Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2010

BAI PHONG VAN CUA L/S.LTC NHAN VOI RFI BI NGUY TAO

Thứ bảy 10 Tháng Tư 2010


RFI Thanh Phương
Một bài phỏng vấn Lê Thị Công Nhân được lưu hành trên mạng, với một số đoạn bị sửa đổi hoặc một số đoạn thêm vào, với nội dung là luật sư Lê Thị Công Nhân đả kích Khối 8406 và các thành viên của phong trào. Trên thực tế, trả lời RFI cô đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những lãnh đạo Khối 8406.
Ngày 7/4 vừa qua, nhân kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Khối 8406, phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, RFI đã phỏng vấn luật sư Lê Thị Công Nhân, vừa mãn hạn tù 3 năm và hiện đang thi hành án quản chế. Cô đã bị bắt và bị kết án chỉ một thời gian ngắn sau khi tham gia Khối 8406.
Bài phỏng vấn đã được ghi lại thành văn bản và vừa được đăng lên trang web của RFI Việt ngữ hôm qua. Nhưng cùng lúc đó, lại có một bài phỏng vấn Lê Thị Công Nhân được lưu hành trên mạng, với một số đoạn bị sửa đổi hoặc một số đoạn thêm vào, với nội dung là luật sư Lê Thị Công Nhân đả kích, chê bai Khối 8406 và các thành viên của phong trào này, trong khi trên thực tế, trong bài phỏng vấn với RFI, cô đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những lãnh đạo Khối 8406 và tán thành đường lối đấu tranh của phong trào này.


Luật sư Lê Thị Công Nhân và Khối 8406 Các thành viên của khối 8406 (DR)Thanh Phương




Cách đây 4 năm, ngày 8/4/ 2006, một phong trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam đã ra đời, mang tên Khối 8406, mà linh mục Nguyễn Văn Lý là một trong những người sáng lập.



Phỏng vấn luật sư Lê Thị Công Nhân
(14:34) 07/04/2010
by Thanh Phương

Ban đầu có 118 thành viên, khối 8406 đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và tham gia của hàng chục ngàn người trong nước lẫn hải ngoại, trong số này có luật sư Lê Thị Công Nhân, nhà bất đồng chính kiến vừa mãn hạn tù 3 năm và nay đang trong thời gian bị quản thúc 3 năm. Hôm nay, chúng tôi xin mời quý nghe phần phỏng vấn với luật sư LS Lê Thị Công Nhân:


RFI : RFI Việt ngữ xin kính chào chị Lê Thị Công Nhân. Thưa chị, hôm nay chúng tôi muốn nói chuyện với chị qua điện thoại nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Khối 8406, coi như phong trào đầu tiên được hình thành một cách có tổ chức để đấu tranh một cách bất bạo động cho dân chủ ở Việt Nam. Nhưng trước khi nói về phong trào này thì hiện nay là chị vẫn tiếp tục thi hành án quản chế trong 3 năm sau khi mãn hạn tù, thế thì cuộc sống hiện nay của chị như thế nào?

LS Lê Thị Công Nhân : Chào quý vị. Sau khi ra tù thì thực ra cái án quản chế 3 năm này đối với tôi nó cũng không phải là quá quan trọng là bởi vì trước khi tôi bị bắt và bị đi tù một cách chính thức, tôi cũng đã bị quản chế một cách không chính thức.
Thậm chí trong thời gian mà APEC diễn ra tại Việt Nam năm 2006, tôi đã bị giam ngay tại nhà của mình, theo đúng nghĩa đen. Công an họ đã vây kín xung quanh nhà tôi, khu nhà tôi và cả phường của tôi. Riêng nhà tôi họ khóa cả cửa vào và nhốt tôi ở trong nhà. Và nếu so với lúc đó thì tâm trạng của tôi bây giờ có khi lại dễ chịu hơn rất là nhiều.
Ngay ngày mà tôi hết hạn tù, công an mật vụ Việt Nam áp tải tôi từ nhà tù số 5 ở Thanh Hóa về đến UBND phường Phương Mai, nơi tôi sống và bắt tôi ký vào một cái bản viết sẵn, nội dung là “giao trả phạm nhân cho địa phương quản lý” ( người hết hạn tù đấy ). Nó có 2 cái ý chính, ý thứ nhất là họ có quyền ra lệnh quản chế đối với tôi và điều thứ hai là tôi phải tuân thủ lệnh quản chế đấy của họ. Và tôi đã ký vào trong cái biên bản đó một câu ngắn gọn như sau : “Tôi không chấp nhận bản án mà tòa đã tuyên, trong đó có bổ sung lệnh quản chế.”, chấm hết và tôi ký tên vào đấy.


