Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

HỘI QUÂN NHÂN NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT

Buổi lễ vinh danh những chiến sĩ người Mỹ gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ đã hy sinh do hội quân nhân người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Armed Forces Association - VAAFA) tổ chức
Lê Thị Hoài Niệm, Aug 12, 2010


Cali Today News - Tình thương và sự cảm phục xen lẫn với niềm tự hào dành cho những con em- thế hệ tiếp nối của người Việt nam tị nạn Cộng sản đang sống trên đất nước Hoa Kỳ, đã và đang phục vụ, chiến đấu trong quân đội Mỹ trên khắp các chiến trường, góp phần vào sự gìn giữ, bảo vệ đất nước được bình yên, một xứ sở với đầy tình người đã giang rộng vòng tay cưu mang, giúp đỡ, nuôi nấng cả hàng triệu người Việt nam từ những “bước chân tị nạn”.

Hơn hai trăm đồng hương và cả người Mỹ bản xứ, đa số là những cựu quân nhân thuộc các quân binh chủng của Việt Nam Cộng Hoà năm nào, có cả phóng viên của nhiều đài truyền thanh, truyền hình Mỹ Việt, đã không quản ngại cơn nóng hằng trăm độ bên ngoài ở xứ Houston, họ đến để tham dự buổi lễ “Vinh danh các chiến sĩ người Mỹ gốc Việt đã anh dũng hy sịnh tại các chiến trường Iraq và Afghanistan”, cùng lúc phát học bổng cho các em học sinh thiếu điều kiện tài chính nhưng giàu lòng hy sinh để giúp đỡ kẻ khác nhưng vẫn học giỏi. Những học bổng này mang vinh dự của những anh hùng tử sĩ có tên gọi rất Việt Nam, do hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt, Vietnamese American Armed Forces Association gọi tắt là VAAFA.
Nhiều cư dân thành phố chưa nghe hoặc biết về hội non trẻ này nên chẳng mấy quan tâm. Hội VAAFA được gợi ý và hình thành cách đây khoảng ba năm bởi một vài chiến sĩ lúc ban đầu. Hải quân Thiếu tá Chris (Chinh) Phan, khi phục vụ tại chiến trường Iraq trong chức vụ một luật sư của Hải Quân, một hôm gặp một vị Thiếu tá, người chiến sĩ oai hùng của binh chủng Thuỷ Quân Lục chiến, hai người Việt nam gặp nhau rất mừng rỡ, nhưng chạnh lòng vì thấy mình sao …lẻ loi giữa hàng hàng lớp lớp người lính Mỹ, Mễ, tuy tiếng nói không trở ngại, và mọi quân nhân Hoa Kỳ ra mặt trận đều được chu cấp đầy đủ về vật chất, nhất là thức ăn, thức uống, nhu cầu sinh hoạt…, nhưng họ vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì, à thì ra là một tô phở bốc khói tại khu Phước Lộc Thọ, một tô bún bò thơm nức mũi ở nhà mẹ nấu, kém phẩm chất hơn là một tô mì gói cay cay…một chút gì Việt nam vẫn tiềm tàng đâu đó trong tâm khảm người lính Hoa Kỳ gốc Việt.


Tại sao không thành lập một hội để an ủi tinh thần lẫn nhau, chia xẻ những buồn vui, những khó khăn nếu có, một chút quà hoàn toàn Việt Nam từ những người bạn ngòai gia đình? Và hội VAAFA được hình thành mà Hải quân thiếu tá Chris Phan là con chim đầu đàn.
Họ đã thực hiện được một phần nào những mong muốn khi thành lập hội. Những người lính Mỹ gốc Việt đã tìm về với nhau, những giọng nói tiếng Việt lơ lớ lúc ban đầu đọc không rõ một cái tên mang họ Việt Nam, bây giờ đã lưu loát hơn, thùng mì gói (không rõ xuất xứ) được gửi sang chiến trường Iraq, mà Trung úy Bộ Binh Michael Trương (người vừa về từ chiến trường Afghanistan và sẽ trở lại ngày 15/8/10) đã không được gói nào, vì các bạn đồng ngũ người Mỹ đã …dành ăn trước.
Hội trường nhà hàng Kim Sơn đã lắng đọng một khoảng thời gian khi lời và nhạc của bài quốc ca VNCH được vang lên, sau đó là quốc ca Hoa Kỳ, với đội hình lễ kỳ do các em cháu người bản xứ trong “SEACADETS” dưới sự điều khiển của vị sĩ quan chỉ huy... 
Bùi ngùi xúc động khi nhìn lên bàn thờ trước sân khấu, mười hai ngọn nến lung linh và tên tuổi bài vị của 12 chiến sĩ người Mỹ gốc Việt đã hy sinh, được xướng lên trong buổi lễ bởi Nữ Hải quân Đại úy Laura Lê (tiếng Mỹ) và MC Nam Lộc (tiếng Việt), với tiếng kèn truy điệu bi thương nhưng hùng tráng:
USMC LCPL JEFFERY LAM                                                  
USMC LCPL ALAN DINH LAM                                                  
USMC LCPL ANDREW S.ĐANG                                                   
USA SSGT DU HAI TRAN                                                   
USAF TSGT THANH V. NGUYEN
USA PFC TAN Q. NGO
USASFC TUNG M.NGUYEN                                                                           
USA SPC ĐAN H NGUYEN                                                                             
USA SGT LONG N.NGUYEN
USMC LCPL Victor H.LU
USA SPC Binh Tran
USMC CPL Binh N. Le 


