Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Người tị nạn Việt Nam cuối cùng vào đát Mỹ

From Do Viet* nguyen manh Quoc
Cuộc phiêu lưu 20 năm vượt Thái Bình Dương đến Mỹ

Tác Giả: Thanh Trúc, phóng viên RFA  
Thứ Sáu, 28.05.2010

Từ Việt Nam, thuyền nhân cuối cùng tới nước Mỹ sau hơn hai mươi năm phiêu lưu trên biển Thái Bình Dương.
image
Anh Lê Văn Nơi đứng trước văn phòng luật sư đã tranh đấu cho anh được tỵ nạn tại Hoa Kỳ / Photo courtesy SOS Boatpeople

Khi chiếc thuyền mong manh chở một số người vượt biển ra khỏi hải phận Việt Nam năm 1989, Lê Văn Nơi là một thanh niên.
Tháng Ba năm 2010, được chấp thuận qui chế tị nạn vì lý do tôn giáo, ông Lê Văn Nơi trở thành thuyền nhân cuối cùng đến Mỹ sau 20 năm và 8 tháng lưu lạc trên những hòn đảo lớn nhỏ của Thái Bình Dương.

Hơn 20 năm giấc mơ đã trở thành sự thật Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay kể lại chuyến đi những mười mấy năm của Lê Văn Nơi từ đảo này qua đảo khác trước khi tấp vào đảo Guam, lãnh thổ hải ngoại của Hoa Kỳ với khoảng vài trăm người Việt, được phép ở lại một cách chính thức sau nhiều lần ra trước Tòa Di Trú địa phương.
Người trực tiếp từ Washington bay qua Guam để giúp đỡ ông Lê Văn Nuôi về mặt pháp lý, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành Ủy ban Cứu Người Vượt Biển, kể lại:
“Khi đến đảo Guam thì anh Lê Văn Nơi gặp một người quen cũ ở Thị Nghè là chị Bé Ba. Đây là sự tình cở hi hữu vì cộng đồng người Việt ở Guam chỉ khoảng ba đến bốn trăm người. Nhờ sự quen biết đó mà chị Bé Ba cùng với cộng đồng người Việt nhỏ bé ở Guam đã xúm lại giúp đỡ cho anh Nơi, hướng dẫn anh đi tìm luật sư, giúp anh ra trình diện với chính phủ Mỹ để xin ở lại Hoa Kỳ.
Thế nhưng chính phủ Hoa Kỳ muốn trục xuất anh Lê Văn Nơi về Việt Nam vì cho rằng anh không có lý do gì để xin tị nạn. Bên luật sư của Sở Di dân Hoa Kỳ quyết chứng minh rằng anh Nơi sẽ được an toàn khi trở về Việt Nam bằng cách trình trước toà bản phúc trình về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, qua đó cho thấy Việt Nam là một quốc gia không có vấn đề bất dung tôn giáo. Bên phía luật sư của anh Nơi thấy cần phải chứng minh ngược lại. Cộng đồng người Việt ở Guam đã tìm mọi cách và cuối cùng liên lạc với chúng tôi.”
Từ chị Bé Ba là người ở Thị Nghè cạnh gia đình anh Nơi trước kia, đến những người khác trong đó có bà Kim Chi, mà sự quen biết với giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, và bà Nancy Bùi ở Washington, dẫn tới Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và Ủy ban Cứu Người Vượt Biển.
Tháng 11 năm 2009 ông Nguyễn Đình Thắng đến Guam, phối hợp cùng luật sư của ông Lê Văn Nơi:
“Tại Tòa án chúng tôi đã trình bày là anh Nơi ra đi vì lý do sợ bị ngược đãi về vấn đề tôn giáo. Luật sư bên Sở Di trú Hoa Kỳ dẫn chứng rằng hiện nay về tôn giáo ở Việt Nam rất thoải mái. Họ dùng bản phúc trình tôn giáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để chứng minh điều đó.
Khi chúng tôi ra toà để làm nhân chứng thì chúng tôi đã nêu ra cho quan toà biết còn một bản phúc trình nữa của Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, và trong bản phúc trình đó liệt kê Việt Nam là 1 trong 11 quốc gia trên thế giới có tình trạng đàn áp tôn giáo tệ hại nhất.
Trước sự việc như vậy, vị chánh án ra lịnh ngưng phiên xử để có thời gian đọc bản phúc trình của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế.
Tháng Ba năm 2010, chúng tôi được tin mừng là quan toà triệu tập lại vụ xử và tuyên bố anh Nơi chính thức được thừa nhận là tị nạn tại Hoa Kỳ.”

