Các nhà khoa học Australia cho hay họ đã phát hiện 9 loài cá có "tay" mới thường đi lại dưới đáy đại dương tại vùng biển ngoài khơi nước này.
Tên gọi cá có tay - handfish - bắt nguồn từ những chiếc vây giống tay con người và loài cá này có khuynh hướng thích đi lại dưới đáy biển hơn là bơi.
50 triệu năm về trước, loài cá nhỏ, màu sắc sặc sỡ và ít di chuyển này đã “đi bộ” dưới đáy các thềm đại dương của thế giới nhưng giờ đây chúng chỉ còn tồn tại ở vùng biển phía đông và nam Australia.
Các nhà khoa học đại đảo Tasmania của Australia gần đây đã phát hiện 9 loài cá có tay mới. Chúng là những loài hiếm gặp và đang bị đe dọa. 9 loài cá này đã được CSIRO (Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng Chung của Australia) miêu tả trong một nghiên cứu nhằm nhấn mạnh rằng cần phải hiểu rõ hơn và bảo vệ sự đa dạng của đời sống biển tại Australia.
Nhà nghiên cứu Daniel Geldhill từ CSIRO cho hay các nhà khoa học đã mất nhiều năm để thu thập thông tin về những loài cá có tay mới.
Cho tới nay, các nhà khoa học mới phát hiện tổng cộng 14 loài cá có tay.
Một trong số những loài cá có tay mới được phát hiện là cá có tay màu hồng. Chỉ 4 con cá loại này từng được nhìn thấy và con cuối cùng được phát hiện trên bán đảo Tasman vào năm 1999.
“Toàn bộ họ cá có tay là sinh vật đặc hữu của Australia, điều đó có nghĩa là chúng chỉ được tìm thấy tại vùng biển Australia và vì thế đây điều rất đặc biệt. Một số loài cá có tay chỉ xuất hiện ở vùng biển phía đông nam đất nước, đặc biệt là đảo Tasmania”, ông Gledhill nói.
Loài cá có tay đầu tiên được phát hiện vào năm 1802 trong một cuộc thám hiểm của người Pháp.
Cá có tay được xem là loài dễ bị tổn thương và có nguy cơ tiệt chủng. Nhà khoa học Nic Bax từ Đại học Tasmania cho hay một số các loài cá có tay đã giảm đáng kể về số lượng, trong đó có cá có tay mình đốm.
Ninh Nhi Theo ABC