Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

BÁCH TUÊ

From: Sung Truong*Ngoan Nguyen*Vincent Tho*
Chin Nguyen*DobaMinh
Người 100 tuổi vẫn chẳng "về hưu"
Tác giả: Khánh Linh
Cuộc trò chuyện của PV Tuần Việt Nam với ông chỉ kịp vẽ vài nét phác họa về một "kẻ lữ hành không mệt mỏi của đường dài", "thương hiệu" mà rất nhiều đồng nghiệp của ông trong nghệ thuật dành cho ông.
Ngày 23/10 năm nay, các con cháu dòng họ Dương đã tổ chức lễ thượng thọ mừng Bác sĩ - Họa sĩ Dương Cẩm Chương 100 tuổi. Nhưng những người lần đầu gặp ông như tôi chỉ nghĩ ông ở tuổi 80, trò chuyện lại càng thấy ông trẻ và rất hóm hỉnh, yêu đời. Tôi gọi ông là ông, còn ông lại gọi tôi là... chị.
   bach tue 1

Những anh nằm ngửa nhìn trần thì chóng chết lắm
Bí quyết nào để ở tuổi 100 ông có thể trẻ đến thế?
- Cái gì mà chị cho là tốt, thì chị phải làm rất đều. Tôi nói ví dụ, mỗi ngày tập thể dục, thể thao 15, 20 phút là tốt thì mình sẽ phải tập mãi. Nếu tập mãi mà không thấy thay đổi nữa tức là mình tốt rồi, còn thấy thay đổi thì mình biết mình yếu đi hay khỏe lên. 60, 70 năm nay tôi chỉ tập một cách nhẹ nhàng, nhưng rất đều đặn.
Rồi mình phải tập tinh thần của mình nữa. Không chỉ chú trọng những gì mình làm, mà chú trọng cả cái gì mình không cần làm, không nên làm vì có thể nguy hiểm cho sức khỏe. Tôi cho rằng giấc ngủ là thứ đồ ăn của tinh thần, chị ngủ được bao nhiêu thì tinh thần khỏe mạnh bấy nhiêu? Giờ tôi vẫn ngủ từ 10h đêm đến 6h sáng, cả đêm cũng chỉ dậy 1 lần. Chú trọng về tinh thần của mình giúp mình ngủ ngon. Những người không ngủ được là do họ nghĩ nhiều chuyện quá, nên không chủ động được. Còn tôi, khi tôi đi ngủ thì tôi chỉ ngủ thôi, chỉ tập trung vào một việc mà bình thường mình làm mãi mà không để ý, đó là việc thở. Dể bước vào giấc ngủ thì chị hãy chỉ thở thôi, không nghĩ chuyện khác nữa.
Cuộc đời ông có hai sự nghiệp: y khoa và hội họa. Sự nghiệp nào giúp ông khỏe hơn?
Mỗi cái một khác chứ. Làm y khoa là làm khoa học, chuyện khoa học cần thiết cho trí thức, làm y khoa lại có ích cho mọi người, nên tôi làm rồi thì thấy thích lắm,
Nhưng tôi có cái may mắn là về hưu sớm lắm, 60 tuổi tôi đã về hưu rồi. 40 năm nay tôi làm hội họa, mỹ thuật, mà làm một cách rất tự nhiên vì từ bé tôi đã có năng khiếu vẽ. Nhưng vì mình phải học chữ, rồi học nghề, lấy bằng y khoa ra thì phải làm việc. Chỉ đến khi về hưu, có nhiều thời gian rảnh thì tôi mới trở lại được với hoài bão cũ. Vậy chứ tôi làm nghệ thuật cũng 40 năm, bằng thời gian theo ngành y rồi còn gì.
bach tue 2
Ảnh Lê Anh Dũng
Tôi cho rằng tuổi về hưu can hệ lắm, vì rất nhiều thời gian rảnh, nhiều người thấy buồn và cô đơn, nếu không biết dùng thì hại lắm. Những anh nằm ngửa nhìn trần thì chóng chết lắm. Phải tìm một công việc gì có ích cho mình để làm. Người thích trồng cây, người thích làm thợ mộc, bên Mỹ làm nghề này rất thích vì có sự hỗ trợ của nhiều máy móc nên làm không khó khăn gì cả.