Rời khỏi hải phận Việt Nam năm 1989 Bây giờ xin mời quí vị ngược dòng thời gian để nghe ông Lê Văn Nơi thuật lại câu chuyện vượt biển hơn hai chục năm trước. Vì bản thân và gia đình bị cản trở trong việc thờ phượng, lại không muốn đi kinh tế mới cũng như đi nghĩa vụ quân sự, nhiều lần Lê Văn Nơi tìm cách trốn đi nhưng thất bại:
“Tới năm 1989 thì mình mới vượt biên được. Mình đi tới Borneo, ở đó hơn một tuần thì di chuyển qua đảo lớn. Khi có nhiều người tị nạn từ các đảo tập trung về thì Cao Uỷ cấp tàu lớn để chở người tị nạn. Vô đó ở thêm một tuần nữa thì vô trại tị nạn Galang.”
Sống tại Galang hơn 6 năm, qua những đợt phỏng vấn và thanh lọc, nhưng Lê Văn Nơi không được nước nào nhận. Lúc đó cũng là thời điểm 1996, các trại tị nạn ở Indonesia chuẩn bị đóng cửa và cưỡng bách thuyền nhân trở về nguyên quán. Không muốn trở về Việt Nam, anh Nơi cùng một nhóm bạn bỏ trốn vào rừng:
“Mình trốn dưới ghe ở mấy lùm dừa nước đặng tránh sự kiểm soát của cảnh sát họ dắt chó đi theo. Ở dưới nước thì không có mùi hơi người, chó không bắt hơi được. Mình ở đó khoảng hai tháng, sau đó mình với hai người bạn chèo xuồng ra xa rồi căng buồm chạy dọc theo mấy cái đảo xuống dưới Jakarta.
Với đầy đủ lương thực nhưng không có la bàn mà chỉ với một bản đồ đi biển, gió lên thì căng buồm mà lặng gió thì chèo, mất gần hai tháng anh Nơi và ba người bạn tấp vào một vùng đảo quá Jakarta một chút:
“Đến Chitrabon thì ghe hư, mình vô đó định mua dầu chai đặng sửa ghe nhưng mua không được vì dân ở đó không xài tiền đô. Hai nữa dân địa phương thấy có ghe lạ bèn trình cảnh sát. Cảnh sát địa phương lại hỏi mình cũng khai thiệt là mình trốn từ trại tị nạn ra mình muốn tìm tự do mình muốn qua Úc. Họ dòm chiếc ghe mình rồi nói đi qua Úc mà đi ghe này là chết.”
Cảnh sát ở đảo Chitrabon bắt nhóm anh Nơi giao qua Sở Di trú. Sau khi điều tra, tất cả bị giải về nhà tù của Sở Di trú ở Jakarta. Đó là tháng 11 năm 1996. Tại đây, gặp những nhân viên Cao ủy Tị nạn người Indonesia, cả nhóm bày tỏ nguyện vọng là không muốn trở lại Việt Nam. Sau đó nhân viên Cao ủy can thiệp để cả bọn được giam vào nơi tương đối sạch sẽ đàng hoàng hơn.

