Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

VẺ VANG DÂN VIỆT

Hai anh em người Việt đoạt Giải Eureka 2010

Trà Mi - VOA | Washington, DCThứ Ba, 31 tháng 8 2010
Hai anh em người Việt Nam vừa đoạt Giải thưởng phát minh Eureka 2010 do Tổ chức Khoa học và Công nghệ quốc phòng của Australia tài trợ. Hai nhà khoa học trẻ, Giáo sư-Tiến sĩ Võ Bá Ngự và em trai là Giáo sư-Tiến sĩ Võ Bá Tường, của Trường Điện, Điện tử, và Điện toán thuộc Đại học Tây Australia được vinh danh vì đã phát triển cách tiếp cận mới về giải thuật theo dõi, cho phép theo dõi cùng lúc nhiều mục tiêu với công suất máy tính thấp, một phát minh độc đáo hỗ trợ quốc phòng, an ninh quốc gia, và có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực dân sự khác.
Giáo sư Võ Bá NgựGiáo sư Võ Bá Tường
Giáo sư Võ Bá Ngự   Giáo sư Võ Bá Tường

Năm 1982, cậu bé Bá Ngự cùng gia đình đến Australia tị nạn và định cư tại thành phố Perth, thuộc tiểu bang Tây Úc. Giáo sư Bá Tường là người em út trong gia đình gồm ba anh em mà Giáo sư Bá Ngự là anh cả. Điều thú vị là cả hai anh em đều theo đuổi một ngành học là toán và điện, cùng đạt học vị Giáo sư-Tiến sĩ trong ngành, và hiện đang giảng dạy cùng khoa, tại cùng một trường Đại học Tây Úc.
Sau khi nhận Giải thưởng Phát minh Eureka 2010, Tiến sĩ Võ Bá Ngự, người đứng đầu công trình nghiên cứu, trò chuyện với Tạp chí Thanh Niên VOA về con đường phấn đấu từ một người Việt tị nạn tới vị trí một khoa học gia thành công của Úc.
Trà Mi:Được biết là cả hai Giáo sư Tường và Giáo sư Ngự đều theo một ngành học giống nhau, là Giáo sư-Tiến sĩ cùng khoa, lại công tác tại cùng trường. Cơ duyên nào đưa đẩy hai anh em cùng theo một con đường như thế, thưa ông?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Năm 2000, khi tôi rời thành phố Perth để đi dạy ở Melbourne, em Tường mới vào đại học năm nhất. Cho nên tôi cũng không nghĩ là ngày nào đó anh em chúng tôi sẽ cộng tác nghiên cứu. Công trình nghiên cứu của tôi hiện giờ gọi là “Random Sets”, tạm dịch ra tiếng Việt là “Tập hợp Ngẫu nhiên”, và những ứng dụng của nó trong khoa học-kỹ thuật mà phần lớn là về vấn đề quốc phòng. Tôi bắt đầu nghiên cứu về vấn đề này từ khoảng năm 2002 đến 2003. Đến cuối 2005 thì anh em chúng tôi mới bắt đầu hợp tác. Một người bạn cũng là một người cộng tác đắc lực của tôi hiện là nhân viên của công ty Lockheed-Martin, lúc ấy, gửi cho tôi một tập tài liệu. Trong đó ông đúc kết và đưa ra một bài toán về theo dõi mục tiêu và hỏi tôi có thể giải bài toán này được không. Khi đó, tôi đang bận đi dạy nên không có thời gian đọc kỹ. Tôi mới gửi tài liệu đó cho em Tường, lúc đó đang bắt đầu công trình nghiên cứu hậu đại học. Thế là Tường bay qua Melbourne. Trong thời gian một tuần, anh em chúng tôi giải được bài toán đó. Sau đó, Tường cảm thấy thích thú với bộ môn nghiên cứu này, và anh em chúng tôi tiếp tục cộng tác cho tới bây giờ.