Theo tôi sống phải có 3 chuyện: phải có sức khỏe, phải có công việc làm, phải biết yêu. Chữ yêu ở đây mang nghĩa rộng lắm, nghĩa là phải có yếu tố tâm lý, phải duy tâm,
Ông bảo y học có ích cho mọi người, không lẽ hội họa không có ích cho mọi người sao?
Cũng có ích, nhưng là có ích một cách gián tiếp thôi. Mình làm hội họa trước hết cho mình, làm nghệ thuật là một thứ tự do không bị lề luật chi phối.
Tôi cho rằng đời con người ta có hai phần, một phần sống với văn hóa, phần kia sống với thiên nhiên.
Sống với văn hóa là cái gì có lề luật chi phối, như mình sống với gia đình, xã hội, nghề nhiệp. Còn sống với thiên nhiên là sống không có lề luật. Con người ta ít để ý đến khía cạnh này, dù mình sống với thiên nhiên nhiều lắm. Một đôi tình nhân yêu nhau là tự nhiên, nhưng trái lại một đôi vợ chồng lại phải sống có lề luật, nào cưới xin, nào li dị.
Giờ tôi vẽ là sống với thiên nhiên, làm công việc mình thích mà không có hại cho ai, không phải để sinh kế.
Nhớ sống cả hai phần đó mà tôi thấy mình làm cái gì cũng hay, có ích cả.
"Giờ con mới thấy giống quá"
Ông đam mê hội họa như thế, sao không "can đảm" theo từ hồi trẻ, mà phải chờ mãi đến khi về hưu?
Sự nghiệp mình có dược hoàn toàn tự do không? Chị có được chọn nghề nghiệp của chị không? Nhiều khi là vì giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, tình thế thời cuộc, nhiều thứ lắm. Đó là sống với văn hóa, mình phải sống theo nó. Tôi thấy cuộc sống tuyệt vời nhất là mình được phép chọn con đường mình đi. Người sung sướng nhất là được "bơ vơ đi trên con đường mình tự chọn", với tôi đó là sự tuyệt đối.
Tôi mê hội họa từ nhỏ, lại có khiếu, 5, 6 tuổi, 10 tuổi đã vẽ rồi. Mọi người trong nhà bảo thằng bé này phải cho đi học hội họa. Nhưng trong nhà tôi phần nhiều nghĩ chuyện khác, thời đó mọi người quan niệm làm nghệ thuật không cho con người sống tốt, nên tôi vẫn phải theo đuổi học chữ. Mình bị bắt buộc, mình chịu ảnh hưởng của giáo dục từ thầy me.
Nhưng học mãi mình cũng thấy thích thú, thích làm việc vì thấy có ích. Tôi chuyên về phẫu thuật, và thấy đời sống hay lắm, khỏe mạnh, sạch sẽ, thấy chữa bệnh hiệu quả hơn là nội khoa. Một người gẫy tay thì mình cưa, hàn nối, thấy có hiệu quả. Nghề này rất tri thức, mà cũng rất linh động.
Một người mê hội họa làm bác sĩ giải phẫu sẽ thế nào nhỉ?
Hai cái đó khác nhau, nhưng trong thâm tâm cũng có ảnh hưởng, Tôi thích nghệ thuật thì khi mổ cũng có vẻ nghệ thuật, đường kim mũi chỉ có vẻ chăm chút, nhiệt tâm hơn. Nếu không nhiệt tâm mà bắt buộc mới làm thì khổ lắm.
Tranh của ông vẽ rất thực?
Tôi ở Pháp 40 năm nên cũng bị ảnh hưởng, tranh tôi vẽ thuộc trường phái ấn tượng. Bây giờ ít người vẽ như thế ở VN, mà phần nhiều vẽ tượng trưng, vẽ để người xem thấy khó hiểu. Đối với tôi như thế khó vẽ lắm, tôi vẽ phải có cảnh trước mặt.
Khi ông vẽ phố thì ông mang giá vẽ ra ngay con phố đó?