1996 rời Jakarta đi Bali
Dần dà, nhờ được đi lại thong thả trong tù, anh Lê Văn Nơi giúp đỡ các nhân viên Sở Di trú mọi việc từ dọn dẹp, lau chùi, rửa xe đến sửa bàn ghế. Được hơn nửa năm, nhân viên Sở Di trú tin tưởng và thỉnh thoảng cho ra ngoài để đi chợ:
“Bắt đầu mình lựa mấy anh bạn đồng chí hướng, có tánh nhẫn nại, gom nhau lại đặng đi nữa. Những lần được ra đi chơi thì mình tìm đường đi nước bước.
Mình gom tiền xin được của người em rồi mua vé, bốn anh em trốn xuống đảo du lịch Bali. Mình tính xuống đó rồi mình mua một chiếc ghe nhỏ đặng chạy qua Úc, vì đảo Bali gần với Úc.”
Anh Lê Văn Nơi đã xin tiền của thân nhân đang ở nước ngoài, sau đó gom những người đi cùng lại, mua vé xe tốc hành chạy xuống Bali:
“Mình gom tiền xin được của người em rồi mua vé , bốn anh em trốn xuống đảo du lịch Bali. Mình tính xuống đó rồi mình mua một chiếc ghe nhỏ đặng chạy qua Úc, vì đảo Bali gần với Úc.”
Tới được Bali thì tiền cũng cạn, không có giấy tờ tuỳ thân nên không thể mướn nhà trọ. Cả bốn người bỏ qua đảo Plambok, tìm đường đến một làng ven biển để xin đi đánh cá và chờ thời cơ.
Qua tới Plambok, một người đánh xe ngựa tốt bụng đưa cả bọn đến địa chỉ người quen thì mới hay người này đã chết mấy năm rồi. Thấy tội nghiệp, người tài xế xe ngựa cho về nhà tá túc một đêm. Qua hôm sau, biết mấy người này muốn xuống miền duyên hải, ông tài xế xe ngựa nói là đường đi rất xa và cuộc sống ở đó rất khó khăn. Thế là cả bọn quyết định mua vé xe quay trở lại Borneo, tìm một người cảnh sát đã giúp đỡ bạn của họ trước kia.
Qua một tối ngủ ngoài bến xe, tìm đến nhà người cảnh sát Indonesia sáng hôm sau, cả bốn được người cảnh sát giàu lòng hảo tâm mang đi kiếm việc làm. Anh Lê Văn Nơi và hai người bạn được gởi lên rừng phụ đốn củi, người còn lại xuống làng chài theo ghe đánh cá. Ở trên rừng làm việc vất vả, ăn uống kham khổ mà lại không có tiền lương:
“Bắt đầu mình bị phù thủng, cứ làm một chút là thấy mệt, mình nói với hai  anh bạn kia thà đi làm biển mà có ăn và khỏe hơn chứ còn ở trong rừng kiểu này, vác nặng mà không trả tiền riết chắc chết.
Nói chung hồi còn ở Việt Nam mình đâu biết đánh cá, nhưng ra đó vì bắt buộc thì phải đi, nói chung cũng gian nan dữ lắm. Theo ghe biển đi cào tôm thì nói chung cũng may mắn, đánh tôm có lúc trúng dữ lắm thành ra mấy ông Indo ở đó cũng thích kêu mình đi làm cho người ta, anh em đứa nào cũng có công ăn chuyện làm, có ghe đi có tiền ra vô đàng hoàng.”
1999 rời Borneo trực chỉ New Zealand Trúng được mấy lần tôm, bốn người dành dụm mua một chiếc ghe riêng, mượn thêm tiền của chủ để trang bị máy móc trên tàu. Sau một thời gian trả hết nợ, cả bọn lại tính chuyện ra khơi. Nhưng đến lúc đó thì một trong bốn người, vì thích cuộc sống tại làng chài này, quyết định ở lại. Hai năm sau, một ngày trời yên biển lặng, cả ba giong buồm rời đảo Borneo:
“Bỏ Borneo thì mình tính đánh một vòng xuống hướng đông đi về phia Sulawesi rồi xuống đến Papua New Guinea rồi Solomon, mấy cái đảo dưới đó. Mình tính là sẽ bỏ Papua New Guinea, bỏ Úc rồi qua New Zealand vì ở New Zealand mình nghe nói sẽ không bị đánh đập bị trả về Việt Nam. Thành ra mình tính một đoạn đường rất là xa, mình dự trữ lương thực dầu mỡ đầy đủ hết.”