Trà Mi:Nhưng từ nhỏ hai anh em có cùng một niềm đam mê trong lĩnh vực khoa học này, cùng giải toán chung, cùng học tập chung với nhau hay chăng mà lại đi theo cùng một ngành khoa học, thưa ông?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Đây cũng là một sự trùng hợp vì tôi hơn Tường tới 12 tuổi. Lúc nhỏ, chúng tôi không học chung. Tường đi theo ngành này là sự trùng hợp chứ không phải vì ảnh hưởng của tôi.
Trà Mi: Ngẫu nhiên mà hai anh em cùng là Giáo sư-Tiến sĩ một ngành khoa học, không biết đây có phải là do gene di truyền của gia đình? Gia đình ông có làm khoa học không, thưa ông?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Không, ba tôi là quân nhân và mẹ tôi là giáo viên.
Trà Mi: Thật là thú vị khi hai anh em cùng chung một ngành và chung một chí hướng giống nhau. Về Giải thưởng Eureka cao quý mà cả hai anh em cùng nhận được trong năm nay, cảm tưởng của Giáo sư khi được trao Giải này ra sao?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Tôi cảm thấy rất vinh dự, đồng thời cũng cảm thấy mình rất may mắn. Có rất nhiều nhà nghiên cứu xuất sắc hơn chúng tôi, nhưng quý vị cũng biết là trong lĩnh vực nghiên cứu, yếu tố may mắn rất quan trọng trong việc dẫn tới một khám phá mới. Tôi có rất nhiều may mắn. Một trong số đó là được cộng tác và làm bạn với những nhà nghiên cứu hàng đầu trong ngành này. Do đó, tôi học hỏi rất nhiều từ họ.
Trà Mi:Chắc Giáo sư khiêm nhường cho là may mắn chứ thiệt ra để hoàn thành một công trình nghiên cứu phải mất rất nhiều thời gian, nỗ lực, cũng như tâm huyết đặt vào trong đó. Xin được hỏi thăm phát minh của nhóm nghiên cứu gồm 3 người do ông dẫn đầu tổng cộng mất thời gian thực hiện và hoàn thành trong bao lâu?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Tôi bắt đầu nghiên cứu từ năm 2002-2003. Tới năm 2008, bài của chúng tôi đăng gửi dự Giải Eureka. Như vậy mất khoảng 5 năm để có được kết quả này.
Trà Mi: Và từ 2008 tới nay, nó đã bắt đầu được ứng dụng phải không ạ?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Bắt đầu từ 2008 tới nay nó đã bắt đầu được ứng dụng và phát triển thêm.
Trà Mi: Các ứng dụng của phát minh này trong lĩnh vực quốc phòng và trong các lĩnh vực dân sự khác là gì?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Trong lĩnh vực quốc phòng, nó dùng để theo dõi và kiểm soát một số lượng lớn mục tiêu. Trên không, những mục tiêu này có thể là máy bay, hỏa tiễn. Dưới biển thì có thể là tàu chiến, tàu ngầm, hoặc tàu dân sự. Về mặt dân sự, phương pháp này có thể dùng trong việc kiểm soát hoặc thống kê giao thông. Một áp dụng khác là giám sát đám đông như dùng camera để theo dõi đám đông. Một ứng dụng nữa là theo dõi tế bào. Phương pháp của chúng tôi có thể giúp các chuyên gia y khoa nghiên cứu hữu hiệu và nhanh chóng hơn về tác động của thuốc lên các tế bào. Một áp dụng khác đã được một công ty ở Anh làm được là dò tìm ống dẫn dầu dưới giàn khoan. Các ống dẫn dầu trong thời gian từ nửa năm đến một năm có thể bị di chuyển và hư hại. Nếu cho người lặn xuống tìm rất nguy hiểm. Do đó, các công ty dầu khí thường dùng máy để đo. Và một công ty ở Anh đã áp dụng phương pháp của chúng tôi để dò tìm các ống dẫn dầu bị hư.