Sau khi ở phường, họ áp tải tôi về nhà. Khi tôi xuống xe thì tôi còn mệt tới mức độ tôi bị xỉu luôn, và công an họ xốc nách tôi đưa vào tận cửa nhà. Từ hôm ấy đến nay, họ vẫn canh gác tôi 24/24. Đặc biệt những ngày đầu thì vô cùng chặt chẽ, thậm chí canh gác ngay trong cầu thang luôn, tức là có vòng trong vòng ngoài.


Nhưng sau sự kiện họ bắt lại tôi vào ngày 19-3, vào lúc 1 giờ chiều hơn, tức là chưa đến 72 tiếng sau khi tôi hết hạn tù, việc canh giữ tôi đã thay đổi. Họ canh giữ một cách mà tôi gọi là “tế nhị”, tức là không đứng ngay bên cạnh tôi lúc tôi trả tiền ăn sáng – ví dụ như thế. Họ canh giữ tôi theo kiểu bớt đi cái áp lực khủng bố tinh thần tôi.
Từ phía tôi thì tôi vẫn cố gắng duy trì một cuộc sống bình thường trong mức độ mà tôi có thể, ví dụ như khi cần thiết phải đi đây đi đó, gặp gỡ người nọ người kia, hoặc là đi khám chữa bệnh, hoặc là đi lễ nhà thờ, vân vân, tôi vẫn đi như bình thường. Nhưng trong những chuyến đi đấy của tôi thì công an họ đều đi theo ngay bên cạnh. Còn về phía công an phường thì đã hai lần : một lần họ đến nhà tôi vào ngày 29-3, tôi không mời họ vào nhà, mà tôi mở cửa ra và tôi đi theo họ. Tôi đi ra hành lang và buộc họ cũng phải đi theo, thì họ đã cảnh cáo tôi một cách rất hằn học là tôi đã vi phạm lệnh quản chế này nọ kia. Họ yêu cầu tôi phải chấp hành cái điều đấy, thậm chí họ còn chửi tôi là “con người có học mà như vô học”. Nói chung gần đây tôi thấy họ rất hay sử dụng câu chửi rủa đấy.
Và ngày hôm qua, ngày 6-4, công an phường chặn tôi giữa đường, trên đường tôi ra chợ phiên. Ở Việt Nam, ở Hà Nội hay có những chợ phiên nho nhỏ. Tôi ra đấy để ăn sáng và mua vài thứ lặt vặt, thì họ chặn tôi ngay giữa đường. Họ đánh xe máy chặn ngay trước mặt tôi luôn, yêu cầu tôi quay về nhà, mặc dù nơi đó cách nhà tôi chưa đến 200 mét. Họ nói những câu rất là khó nghe, lại tiếp tục điệp khúc : “chị có học mà như vô học”, “chị có học thì chị phải tuân thủ quy định của pháp luật”, “chị phải chấp hành bản án”. Tôi không nói lại với họ điều gì hết. Sau khi họ nói những câu như vậy khoảng 10 phút, tôi vẫn kiên quyết là tôi đi thì họ vòng xe cản trước mặt tôi lần nữa và tôi đã la lên : “Chú thật là vớ vẩn!”. Tôi gọi ông ta là chú, ông ta lên là ông Sơn, công an ở phường nhà tôi. Và tôi tiếp tục đi thì ông ta trở nên khó khăn bởi vì ông ta đi xe máy còn tôi thì đi bộ, đâm ra ông ta không thể lẻo đẻo theo tôi mãi được. Sau một hồi rủa xả tôi là : “loại người đấu tranh dân chủ gì mà chẳng có nhận thức”, “có học mà như vô học”. Sau khi lải nhải như vậy thì ông ta đi mất.

Nhưng nói chung thì tôi không cảm thấy những việc này có gì là quá ảnh hưởng đến tinh thần của tôi trong việc tôi đấu tranh cho dân chủ cho Việt Nam, bởi vì lý tưởng của tôi không thể nào bị đánh đổi bởi những khó khăn nhỏ nhoi như vậy. Tôi đã hoàn toàn chuẩn bị tinh thần từ trước và đã được truyền đạt ý nguyện từ các thế hệ đi trước rất là nhiều.

RFI : Thưa chị Lê Thị Công Nhân, chị cũng là thành viên Khối 8406 và chính vì tham gia đấu tranh mà chị đã phải chịu án tù 3 năm và hiện nay đang tiếp tục thi hành án quản chế, vậy thì 4 năm nhìn lại chặng đường đã qua thì chị thấy rằng là Khối 8406 và nói chung là phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam đã có những thay đổi nào đáng kể ạ?

LS Lê Thị Công Nhân : Vâng. Khối 8406 là một điều đáng tự hào bởi vì rõ ràng trong lịch sử Việt Nam hiện đại sau năm 1975, Khối 8406 là một tổ chức mà theo tôi là công khai và đã đạt được kết quả rất đáng để khâm phục, trong thời gian rất là ngắn và trong hoàn cảnh đất nước thì ngày càng bị siết chặt bởi chính sách cai trị nhằm nắm giữ sự độc tôn độc quyền của Cộng sản Việt Nam.


