời khỏi đội hình thì nó sẽ cảm thấy bị đuối sức vì phải tự lực nên nó lại phải cố gắng bay vào trong đội hình để nương tựa vào hấp lực của những con vịt bay trước.
Nếu chúng ta biết siết chặt hàng ngũ, không xa rời đoàn thể hay cộng đồng thì sẽ có lợi lớn.
3. Riêng con vịt bay đầu đàn là không được hưởng hấp lực của bạn đồng hành nên nó rất chóng mỏi mệt. Khi nó mệt thì nó sẽ bay xuống nương vào đội hình và sẽ có con vịt khoẻ mạnh khác bay vào vị trí dẫn đầu. Cứ như vậy, thay đổi trong suốt ngày bay.
Trong cộng đồng con người cũng vậy, vai trò lãnh đạo luôn luôn đuợc thay đổi tùy theo tình thế, theo tinh thần dân chủ.
4. Trong khi bay, chúng thường lên tiếng kêu quác quác để thúc dục nhau bay theo kịp một tốc độ.
Trong các đoàn thể, người ta phải biết nhắc nhở nhau để giữ vững tinh thần hay thắt chặt tình đồng đội. Trong quân ngũ, các quân nhân thường lên tiếng đếm hoặc hát để tất cả đoàn đi theo nhịp quân hành.
5. Khi một con vịt bị đau hay bị bắn trọng thương phải rời khỏi đội hình thì sẽ có hai con vịt đồng hành rời theo để nâng đỡ và bảo vệ. Hai con đó ở bên cạnh con vịt yếu kém cho đến khi tự bay đuợc hoăc bị rớt chết thì chúng mới bỏ bay theo đoàn vịt khác.
Chúng ta hãy suy gẫm tới tình đồng loại và những quy luật của đàn vịt trời mà đối xử với nhau trong cùng một cộng đồng hay đoàn thể.
(trích trong Chicken Soup for the Soul)
TIẾNG VANG
Hai cha con nọ đang đi men theo triền núi. Bỗng người con trai nhỏ trượt chân và ngã, em la lớn lên “Ối chao!”. Em lấy làm ngạc nhiên khi thấy ở miền núi xa có tiếng ai nhái lại “Ối chao!”.
Em tò mò la lên “Ngươi là ai?” thì em nhận lại tiếng nhái lại “Ngươi là ai?” Tức giận quá, em quát lên: “Quân đốn mạt!” thì em lại nghe tiếng nhái lại: “Quân đốn mạt!”. Em nhìn người cha và hỏi “Thế là thế nào hở cha?”
Người cha mỉm cười và nói: “Này con hãy xem đây”. Nói rồi, ông nói lớn lên: “Anh hay quá!” thì nghe tiếng trả lời “Anh hay quá!”. Rồi ông lại la lên: “Anh tuyệt vời quá!” thì cũng nghe tiếng trả lời “Anh tuyệt vời quá! ”
Người con ngạc nhiên nhưng cũng vẫn chưa hiểu. Người cha ôn tồn giảng : “Đó là tiếng vang con ạ! Khi có những khoảng trống rộng rãi như ta có trước mặt đây thì các tiếng động lớn hay tiếng nói lớn nó sẽ dội lại như vậy.
Con nói những lời tức giận thì nó sẽ dội lại những lời tức giận, cha nói những lời đẹp đẽ thì nó sẽ dội lại những lời đẹp đẽ!
Ở đời cũng vậy! đời là sự dội lại của các hành động của ta. Khi tâm ta có lòng từ bi thì chúng ta sẽ nhận lại sự yêu thương. Khi ta hành động những điều xấu thì nỗi bất hạnh sẽ lại xảy đến cho chúng ta.”
ÔNG ẤY CẦN TÔI
Cô y tá nọ hướng dẫn một chàng thanh niên với vẻ mặt hốt hoảng âu sầu tới bên giường bệnh của ông già .
Cô nói : ”Ông ơi! Con trai ông đã tới đây này!”
Cô phải nhắc lại nhiều bận thì ông già bệnh nhân mới mở mắt ra nhìn. Ông bị ảnh hưởng thuốc mê và cơn đau nên chỉ nhìn thấy lờ mờ người thanh niên đứng bên bình dưỡng khí ở đầu giường. Ông giơ tay quờ quạng nắm lấy bàn tay người thanh niên, siết chặt, không rời tay ra như cần một sự an ủi.
Cô y tá lăng xăng mang một chiếc ghế lại gần giường bệnh cho người thanh niên ngồi. Rồi suốt đêm đó, người thanh niên ngồi giữ bàn tay ông già và nói những lời an ủi đầy hứa hẹn.
Người bệnh già thì chẳng nói được câu gì, chỉ biết nắm chặt lấy bàn tay người thanh niên.
Sáng ngày ra, người bệnh thở hắt ra và chết. Người thanh niên bùi ngùi đặt cái bàn tay bất động nọ xuống bên giường và đi báo tin cho cô y tá.
Trong khi cô ý tá làm thủ tục giấy tờ, người thanh niên tần ngần đứng bên cạnh. Khi cô làm xong thủ tục, cô ngỏ lời chia buồn với chàng thanh niên thì chàng này hỏi cô rằng: ”Ông ấy là ai vậy? tên là gì?”
Cô y tá ngạc nhiên: ”Tôi tưởng ông ta là cha anh?” Chàng thanh niên trả lời: ”Không, ông ta không phải là cha tôi, tôi chưa hề gặp ông ta bao giờ, tôi vào thăm người bạn có lẽ cùng họ, nên cô dẫn tôi nhầm tới đây.”
Cô y tá kêu lên: “Ổ, thế sao anh không cho tôi biết khi tôi dẫn anh tới đây!”
Chàng thanh niên nọ chậm rãi: “Khi tôi được biết ông ta bệnh nặng khó qua khỏi mà ông ta lại đang mong mỏi sự có mặt người con trai chưa tới được. Ông ta đã yếu quá, cũng không nhận ra được ai cả, tôi cảm thấy ông ta rất cần tôi nên tôi ở lại cũng có sao đâu!”
Lời bàn: Thật là một tấm lòng quảng đại.
HAI CÁCH DIỄN GIẢI
Ngày xưa, có vị Hoàng đế của một xứ Ả Rập nọ triệu một nhà tiên tri tới để hỏi ông sẽ sống được bao nhiêu năm. Nhà tiên tri nói : “Bệ hạ sẽ sống lâu, sống lâu tới cỡ Ngài sẽ chứng kiến được các cái chết của các con Ngài“. Ông Hoàng tức giận vì lời nói xúc phạm, ra lệnh cho quân sĩ mang ra chém đầu.
Ông liền triệu một nhà tiên tri khác và cũng hỏi câu hỏi về tuổi thọ đó của ông. Nhà tiên tri này trả lời như sau : “Thưa Bệ Hạ, Ngài sẽ sống lâu, Ngài sẽ sống thọ hơn tất cả mọi người trong gia đình Ngài. Ông Hoàng hoan hỷ và tặng rất nhiều tiền cho nhà tiên tri.
Hai nhà tiên tri đều nói lên sự thật nhưng một lời nói thì bộc trực và một lời nói thì uyển chuyển hơn.
Lời bàn : Cùng một sự thật nhưng cách diễn giảng và cách dùng từ ngữ khôn khéo thì dễ lọt tai hơn.