Trà Mi: Sau phát minh này, sau Giải thưởng này, hai anh em Giáo sư có dự định và kế hoạch tiếp nối ra sao?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Đây chỉ là bước đầu. Phát minh của chúng tôi đã chứng minh được là thuyết Tập hợp Ngẫu Nhiên có thể giải quyết được vấn đề theo dõi mục tiêu một cách hữu hiệu hơn. Tôi dự định nghiên cứu và thiết kế một hệ thống theo dõi mục tiêu hoàn chỉnh hơn bằng cách kết hợp những cái hay của phương pháp cổ điển và phương pháp mới.
Trà Mi:Chân thành chúc mừng hai anh em Giáo sư đã thành công trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Nhưng ngoài yếu tố may mắn mà Giáo sư vừa chia sẻ, những yếu tố nào quyết định sự thành công, nhất là trong lĩnh vực khoa học, một ngành rất nhiều gian khổ và hóc búa. Lời khuyên của ông dành cho giới trẻ là gì?
Giáo sư Võ Bá TườngGiáo sư Võ Bá Tường
Giáo sư Võ Bá Ngự: Thành công theo tôi chỉ là vấn đề tương đối, cho nên tôi không dám đưa ra lời khuyên với tư cách của một người thành công. Theo kinh nghiệm của tôi, ngoài may mắn, hai yếu tố khác rất quan trọng là sở thích và đam mê. Với tư cách của một người đi trước, tôi khuyên các bạn trẻ nên tìm hiểu chính mình và vạch cho mình một hướng đi. Sau đó, hãy dồn hết nỗ lực cho lý tưởng của mình. Dù thành công hay thất bại thì chúng ta cũng sẽ có một cuộc sống ý nghĩa hơn.
Trà Mi:Là một người Việt thành công trên quê hương thứ hai ở nước ngoài. Trong quá trình nỗ lực tiến thân từ một người Việt di cư ra nước ngoài cho tới vị trí của một khoa học gia danh tiếng hiện nay của Úc, có những thử thách, khó khăn, hoặc những kỷ niệm nào ông cảm thấy đáng nhớ nhất?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Bất cứ gia đình tị nạn nào khi mới qua cũng khó khăn về vấn đề ngôn ngữ, tìm việc làm, lo cho con cái đi học. Cha mẹ chúng tôi cũng như bao gia đình khác, cũng gặp những khó khăn như thế. Tôi cảm thấy rất biết ơn cha mẹ vì ông bà đã bỏ tất cả để lo cho chúng tôi ăn học đến nơi đến chốn. Khi qua định cư tại một nước xa lạ, ông bà đã phải làm bất cứ việc gì để nuôi sống gia đình, lo cho chúng tôi học.
Trà Mi: Và đó là động cơ thúc đẩy Giáo sư có niềm đam mê và phấn đấu cho tới thành tựu hôm nay?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Dạ đúng vậy.
Trà Mi:Nếu có người nêu hỏi Giáo sư rằng là một người gốc Việt đóng góp tài năng chất xám cho một đất nước khác, không phải là quê hương bản xứ của mình, cảm nghĩ của ông ra sao? Câu trả lời của Giáo sư như thế nào?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Tôi sống ở Úc hơn 28 năm. Nước Úc đã cưu mang gia đình chúng tôi cũng như bao nhiêu gia đình Việt Nam tị nạn khác. Tôi đã được hưởng được nền giáo dục của nước Úc mà nếu sống ở Việt Nam tôi sẽ không được hưởng những quyền lợi này. Người Việt chúng ta có câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Cho nên, theo tôi, đóng góp cho nước Úc là chuyện đương nhiên. Đây là nhiệm vụ của một công dân Úc.