Bắt buộc, tôi không bao giờ vẽ theo tưởng tượng cả, tuy mình vẽ có khác cái mình thấy. Tranh tôi thường nhỏ, để trong valy mang theo được. Tôi vẽ nhanh, không bao giờ vẽ một bức tranh quá 3 giờ, thấy có cảm hứng là vẽ, về nhà cũng ít sửa. Có khi đang vẽ được 15, 20 phút thì trời mưa, tôi không vẽ được nữa, bức tranh dở dang nhưng về nhà tôi không chữa, bởi cảm giác lúc đó là cảm giác thật, cảm giác sau này trở về phòng tẩy xóa thì không thật nữa.
Tôi vẽ thiên nhiên nhưng luôn phải có con người, kể cả vẽ rừng thì cũng có một chiếc xe bị bỏ trong rừng. Mình không bay bổng quá mà lúc nào cũng đi chân trên đất.
Tôi vẽ theo cảm hứng. Có lần tôi đến chùa nhân lễ Vu Lan, nhưng chưa vào chùa thì ở ngoài sân tôi thấy có bàn thờ Vu Lan đẹp lắm. Vậy là tôi vẽ luôn mà không vào chùa nữa.

Lần khác tôi vẽ đứa cháu dâu, chúng nó không thích, bảo "ông vẽ xấu quá, cháu có xấu thế này đâu". Nó để 1, 2 năm rồi cất đi không treo nữa, nhưng rồi 7 năm sau lại mang lên treo ở phòng khách, ở một vị trí trang trọng nhất. Hỏi thì chúng bảo "giờ con mới thấy giống quá", chắc nó nhìn mãi thì thấy mình thế thật.
Dọn dẹp con đường mình đã làm ô nhiễm
Ông đã đi khắp nơi trên thế giới, vậy lần đầu tiên từ Pháp về VN ông thấy thế nào?
Tôi rất lấy làm thích, vì khi tôi đi Pháp tôi không biết vẽ, khi trở về VN lần đầu tiên tôi thấy phong cảnh VN rất đẹp. Mỗi năm tôi chỉ về VN 2 tháng nhưng tôi đi từ Bắc đến Nam, và vẽ nhiều lắm.
Tôi ở VN liên tục 3, 4 năm nay rồi, thỉnh thoảng tôi mới qua Pháp chơi. Tôi sẽ ở lại Việt Nam mãi.
Và tiếp tục vẽ nữa chứ?
Tôi đau vai 2 năm nay nên không vẽ được nữa, lão hóa rồi. Trước đây tôi cũng đọc sách mỗi ngày, rồi viết thư, làm thơ. Giờ tôi không vẽ được thì tôi viết về những cảm tưởng của tôi, tôi viết thư gia đình cho những người thân.
Tôi sống lâu nên biết rất nhiều thế hệ. Bạn bè thân của tôi cũng thuộc nhiều thế hệ, thế hệ của tôi đã mất hết rồi, giờ tôi chơi với con bạn tôi, cháu bạn tôi, biết mỗi thế hệ có một cách sống, nhưng mình phải biết thế hệ nào cũng là quan trọng cho vũ trụ, mình phải tìm được sự thông cảm. Tôi vẫn nghĩ, văn hóa VN là văn hóa gia đình, một gia đình nhiều thế hệ, người già có ích vì trông con trông cháu, mình phải quý trọng nó. Gia đình tôi đông lắm, con cháu ở khắp nơi. Ở tuổi mình có trách nhiệm khác, không nuôi con nuôi cháu nữa, mà ông bà nhìn con cháu dưới khía cạnh suy tư.
Tôi thấy trên đời mình đi một con đường, con đường ấy bị ô nhiễm nhiều lắm. Những gì mình nói, mình viết, mình làm, hồi đó mình vội vàng quá. Hồi đó mình thấy đúng, nhưng giờ nhìn lại thấy không đúng. Bây giờ là lúc ôn lại chuyện cũ, dọn dẹp sạch sẽ con đường mà tôi đã làm ô nhiễm.
Ôn lại quá khứ là câu chuyện rất quan trọng, để tự xét mình. Đến lúc mình phải sám hối, đó cũng là sự giải thoát.
Kết thúc cuộc trò chuyện, khi tôi chúc ông luôn mạnh khỏe, thì ông đã đùa hỏi tôi, có biết với một người qua tuổi 100 thì phải chúc thế nào không? Hãy chúc người đó trường thọ. Và đó cũng là lời chúc tôi kính trọng dành cho ông.