Có thể là những hành vi đàn áp của họ khác đi một chút, đó là do thời thế, do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của kinh tế, của toàn thế giới, chứ còn cái ý thức đàn áp của họ theo tôi thì ngày càng điên cuồng và quyết liệt. Khối 8406 đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy và theo tôi là họ đã có những phương thức, những chính sách đúng đắn ngay từ đầu.

Sau khi Khối ra đời 3 tháng, tôi tình cờ được biết trên trang BBC tiếng Việt và tôi đã tham gia vào Khối. Sau đó thì tôi đã bị bắt đi tù và cho tới ngày hôm nay tôi trở về sau 3 năm. Kỷ niệm Khối 8406 4 năm thì trong đó hơn 3 năm tôi ở trong tù mất rồi ! Nhưng khi tôi về thì tôi thì tôi thực sự kinh ngạc bởi sự phát triển hết sức nhanh, vì chỉ có 4 năm thôi mà Khối đã tạo nên tiếng vang rất lớn về mặt danh tiếng cho phong trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam. So với những nước độc tài cộng sản khác như là Cuba, Bắc Hàn hay là Trung QUốc, thì dấu ấn của Khối 8406 theo tôi là một điều đáng tự hào.

Tôi ngạc nhiên nữa là không những về mặt danh tiếng, về mặt quốc tế, mà cái điều chúng ta cần nhất của phong trào đấu tranh cho dân chủ đó chính là quốc nội, đó chính là nhân dân chúng ta ở trong nước đang sống trong sự lầm than, nghèo khổ và mù mịt về thông tin, về kiến thức. Còn những người mà không quan tâm đến chính trị thì đang say sưa kiếm tiền, làm giàu, như là trong cơn lên đồng tập thể vậy. Mặc dù trong bối cảnh như thế, theo như nhận thức của tôi thì có rất là nhiều người Việt Nam đã bắt đầu biết đến Khối 8406 ở trong nước, và tôi nghĩ rằng đây là điều rất là đáng mừng và cho thấy cái nỗ lực tuyệt vời của một số cá nhân, tuy rất là ít ỏi so với cả dân tộc Việt Nam, hay là so với Đảng Cộng sản với 3 triệu đảng viên. Những người lãnh đạo Khối 8406 đã làm được một việc mà tôi cảm thấy như là không tưởng vậy. Trong vòng 4 năm ngắn ngủi với bao nhiêu sự đàn áp, mà cụ thể như trường hợp anh Đỗ Nam Hải, một người gần như bị giam lỏng hoàn toàn trong suốt những năm tháng vừa qua, thế mà Khối 8406 đã đưa được những chính sách và những cương lĩnh của mình đến với quần chúng nhân dân.


Và như tôi đã nói, những người sáng lập Khối 8406 đã có những chính sách, những đường hướng đúng đắn ngay từ đầu để dẫn dắt phong trào đấu tranh cho dân chủ - nhân quyền Việt Nam tiến về một cái hướng, mà tôi nghĩ rằng sẽ gặt hái được những thành công trong tương lai không phải quá xa. Nhưng mà về cá nhân tôi, tôi bất ngờ sau 3 năm đi tù về thấy kết quả như vậy.

Vâng, tôi cũng mong anh Thanh Phương cũng như quý vị hiểu cho hoàn cảnh của tôi khi mà nói lên cái hiểu biết của mình về Khối 8406 trong thời gian vừa qua, vì kỷ niệm 4 năm thì đã có 3 năm tôi ở trong tù mất rồi. Ở trong tù thì hoàn toàn không có thông tin gì về Khối 8406, ngoại trừ những lúc ôm hôn những người thân trong gia đình thì chỉ có bỏ nhỏ được vài câu, vài câu ngắn gọn vào tai thì tôi mới biết được một chút ít.

RFI : Vâng. Thưa chị Lê Thị Công Nhân, trong hoàn cảnh đó những người lãnh đạo Khối 8406 hoặc những thành viên nòng cốt của phong trào này thì họ cũng gặp khó khăn, như bản thân của chị thì cũng bị tù 3 năm, LM Nguyễn Văn Lý thì cũng bị xử án tù 8 năm và hiện nay được tạm thời thả ra để chữa bệnh nhưng vẫn sẽ tiếp tục phải thi hành bản án cho đến hết. Trong hoàn cảnh mà khi chúng ta xuất hiện công khai, hoặc là chúng ta có những hành động cụ thể, hoặc là có ý định muốn tập hợp lại thành một phong trào thì đều bị bắt bớ hoặc bị quản thúc, trong điều kiện đó chị có cảm thấy lạc quan cho tương lai của phong trào đấu tranh cho dân chủ hay không?