Trà Mi: VN hiện nay cũng muốn thu hút nhân tài để phát triển đất nước. Theo giáo sư, các điều kiện cần và đủ có thể lôi cuốn được nguồn lực chất xám người Việt ở hải ngoại về đóng góp cho quê hương là gì?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Theo thiển ý của tôi, điều kiện này cũng rất đơn giản. Nếu Việt Nam thật sự có tự do dân chủ và nhân quyền thì nhân tài khắp nơi sẽ kéo về đóng góp phát triển đất nước chứ không cần phải có những chính sách thu hút.
Trà Mi:Là một khoa học gia gốc Việt, nếu được mời đóng góp trong lĩnh vực giảng dạy-nghiên cứu tại quê cha đất tổ của mình, ý kiến của giáo sư ra sao?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Được đóng góp cho Tổ quốc là điều mong muốn của tôi và của cha mẹ tôi. Ông bà thường nói vì hoàn cảnh của đất nước, ông bà không có cơ hội đóng góp, nhưng ông bà mong rằng anh em chúng tôi có thể làm việc đó thay họ. Cho nên, nếu có cơ hội, tôi sẵn sàng đóng góp.
Trà Mi: “Cơ hội” theo ý Giáo sư đây nên được hiểu như thế nào ạ?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Ý của tôi là khi Việt Nam có tự do dân chủ, tôi sẽ sẵn sàng đóng góp.
Trà Mi:Theo ông, điều kiện tiên quyết phải là tự do, dân chủ. Đối với người dân trong nước, dĩ nhiên điều này rất quan trọng, nhưng nó có vai trò thế nào đối với nguồn lực chất xám người Việt hải ngoại để quyết định việc quay về đóng góp của họ?

Giáo sư Võ Bá Ngự:
Tại vì nếu không có tự do dân chủ thì những nhà trí thức về phục vụ chỉ là phục vụ gián tiếp cho nhà cầm quyền thôi. Thành ra, nếu có tự do dân chủ thì việc này sẽ dễ hơn. Trong nghiên cứu, không hẳn chỉ là khoa học, mà cũng có thể là về lịch sử, chính trị. Người nghiên cứu nếu được quyền nói lên những gì muốn nói thì mới gọi là nghiên cứu, chứ không nói được những gì muốn nói thì làm sao gọi là nghiên cứu được? Những giới hạn đó sẽ làm cho những nhà nghiên cứu chán nản và không thể nghiên cứu hữu hiệu hơn.
Trà Mi: Ông đã có cơ hội về Việt Nam lần nào chưa kể từ khi sang Úc định cư tới nay?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Tôi có về thăm Việt Nam 2 lần.
Trà Mi:Cảm nhận của ông sau chuyến đi đó như thế nào?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Có điều là tôi không thể tưởng tượng được là sự cách biệt giai cấp giữa người giàu và người nghèo trong xã hội. Ở Úc cũng có sự cách biệt đó nhưng so với Việt Nam thì sự cách biệt đó rất nhỏ.
Trà Mi: Nếu có một mong ước cho đất nước của mình, Giáo sư có điều gì muốn chia sẻ?
Giáo sư Võ Bá Ngự: Tôi ước mong Việt Nam có tự do dân chủ.
Trà Mi: Xin cảm ơn Giáo sư rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.
Giáo sư Võ Bá Ngự: Cảm ơn chị.
Vừa rồi là câu chuyện với nhà khoa học trẻ gốc Việt, Giáo sư-Tiến sĩ Võ Bá Ngự, thuộc trường đại học Tây Úc, người vừa cùng em trai ruột là Giáo sư-Tiến sĩ Võ Bá Tường nhận Giải thưởng Phát minh Eureka 2010.
Tạp chí Thanh Niên xin tạm chia tay với quý vị và các bạn tại đây và sẽ trở lại trong một đề tài mới vào giờ này, tuần sau. Mong quý vị nhớ đón xem.