Trên đường trực chỉ New Zealand, khi coi lại bản đồ, anh Nơi và hai bạn thấy có một đảo nằm dưới sự quản trị của Hoa Kỳ, đó là đảo Guam. Thế là thuyền đổi hướng, định đi ngang vùng đảo Palau, đảo Yap rồi tiến về phía Guam gần hơn New Zealand đến hai phần ba đường.
Bị tàu tuần dương Indonesia chặn lại trên đường tiến về Palau, cả bọn năn nỉ họ đừng bắt và xin đi tiếp:
“Từ đảo Palau này tới đảo Palau nọ đến đảo Palau kia mình chỉ đi từ từ chuyền theo các đảo chứ không dám ra ngoài khơi nữa.”
Giữa đường gặp giông gió, tàu lạc hướng lênh đênh trên biển ba ngày mà không thấy bóng dáng một đảo nào, ba người quyết định quay tàu lại để trực chỉ Philippines.
Sau hai mươi bốn tiếng đồng hồ, họ phát hiện một đảo ở xa và tiến về phía đó. Đây là một đảo nhỏ chỉ có mấy chục dân, cũng có đảo trưởng và cảnh sát. Khi nghe những thuyền nhân xin sửa tàu và xin thêm dầu để tiếp tục đi, đảo trưởng liền đuổi họ ra khỏi vùng đảo Palau ngay lập tức vì nếu không thì ông ta sẽ bắt họ lại.
Cuộc hành  trình trôi nổi cứ thế tiếp tục cho đến khi tàu cặp vào một hoang đảo, lại ra khơi chạy tiếp đến đảo Mulu trước khi tới được đảo Yap, vốn nhỏ như một chấm đen trên bản đồ Thái Bình Dương mênh mong:
“Lúc đó mình tưởng đảo Yap là của Mỹ rồi, mình ở đó trong vòng 9 năm.”
2009 rời đảo Yap hướng đến Guam, Hoa Kỳ Chín năm trên đảo Yap, làm việc cật lực để có tiền mua tàu, đồng thời lập kế hoạch đến đảo Guam như chặng cuối của chuyến vượt biển mười mấy năm trời.
Lần này anh Lê Văn Nơi trang bị kỹ hơn, vừa hải đồ vừa la bản vừa GPS tức máy định vị bằng vệ tinh. Đến lúc này, một trong hai người đi cùng anh, đã lập gia đình với một phụ nữ trên đảo Yap, quyết định không phiêu lưu đến Guam nữa.
Năm giờ chiều ngày 25 tháng Sáu 2009, anh Nơi cùng người bạn còn lại, anh Hiền, bắt đầu ra khơi. Bốn ngày trên biển khơi, đến mười giờ sáng ngày 29 tháng Sáu 2009 thì tàu cặp đảo Guam. Đặt chân lên Guam, hai người nhờ dân địa phương chỉ đường vào dần trong thành phố.
Khi một người lái xe hỏi là muốn tới đâu, anh Nơi nhanh trí bảo cho tới khu phố Việt Nam. Tại đây, gặp đồng hương, anh tình cờ tìm được chị Bé Ba cùng quê để rồi từ chị mà được nhiều người Việt ở Guam giúp đỡ như lời Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng kể cùng quí vị vừa nãy:
“Lúc đó mình thấy mình được cảm giác an toàn, mình bước vô đúng một vùng đất văn minh tự do rồi đó. Mình mới được công nhận quyền tị nạn ngày 24 tháng Ba, thì người ta mới cấp cho mình một cái I-94, mình có quyền đi làm lâu rồi là vì những người quen như mấy anh mấy chị ở đây xin cho mình cái Working Permit, mình đi làm thành ra mình mới có chút đỉnh tiền xoay sở và lo luật sư này nọ.”
Và ước vọng của người ra đi từ thời trai trẻ, hơn hai mươi năm sau tới đất Mỹ, là gắng để dành tiền vào Mỹ để đi học một nghề nào đó.
Câu chuyện về thuyền nhân cuối cùng tới Guam, mảnh đất từng đón những người tị nạn Việt Nam đầu tiên ba mươi lăm năm trước, kết thúc ở đây.