Nơi đó, cạnh bàn thờ, một cái nón sắt đơn độc cắm trên đầu súng của người lính còn sót lại khi linh hồn và thể xác đã vĩnh viễn về an nghỉ một nơi nào đó.  Với giọng nói thật trầm buồn của MC Nam Lộc, một người thế hệ trước và một cháu sinh sau (đại úy Laura Lê), đã đưa người tham dự hiểu phần nào những cảm nghĩ của người hiện hữu dành cho người đã hy sinh hoặc mất tích.
Bên kia, nơi chiếc bàn nhỏ, chỉ có một chiếc ghế trống úp xuống không người ngồi, dành cho một “tù nhân” nhỏ bé, bị “yếu thế” trước kẻ thù, trên bàn trải một tấm khăn trắng, tượng trưng cho sự tinh khiết, tâm hồn trắng trong của người chiến sĩ, sẵn sàng phục vụ cho tổ quốc. Một đóa hồng lẻ loi, đơn độc, tượng trưng cho màu máu của những chiến sĩ, và đóa hoa là sự tin tưởng rằng họ sẽ trở về. Một ngọn nến lung linh, là nguồn sáng hy vọng. Một ru-băng màu vàng, là niềm tin người về không thiếu sót một ai. Một cái ly úp ngược xuống, rằng người chiến sĩ đã không thể uống cạn chén với đồng đội đêm nay. Một lát chanh để trên một cái đĩa nhỏ, nói lên dùm số phận đắng cay, chua chát của người chiến sĩ, và những hạt muối rắc lên lát chanh kia, là những giọt nước mắt của người thân, của gia đình rớt xuống hằng giờ để chờ đợi bóng người chiến sĩ trở về…  Cảm động vô ngần dưới ánh đèn mờ ảo, nên khi đèn thắp sáng, những bàn tay đã vội quẹt ngang vầng mắt.
Mười hai học bổng được trao ở khắp mọi nơi trên đất Mỹ. Ở Houston đã dành cho  Quân Nguyễn, người học sinh xuất sắc, mới theo gia đình sang Mỹ theo diện HO được ba năm, em đã tham gia rất nhiều sinh hoạt trong cộng đồng, và em nói rất hãnh diện khi được hội VAAFA trao tặng phần thưởng này, và em hứa sẽ cố gắng thật nhiều... Phần học bổng được trao bởi cha mẹ chiến sĩ Dan Nguyễn, người chiến sĩ đã hy sinh tại chiến trường Iraq năm 2007.
Buổi vinh danh chiến sĩ và gây qũy của hội VAAFA được Đại uý Dương Lành tiếp lời nói về ý nghĩa và việc làm của hội. Với giọng tiếng Việt thuần thục, vị đại úy người Mỹ gốc Việt này đã cho người tham dự hiểu được rằng, thành viên của VAAFA là những người :
1-ƯU TÚ
2-TRUNG TRỰC
3-ÁI QUỐC
4-TỰ HÀO
5-TƯƠNG TRỢ
Người tham dự buổi gây quỹ thật hoan hỉ đóng góp và nức lòng khi ban tổ chức muốn đấu giá khung hình có hai lá cờ Việt-Mỹ xếp lồng vào nhau. Dĩ nhiên giá trị lá quốc kỳ vô giá, không ai có thể mua được, nhưng ở đây, giá trị tinh thần dành cho hội, nên được một vị hảo tâm trao tặng cho hội một số tiền không nhỏ, để rước khung hình cờ về làm kỷ niệm..


Chương trình văn nghệ thật sống động, gợi nhiều kỷ niệm cho lớp người đi trước lại do những ca sĩ rất trẻ hát những bài nhạc về LÍNH, được điều khiển bởi hai MC: nhạc sĩ Nam Lộc và cô Pha Lê của đài truyền hình Van TV, xen kẽ là mục sổ số lấy hên , trúng xổ số là những khung hình với đầy đủ những huy hiệu của các quân binh chủng trong quân lực Hoa Kỳ.
Xin cảm ơn ban tổ chức, những người Lính trẻ trong quân đội của xứ sở này. Trong tâm tình lắng đọng, các cháu là những người con anh hùng của đất nước Hoa Kỳ, và là niềm hãnh diện của những người Việt Nam tị nạn Cộng sản. Xứ sở này vẫn cần những người cầm súng chiến đấu bảo vệ, dù không một ai muốn chiến tranh chết chóc. Nhưng những người đi chiến đấu để bảo vệ cho người hậu phương được sống yên bình là những anh hùng, mà người người phải biết ơn.
Dù các cháu vào quân đội Mỹ với bất cứ lý do gì, vẫn là niềm tự hào của những người Việt tị nạn, các cháu đã thay thế cha mẹ, lớp người tuổi đã về chiều, muốn đền ơn đáp nghiã phần nào cho xứ sở này, nhưng không còn điều kiện...
Nguyện cầu anh linh những chiến sĩ đã hy sinh sớm được về an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Sự hy sinh của các cháu không bao giờ bị lãng quên.
Cầu chúc những gia đình có chiến sĩ hy sinh sẽ có nhiều nghị lực trong cuộc sống, khi biết con mình không hy sinh vô nghĩa.
Xin cảm ơn những mạnh thường quân đã âm thầm giúp đỡ cho Hội VAAFA, để có buổi lễ rất thành công này. Cũng không quên cảm ơn những người đã đi tham dự.
Lê Thị Hoài Niệm