LS Lê Thị Công Nhân : Vâng. Cảm ơn câu hỏi của anh rất là hay. Nếu tôi không nhầm thì có một thông điệp rằng là lựa chọn con đường công khai bất bạo động thì theo tôi là có còn tiếp tục có hiệu quả hay không. Tôi hiểu thế có đúng không ạ?

RFI : Vâng.

LS Lê Thị Công Nhân : Vâng. Nếu nói riêng về cá nhân tôi thì giờ phút này tôi vẫn chưa nghĩ ra được cách thức nào hay hơn, một cái cương lĩnh đúng đắn hơn những điều mà Khối 8406 đã đưa ra. Còn riêng về kinh nghiệm bản thân tôi cũng như là tư tường của tôi đã xác định ngay từ đầu khi tham gia những hoạt động này, đó là khi anh đấu tranh thì phải chấp nhận hy sinh. Mà đã xác định hy sinh thì phải xác định hy sinh đến cùng. Còn hy sinh dang dở thì có lẽ cũng nên xem xét lại là có nên đấu tranh nữa hay không, bởi vì hy sinh dang dở thì sẽ mất rất nhiều, mà chẳng được bao nhiêu và thậm chí còn ngáng đường cho những người khác và giống như một sự phản bội vậy.

Đấu tranh trong bất kỳ một lãnh vực nào cũng vậy thôi chứ đừng nói là đấu tranh chính trị trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Là một người dân chủ, tôi tự hào và tự tin để nói với quý vị rằng, nếu như có ai đó có thể nghĩ ra, có thể có một sáng kiến nào khác về cách thức đấu tranh trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay để chống lại sự độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi sẵn sàng nghe theo. Nhưng hiện giờ thì tôi thấy rằng con đường mà Khối 8406 đã lựa chọn, kiên định cho đến thời điểm này là hoàn toàn đúng đắn. Và sự hy sinh của những người tham gia trong phong trào, đặc biệt là những người lãnh đạo Khối 8406 và những thành viên nòng cốt. Riêng cá nhân tôi, một thành viên bình thường, tôi nghĩ rằng đó là sự hy sinh cần thiết. Chúng tôi đã xác định điều đó ngay từ đầu.

RFI : Vâng. Thưa chị, phong trào 8406 không chỉ phát triển mạnh trong nước mà nó cũng đã có sự ủng hộ của quốc tế, chủ yếu là từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền và từ các nghị sĩ quốc hội của những nước Tây Phương, chẳng hạn như hôm qua thì bà Đại Sứ Canada có gọi điện thoại đến nói chuyện với LM Nguyễn Văn Lý để bày tỏ sự ủng hộ bà đối với LM Nguyễn Văn Lý, nhưng theo chị thấy thì cái áp lực của nước ngoài lên Việt Nam có thể mang lại hiệu quả hay không trong bối cảnh mà đa số các nước đều muốn duy trì mối quan hệ tốt với Việt Nam để bảo vệ các quyền lợi kinh tế của mình?

LS Lê Thị Công Nhân : Câu chuyện đấu tranh dân chủ cho Việt Nam là câu chuyện của chúng ta, còn họ là những con người, là đồng loại của chúng ta về khía cạnh nhân loại trên toàn thế giới. Và đối với những cá nhân như chúng tôi, trong quá trình mà đang tiến đến một sự kiện lớn lao hơn là những cuộc xuống đường, hoặc những việc mà mình có thể gọi là dẫn đến việc thay đổi chính quyền này, tiếng nói của họ là góp phần vào sự an toàn cho chúng tôi, góp phần để đưa các thông tin về phong trào, về Khối 8406 quay trở lại với người dân trong quốc nội, vốn bị bưng bít thông tin hoàn toàn, mặc dù Việt Nam có gần 700 tờ báo.


Tôi vẫn khẳng định ngay từ đầu, những sự ủng hộ đó của các tổ chức nước ngoài, các chính phủ nước ngoài là vô cùng quý báu và tôi tin chắc rằng họ có đủ sự thông minh, có đủ bản lĩnh và tính nhân văn, cũng như sự trung thực, thẳng thắn, để có thể lựa chọn những hành động đúng đắn nhất đối với họ, cũng như mối quan hệ của họ đối với Việt Nam. Tôi tôn trọng những việc làm của họ bởi vì tôi luôn xác định phong trào đấu tranh này là của chúng ta, để giành lấy quyền cho chính chúng ta.


RFI : Chúng tôi xin cảm ơn LS Lê Thị Công Nhân đã trả lời phỏng vấn ngày hôm nay với RFI nhân dịp kỷ niệm 4 năm thành lập Khối 8406.

LS Lê Thị Công Nhân : Vâng. Cảm ơn anh. Xin cảm ơn quý vị.


.